Cùng với nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, duy trì, phát triển các làng nghề, ngành nghề truyền thống, việc đưa nghề mới về nông thôn được tỉnh ta xác định là một trong những hướng đi quan trọng nhằm tạo việc làm tại chỗ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn. Tuy nhiên, hiện nay, việc duy trì, phát triển các nghề mới ở địa bàn nông thôn đang gặp không ít khó khăn, cần có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả.
Lớp dạy nghề may cho lao động nông thôn ở xã Giao Nhân (Giao Thủy).
Ảnh:
Vân Anh
|
Theo thống kê của Sở NN và PTNT, tỉnh ta hiện có 89 làng nghề, trong đó có 28 làng nghề truyền thống. Những năm qua, các ngành nghề ở khu vực nông thôn trong tỉnh có bước phát triển cả về quy mô và giá trị sản xuất. Đến năm 2010, toàn tỉnh có gần 53 nghìn hộ dân nông thôn tham gia sản xuất ngành nghề và 305 cơ sở sản xuất ở các làng nghề. Giá trị sản xuất ngành nghề ở khu vực nông thôn trong toàn tỉnh đạt 4.183 tỷ đồng, chiếm 19,2% tổng giá trị sản xuất của các ngành kinh tế. Thông qua các hoạt động, sản xuất, kinh doanh, số hộ, cơ sở sản xuất đang thu hút, tạo việc làm cho hơn 130 nghìn lao động, chiếm 13,7% tổng số lao động trong các thành phần kinh tế. Thu nhập bình quân của lao động trong các cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh ngành nghề khu vực nông thôn đạt khoảng 1 triệu đồng/người/tháng. Một số nghề truyền thống như dệt, cơ khí ở các huyện: Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường; sản xuất gỗ mỹ nghệ, đồ đồng ở Ý Yên… đang phát triển mạnh, tạo được chỗ đứng trên thị trường… Để phát triển, nhân rộng các làng nghề, ngành nghề ở nông thôn, những năm qua tỉnh ta đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị; tăng cường sự chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền tại các địa phương; triển khai các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển; tập trung các nguồn lực đầu tư để phát triển ngành nghề; chú trọng công tác đào tạo, truyền nghề, khuyến khích các doanh nghiệp đầu mối đảm nhận khâu tiêu thụ sản phẩm cho các hộ sản xuất; tạo điều kiện phát triển các làng nghề trên địa bàn. Toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng 20 CCN làng nghề, tạo điều kiện triển khai hàng trăm dự án, với số vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng… Bên cạnh việc duy trì, đẩy mạnh các ngành nghề, làng nghề sẵn có, nhiều địa phương trong tỉnh đã mở mang một số nghề mới như: may mặc, đan móc sợi, thêu ren xuất khẩu, mây tre đan, đan bẹ chuối, bèo tây… Tuy nhiên, do thiếu thị trường tiêu thụ, thu nhập thấp nên các địa phương đang gặp khó khăn trong việc duy trì, phát triển nghề mới. Đồng chí Nguyễn Văn Huân, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Thái (Nam Trực) cho biết, để “phá” thế thuần nông, tạo thêm việc làm, thu nhập tại chỗ cho lao động địa phương, những năm qua xã đã đưa một số nghề mới như may gia công, thêu ren xuất khẩu, mây tre đan, đan bẹ chuối, đan bèo tây nhưng hiện nay, chỉ duy trì được nghề may gia công với hơn 100 máy may. Những nghề khác không duy trì được bởi không tiêu thụ được sản phẩm hoặc thu nhập của người lao động thấp, chỉ 20-30 nghìn đồng/ngày công. Hiện tại, hơn 500 lao động trong xã vẫn chọn “giải pháp” ra thành phố tìm việc làm thêm. Huyện Vụ Bản, ngoài 5 làng nghề truyền thống ở các xã Quang Trung, Trung Thành, Liên Minh, Vĩnh Hào, Thành Lợi, thời gian qua một số xã trong huyện đã du nhập một số nghề mới như đan thảm, móc sợi, khâu bóng… Tuy nhiên, quy mô sản xuất còn nhỏ, chủ yếu làm gia công, thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định, công lao động thấp nên khó duy trì, phát triển. Làng nghề mây tre đan ở các xã Liên Minh, Vĩnh Hào thu nhập cũng thấp, người lao động không gắn bó với nghề nên đang có nguy cơ bị mất nghề. Đồng chí Vũ Văn Rung, Chủ tịch UBND huyện Vụ Bản cho rằng: Sở dĩ ngành nghề nông thôn trên địa bàn huyện chưa phát triển do thiếu sự đầu tư, liên kết, hỗ trợ của các doanh nghiệp. Toàn huyện hiện có 42 doanh nghiệp sản xuất CN-TTCN nhưng đều là các doanh nghiệp nhỏ, vốn đầu tư ít, công nghệ sản xuất lạc hậu, trình độ tay nghề lao động còn thấp, sản phẩm sản xuất ở dạng thô, chủ yếu nhận gia công. Một số địa phương, đơn vị đã đầu tư dạy nghề, du nhập nghề mới song các biện pháp duy trì, phát triển nghề không đồng bộ nên một số nghề bị mai một dần, gây tốn kém lãng phí.
