Tấn bi kịch bên bờ Địa Trung Hải

01:10, 22/10/2011

Khi thông tin về cái chết của ông M. Ca-đa-phi được lan truyền tới mọi nơi trên thế giới, nhiều quốc gia phương Tây lên tiếng cho rằng “một chương mới” đã mở ra tại Li-bi sau nhiều tháng xung đột. Thế nhưng, tấn bi kịch tại quốc gia Bắc Phi ven bờ Địa Trung Hải này vẫn chưa khép lại.

Với cao trào giành độc lập của các quốc gia châu Phi vào thập niên 60 của thế kỷ trước, ông Ca-đa-phi đã xuất hiện như một ngôi sao chính trị ở “Lục địa Đen”. Lên cầm quyền ở tuổi 27, tràn đầy nhiệt huyết, nhà lãnh đạo Ca-đa-phi tuyên bố quyết tâm xây dựng đất nước Li-bi thành một xã hội tiên tiến, bình đẳng, dân chủ và hạnh phúc. Thực tế, ông Ca-đa-phi đã đưa ra nhiều chính sách mới ưu việt hơn so với chế độ cũ như chăm sóc y tế miễn phí, trợ giá xăng dầu, sử dụng nguồn lợi từ dầu mỏ để phát triển kinh tế đất nước. Uy tín của ông Ca-đa-phi tăng nhanh theo mức sống ngày được nâng cao của người dân Li-bi cùng với sự tham gia tích cực của quốc gia này vào đời sống quốc tế.

Đất nước Libya chìm trong bạo lực. Nguồn: Internet
Đất nước Libya chìm trong bạo lực. Nguồn: Internet
Có lẽ, phía sau ánh hào quang nào cũng có những chiếc bẫy mà người không đủ tỉnh táo dễ mắc phải. Lệnh cấm vận của phương Tây đã gây tổn thất to lớn cho Li-bi nhưng khách quan nhìn nhận, thì nền kinh tế của đất nước dồi dào tài nguyên này đã dần đi chệch hướng bởi những quyết sách thiếu hiệu quả từ thập niên 80 của thế kỷ trước. Kể cả khi Li-bi tái hòa nhập với cộng đồng quốc tế, nền kinh tế cũng không được vận hành trơn tru, đặc biệt là tăng trưởng không dành cho mọi người.

Với dân số khoảng 6 triệu người, chỉ riêng thu nhập từ dầu mỏ trong năm 2010 đã vào khoảng 32 tỷ USD cho thấy tiềm năng của Li-bi rất lớn. Tuy nhiên, đa số người dân Li-bi lại không cảm nhận được sự giàu có của đất nước mình. Tỷ lệ thất nghiệp lên tới hơn 30%, nguồn lợi của hoạt động kinh tế chủ yếu chảy vào túi một số ít người giàu có. Đời sống khó khăn, niềm tin của người dân càng bị xói mòn khi xu hướng gia đình trị, lãnh đạo theo kiểu kế thừa, thế tập đã xuất hiện khi ông Ca-đa-phi với uy quyền tuyệt đối bổ nhiệm thiếu nguyên tắc con cái, họ hàng và các nhân vật thân cận vào các vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị.

Mâu thuẫn xã hội ở Li-bi bị dồn nén là điều có thực nhưng nó sẽ không bùng phát thành một tấn bi kịch nếu không chịu tác động từ bên ngoài. Những diễn biến chính trị ở các quốc gia láng giềng và sâu xa hơn là sự kích động của phương Tây đã khiến ông Ca-đa-phi không đủ thời gian để nắm bắt được những biến động trong mỗi giai tầng xã hội, sửa chữa sai lầm, đưa đất nước trở lại đúng con đường phát triển mà ông từng cam kết theo đuổi.

Nhìn lại quá khứ, việc phương Tây muốn loại bỏ ông Ca-đa-phi không phải điều bất ngờ. Có thể nói, trong 42 năm cầm quyền của ông Ca-đa-phi, mối quan hệ giữa ông và phương Tây chưa bao giờ bình lặng. Khi những mâu thuẫn, bất ổn và xung đột bùng lên ở Li-bi, thì những tuyên bố của Mỹ, Anh, Pháp rằng “ông Ca-đa-phi phải ra đi” lập tức xuất hiện với mật độ ngày càng nhiều. Một cái cớ luôn được mong chờ để hiện thực hóa những tính toán can thiệp nhằm thay đổi chế độ ở Li-bi.

Ngay sau khi Nghị quyết 1973 được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua hồi tháng 3, cho phép lập vùng cấm bay ở Li-bi, nhiều lời cảnh báo đã được đưa ra về việc nghị quyết bị lợi dụng vào ý đồ riêng của một số bên tham gia. Thực tiễn diễn biến trong suốt hơn 7 tháng qua phản ánh đúng những lo ngại này. Gắn mác bảo vệ thường dân, liên quân đã oanh tạc không giới hạn những mục tiêu quân sự và dân sự. Liệu có thể coi đây là một sứ mệnh nhân đạo khi Ngoại trưởng Mỹ H. Clin-tơn cách đây vài ngày tuyên bố cần phải giết chết ông Ca-đa-phi sớm và chính máy bay NATO đã không kích chặn đường rút lui của ông Ca-đa-phi ở Xơ-tê?

Dù cân đo, đong đếm kỹ càng tới đâu thì hôm nay đất nước Li-bi nặng mùi khói súng hơn là hương hoa nhài theo cách gọi hoa mỹ của phương Tây về một “làn sóng dân chủ” mà họ cổ súy. Với sự can thiệp từ bên ngoài, một chế độ cầm quyền ở Li-bi đã bị lật đổ, cuộc đời thăng trầm của ông Ca-đa-phi cũng đã kết thúc. Thế nhưng, trước mắt nhân dân Li-bi là một chặng đường đầy chông gai. Cuộc đấu quyền lực thời “hậu Ca-đa-phi” là điều gần như đã hiển hiện. Chính Chủ tịch Hội đồng dân tộc chuyển tiếp (NTC), ông Mút-ta-pha Áp-đun Gia-lin phải thừa nhận rằng, người của các phe phái đều muốn giành được ít nhiều “miếng bánh” trong chính phủ mới bởi họ rất khát khao quyền lực. Sự rạn nứt trong nội bộ NTC thể hiện rõ nhất là vụ ám sát Tư lệnh quân đội NTC, tướng Áp-đen Pha-ta Y-ô-nét. Mệt mỏi trước sự tranh giành quyền lực cũng buộc Thủ tướng chính phủ lâm thời Li-bi M. Gi-bri tuyên bố sẽ không tham gia chính phủ mới.

Những yếu tố cả bên trong lẫn bên ngoài đã đẩy Li-bi vào cơn binh lửa. Tấn bi kịch ở đất nước Bắc Phi này chỉ thực sự chấm dứt khi quyền tự quyết của quốc gia được tôn trọng và các lực lượng chính trị sớm có những biện pháp hữu hiệu nhằm khôi phục hòa bình, ổn định và nhanh chóng tiến hành tổng tuyển cử để bầu ra chính quyền hòa hợp, hòa giải dân tộc, đại diện cho ý chí và quyền lợi của toàn thể nhân dân.

Theo: qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com