Thủ tướng Pu-tin lập chiến lược kinh tế cho Nga

08:10, 12/10/2011

Thủ tướng Nga Pu-tin đã trải qua sinh nhật thứ 59 bằng một lịch trình  bận rộn  khi tham dự một hội nghị đầu tư nhằm kêu gọi các nhà đầu tư bỏ tiền vào nước Nga.

Trong bài phát biểu lớn đầu tiên về chính sách kinh tế kể từ khi tuyên bố tham gia tranh cử tổng thống vào năm tới, ông Pu-tin cam kết gắn bó với những chính sách tài chính chặt chẽ và tìm kiếm đầu tư nước ngoài cho một “nền công nghiệp hóa mới”. Ông cũng  nói "bóng gió" rằng, A. Cu-đrin (A. Kudrin) - nhân vật được giới đầu tư yêu thích, người đã không còn giữ chức Bộ trưởng Tài chính hồi tháng trước - có thể trở lại chính phủ trong tương lai. Ông Pu-tin cho hay, ông Cu-đrin “vẫn là thành viên trong đội ngũ của chúng tôi và chúng tôi sẽ làm việc với ông ấy”. Thủ tướng Nga nhấn mạnh, họ là những người bạn gần gũi từ đầu những năm 1990. “Tôi sẽ nói ngay rằng, nước Nga đã chuẩn bị tốt hơn so với năm 2008 cho các kịch bản khác nhau”, ông Pu-tin tuyên bố. Ngay sau đó, ông Pu-tin đã cam kết tiếp tục nhiều chính sách thân thiện với nhà đầu tư mà ông Mét-vê-đép đã thông qua. Thủ tướng Nga cho biết, tiến trình làm giảm tham nhũng và cắt giảm vai trò của nhà nước với nền kinh tế - những lĩnh vực là ưu tiên chính của ông Mét-vê-đép - sẽ được tiến hành “dần dần”.

Thủ tướng V. Pu-tin tại hội nghị các nhà đầu tư vào Nga. Ảnh: AP
Thủ tướng V. Pu-tin tại hội nghị các nhà đầu tư vào Nga. Ảnh: AP
Ông Pu-tin  cũng tỏ ra "hờ hững" với việc Nga gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới. Pu-tin cho rằng, các nước giàu chỉ muốn dựa vào thế độc quyền và đòi hỏi các nước nghèo làm thế này thế khác. Ông cho biết, mới đây Nga đã được yêu cầu phải đạt thỏa thuận với Gru-di-a, quốc gia có chiến tranh với Nga hồi năm 2008. “Liệu các đối tác của chúng ta ở châu Âu và Mỹ có thực sự muốn chúng ta vào WTO hay không?”. Điều quan trọng hơn, theo Pu-tin, là một khi Nga ở trong WTO, các nước giàu có thể đánh bật các công ty Nga ra khỏi chính thị trường của mình. Trong khi Nga đang cố gắng thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ, Pu-tin cho rằng nước này “cần nội địa hóa ngành công nghiệp”. Theo đó, hàng hóa nhập khẩu nên được giảm bớt trong khi tăng sản xuất nội địa. Có được điều này, Nga sẽ không phải chấp nhận “những điều kiện không thể chấp nhận” trong tiến trình đàm phán gia nhập WTO. Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Pu-tin cũng khẳng định sẽ thúc đẩy ngân sách tăng cường quốc phòng trị giá 612 tỷ USD.

Hiện các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, ông Pu-tin có nhiều khả năng chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới, bất luận các ứng cử viên khác là ai. Mặc dù tỷ lệ ủng hộ ông Pu-tin có giảm, nhưng con số này vẫn khá cao (gần 70%). “Sự trở lại của ông Pu-tin với cương vị tổng thống là hoàn toàn hợp lý, vì ông vẫn là nhà lãnh đạo dân tộc chúng tôi”, A. I-xa-ép (A. Isaev), một thành viên lãnh đạo đảng Nước Nga Thống nhất nói với Tạp chí Thời đại. “Xã hội Nga vẫn xem ông là lãnh đạo chứ không phải là ai khác”.

Chỉ số kinh tế lạc quan và gia tăng mức sống đã được “ghi dấu” trong thời kỳ ông Pu-tin làm tổng thống ở Nga. Sự ổn định tương đối của nền kinh tế được trợ giúp bởi giá dầu cao là lý do chính cho sự tín nhiệm của ông Pu-tin tại Nga. Các chỉ số đói nghèo giảm mạnh trong năm 2001 tới năm 2007. Nhưng những  năm gần đây, khủng hoảng tài chính lại làm chúng gia tăng trở lại.

Bên cạnh đó, Công ty Capital Economics ở Luân Đôn dự báo Nga sẽ chỉ có thể tăng trưởng 3%/năm trong vòng 15 năm tới, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ mà Trung Quốc và Ấn Độ đạt được. Ông Pu-tin sẽ phải khó khăn khi giải quyết bài toán tăng trưởng cho nước Nga, mà một trong những mục tiêu cấp thiết là giảm sự phụ thuộc phần lớn của Nga vào nguồn thu từ dầu và khí đốt. Nền kinh tế trông cậy nhiều vào dầu mỏ của Nga đã ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng 2008. Tuy nhiên, nhờ có nhiều tỷ USD kích cầu từ Crem-li, kinh tế đã nhanh chóng phục hồi dù sự trở lại của các nhà đầu tư vẫn khá chậm chạp. Trong vài tháng qua, giá cổ phiếu và tiền tệ Nga đã sụt giảm mạnh trở lại khi các thị trường toàn cầu trở nên rối loạn. Kể từ khi nhậm chức năm 2008, Tổng thống Mét-vê-đép đã kêu gọi cải tổ môi trường đầu tư và đa dạng hóa nền kinh tế phụ thuộc lớn vào dầu mỏ. Nhưng tiến trình này gặp nhiều hạn chế.

Khi tuyên bố quyết định tranh cử tổng thống tháng 3 tới, ông Pu-tin nói, nước Nga sẽ phải thực hiện các biện pháp để đặt nền kinh tế dưới sự kiểm soát thông qua các biện pháp thắt lưng buộc bụng. “Nhiệm vụ của chính phủ không chỉ là đổ mật vào chiếc cốc, mà đôi khi cần có những liều thuốc đắng hơn”.  Và giờ đây, người ta đang hy vọng liều thuốc đắng nhưng không khó nuốt của ông Pu-tin sẽ giúp nước Nga tìm lại được ánh hào quang đã từng có trước đây.

Theo: qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com