Thực tế cho thấy, việc duy trì, phát triển nghề mới ở địa phương đòi hỏi phải có kế hoạch tổng thể, trong đó không thể thiếu các khâu: khảo sát khả năng, nhu cầu của lao động ở địa phương, công tác dạy nghề, truyền nghề, tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm... Qua khảo sát, toàn tỉnh hiện có hơn 10 nghìn lao động có nhu cầu học nghề, tập trung ở khu vực nông thôn. Đây là những lao động đa dạng về nhu cầu, nhận thức và độ tuổi. Vì vậy, việc tổ chức dạy nghề tập trung theo trường lớp khó phát huy hiệu quả mà nên dạy nghề theo hướng vừa học vừa làm ngay tại nơi sản xuất. Với cách thức này, 5 năm qua, Trung tâm dạy nghề huyện Nghĩa Hưng đã dạy nghề cho gần 2.000 lao động trong huyện, góp phần phát triển nghề trồng nấm, mang lại hiệu quả kinh tế ở 14 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Trong việc dạy nghề, truyền nghề cho lao động nông thôn, nhất là đối với những nghề thủ công truyền thống, các địa phương cần khuyến khích, tôn vinh các nghệ nhân có tay nghề giỏi tham gia. Việc dạy nghề, truyền nghề cần có chiều sâu, đảm bảo yêu cầu về quy mô, chất lượng, hiệu quả vừa tạo ra cơ cấu lao động hợp lý cho các giai đoạn phát triển. Đặc biệt, các địa phương cần có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cá nhân bỏ vốn đầu tư phát triển sản xuất. Các dự án khả thi cần được các tổ chức tín dụng ưu tiên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Nguồn quỹ khuyến công cần được ưu tiên sử dụng hỗ trợ các dự án đầu tư phát triển ngành nghề sản xuất tại nông thôn. Mặt khác, các địa phương tiếp tục hoàn thiện công tác quy hoạch, xây dựng, phát triển hạ tầng nông thôn, tạo môi trường thuận lợi cho các thành phần kinh tế, các ngành nghề sản xuất phát triển, trong đó chú trọng đầu tư xây dựng, phát triển, mở rộng thêm các cụm, điểm CN tập trung trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu mặt bằng sản xuất của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Khuyến khích mô hình liên kết giữa các làng nghề, cơ sở sản xuất với các vùng nguyên liệu trong đó việc tìm kiếm thị trường, giải quyết đầu ra cho sản phẩm là yếu tố quyết định sự tồn tại, phát triển của ngành nghề nông thôn. Trong điều kiện hiện nay, khi cả nước đang tích cực triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, các địa phương trong tỉnh đều chú trọng phát triển ngành nghề nông thôn thì các cơ quan hữu quan của tỉnh cần đẩy mạnh thông tin, định hướng cho các địa phương trong việc lựa chọn phát triển ngành nghề, sản phẩm. Các sản phẩm làm ra đảm bảo chất lượng, độc đáo, có tính cạnh tranh mới có thể đứng vững trên thị trường. Ngoài sự chủ động của các doanh nghiệp, các cơ quan chức năng cần tích cực đồng hành, hỗ trợ các làng nghề, cơ sở sản xuất trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm cũng như đăng ký thương hiệu, mẫu mã, bản quyền. Tăng cường công tác quản lý thị trường, xử lý nghiêm những vi phạm trong sản xuất, lưu thông, tạo sự công bằng cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh…
Trần Duy Hưng