Tình hình khu vực vùng Vịnh lại nóng lên khi I-ran tuyên bố sẵn sàng đối đầu với Mỹ về cáo buộc Tê-hê-ran đứng đằng sau âm mưu sát hại Ðại sứ A-rập Xê-út tại Oa-sinh-tơn. I-ran, quốc gia từng bị Mỹ liệt vào "trục ma quỷ" kiên quyết bác bỏ cáo buộc và khẳng định đây là một "vở kịch" mới của Oa-sinh-tơn.
Quan hệ "đối đầu"giữa I-ran và Mỹ sau thời gian khá "bình lặng", nay lại "căng như dây đàn" sau khi Oa-sinh-tơn cáo buộc đơn vị Quds của Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo I-ran tiến hành âm mưu đánh bom sát hại Ðại sứ A-rập Xê-út A.Giu-bây tại Mỹ. Mặc dù thừa nhận chưa đưa ra được bằng chứng rõ ràng, nhưng các quan chức Mỹ cáo buộc Nhà lãnh đạo tối cao I-ran A.Kha-mê-nây và những người đứng đầu lực lượng Quds đã biết trước vụ mưu sát này. Mặt khác, Oa-sinh-tơn lại úp mở rằng, có thể Tổng thống I-ran M.A-ma-đi-nê-giát không biết gì về âm mưu này. Những bình luận đó, theo các nhà phân tích, có thể làm tăng nghi ngờ vụ việc này được điều khiển bởi một số nhân vật thông qua các hoạt động ngầm trong hệ thống chính trị đang bị chia rẽ ở I-ran. Cùng với việc mô tả âm mưu của I-ran được tiến hành với những kỹ xảo và tình tiết như trong một "bộ phim hành động" ly kỳ, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ H.Clin-tơn tuyên bố, đây là sự "leo thang nguy hiểm" của Tê-hê-ran trong tài trợ khủng bố. Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma và Quốc vương A-rập Xê-út Áp-đu-la cùng cho rằng "sự dính líu" của I-ran là vi phạm các quy tắc cơ bản và luật pháp quốc tế. Cáo buộc của Mỹ đã tạo ra một nấc thang căng thẳng mới trong quan hệ giữa Oa-sinh-tơn và Tê-hê-ran. Mỹ tuyên bố sẽ cô lập I-ran và cảnh báo quốc gia Hồi giáo này phải hứng chịu các hành động trả đũa. Trong khi đó, Mỹ, Anh và nhiều nước khác đang tham vấn việc áp đặt trừng phạt bổ sung đối với Tê-hê-ran. Bộ Tài chính Mỹ đã trừng phạt Mahan Air, hãng hàng không thương mại của I-ran bị cáo buộc cấp tài chính và bí mật vận chuyển vào nước Mỹ các lực lượng của I-ran để tiến hành âm mưu khủng bố nói trên.
Nhìn lại lịch sử, các hoạt động của lực lượng Quds luôn bị cáo buộc chống lại các lợi ích của Mỹ ở nước ngoài, trong đó có việc cung cấp vũ khí cho cả các phần tử nổi dậy người Hồi giáo dòng Si-ít và dòng Xun-nít chống lực lượng Mỹ ở I-rắc. Hoạt động của Chính phủ I-ran hoặc các nhóm vũ trang thân I-ran như Héc-bô-la ở Li-băng đều bị cáo buộc dính líu các vụ tiến công nhằm vào mục tiêu của Mỹ và phương Tây, trong đó có các vụ đánh bom Sứ quán Mỹ và một doanh trại lính thủy đánh bộ của Mỹ ở Bây-rút (Li-băng) vào những năm 80 của thế kỷ trước và vụ đánh bom năm 1994 vào Trung tâm của người Do Thái ở Bu-ê-nốt Ai-rét (Ác-hen-ti-na) làm 85 người chết. Trong khi đó, tại vùng Vịnh, khu vực vốn đã căng thẳng bởi sự đối đầu giữa hai "đại gia" dầu mỏ là I-ran và A-rập Xê-út bấy lâu nay, cùng với sự hiện diện quân sự quy mô lớn của Oa-sinh-tơn tại đây, sự kiện mới nảy sinh nói trên càng làm tình hình thêm phức tạp. A-rập Xê-út đã cáo buộc những người Hồi giáo dòng Si-ít ở tỉnh miền đông nước này bắt tay với nước ngoài (ám chỉ I-ran) để gây mất ổn định tình hình khu vực. Trong khi đó, chương trình hạt nhân gây tranh cãi của I-ran trong những năm qua càng làm gia tăng lo ngại đe dọa các lợi ích của A-rập Xê-út trước một Tê-hê-ran, dưới sự điều hành của nhân vật bị cho là "cứng đầu", Tổng thống A-ma-đi-nê-giát, sẽ gia tăng ảnh hưởng của Tê-hê-ran đối với khu vực.
A-rập Xê-út cảnh báo, I-ran sẽ phải trả giá vì âm mưu sát hại vị đại sứ của họ. Theo một nhà ngoại giao phương Tây ở Ri-y-át, Mỹ và A-rập Xê-út cùng các đồng minh khác đang thảo luận khả năng đưa vấn đề này lên Hội đồng Bảo an LHQ. I-ran ngay lập tức bác bỏ cáo buộc trên và cho rằng đây là "vở kịch" mới do Mỹ dàn dựng nhằm chống Tê-hê-ran và "gieo mầm" xích mích trong khu vực. Bộ Ngoại giao I-ran đã triệu đại biện lâm thời của Thụy Sĩ tại Tê-hê-ran là đại diện quyền lợi của Mỹ tại I-ran tới để phản đối cáo buộc của Mỹ đối với I-ran. Chỉ huy phó Lực lượng Vệ binh Cách mạng I-ran, Thiếu tướng H.Xa-la-mi khẳng định, tuyên bố của Mỹ về sự can dự của một số thành viên thuộc lực lượng này vào một "âm mưu khủng bố" nhằm vào nhà ngoại giao một nước A-rập là "bịa đặt, lố bịch và vô căn cứ". Theo ông, những cáo buộc của Mỹ là một kịch bản cũ rích, không có cơ sở, và thực tế Mỹ đang tìm cách đánh lạc hướng dư luận trong nước khỏi cuộc biểu tình của phong trào "Chiếm phố Uôn" cũng như những thất bại trong chính sách của Oa-sinh-tơn ở Trung Ðông và trên khắp thế giới. Chủ tịch QH I-ran La-ri-gia-ni mô tả, đây là "trò hề" của Mỹ nhằm vào I-ran với mưu toan kích động giới báo chí, đưa tin tiêu cực rùm beng hòng che đậy những vấn đề trong chính nước Mỹ. Trong khi đó, nhiều nhà phân tích A-rập tỏ ra nghi ngờ về cáo buộc của Mỹ đối với I-ran, bởi theo họ, Oa-sinh-tơn chưa đưa ra được bằng chứng thuyết phục.
Trong bối cảnh Xy-ri, nước đồng minh thân cận của I-ran cũng đang bị phương Tây gia tăng sức ép, những động thái leo thang căng thẳng trong quan hệ của Mỹ và A-rập Xê-út với I-ran gây lo ngại sẽ khơi mào một cuộc đối đầu "ăn miếng trả miếng" mới, khiến tình hình khu vực Trung Ðông càng trở nên nóng bỏng.
Theo: nhandan.com.vn