Những ngày gần đây, quan hệ Nga - Mỹ lại nóng lên do Lầu năm góc tiếp tục triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia (NMD) tại Ru-ma-ni, Tây Ban Nha và Ba Lan, bất chấp chỉ trích của Mát-xcơ-va. Trong khi đàm phán giữa hai bên về Hệ thống phòng thủ tên lửa chung tại châu Âu (AMD) đang "dẫm chân tại chỗ" thì việc Mỹ đặt Nga vào tình thế "chuyện đã rồi" trong vấn đề lá chắn tên lửa gây bất đồng sâu sắc trong quan hệ hai nước.
Bất đồng chung quanh hệ thống phòng thủ tên lửa vốn là một trong những trở ngại chính trong quan hệ Nga - Mỹ. Lập trường trước sau như một của Mát-xcơ-va luôn phản đối việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) triển khai các phương tiện phòng thủ tên lửa gần biên giới nước Nga, với lý do đe dọa an ninh đất nước và phá vỡ sự cân bằng chiến lược về lực lượng vũ trang ở châu Âu. Tại Hội nghị cấp cao Nga - NATO tại Li-xbon (Bồ Ðào Nha) tháng 11-2010, quan điểm của hai bên khác biệt do Nga đề xuất thiết lập lá chắn tên lửa chung ở khu vực châu Âu - Ðại Tây Dương giữa Nga, Mỹ và NATO có khả năng phối hợp tác chiến toàn diện, còn NATO kiên quyết cho rằng phải có hai hệ thống phòng thủ độc lập. Tuy nhiên, hai bên đã thỏa thuận sẽ thúc đẩy quan hệ đối tác thân thiết hơn và hợp tác trong vấn đề lá chắn tên lửa tại châu Âu.
Trong khi Mát-xcơ-va và Oa-sinh-tơn vẫn chưa đạt được tiến bộ trong quá trình đàm phán về NMD, thì Mỹ vẫn thúc đẩy triển khai các hệ thống tên lửa đánh chặn tại Tây Ban Nha và nhiều nước Ðông - Nam Âu gần biên giới Nga. Bộ Ngoại giao Ru-ma-ni cho biết, từ nay đến năm 2015, Mỹ sẽ triển khai tại căn cứ Ðê-vê-xê-lu một trạm ra-đa, 24 khẩu đội tên lửa đánh chặn di động cùng 200 binh sĩ. Tương tự, tại Ba Lan, từ nay đến năm 2018, Lầu năm góc sẽ bố trí tại căn cứ Rét-di-cô-vô hàng loạt tên lửa đánh chặn và một đơn vị quân đội Mỹ với lý do "bảo vệ các nước NATO trước mọi cuộc tiến công bằng tên lửa tầm ngắn, tầm trung và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa". Gru-di-a tiết lộ cũng sẵn sàng cho phép Mỹ triển khai trên lãnh thổ nước này trạm ra-đa thuộc hệ thống lá chắn tên lửa. Trong khi chưa đưa ra bảo đảm pháp lý về NMD sẽ không nhằm vào lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga theo đề nghị của Mát-xcơ-va, Mỹ vẫn tiếp tục đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ về việc bố trí một bộ phận NMD tại lãnh thổ nước này. Thứ trưởng Quốc phòng Nga A.An-tô-nốp chỉ trích việc Mỹ tiếp tục thực hiện kế hoạch bố trí các bộ phận của NMD tại châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ, đã đi ngược lại tinh thần đối thoại giữa Nga, Mỹ và NATO về vấn đề này. Ông An-tô-nốp nhấn mạnh, Nga sẵn sàng đàm phán, nhưng có giới hạn và Mát-xcơ-va sẽ có các biện pháp đáp trả thích đáng nếu xuất hiện nguy cơ đe dọa an ninh gần biên giới Nga.
Bộ Ngoại giao Nga chỉ trích Mỹ đã bỏ lỡ cơ hội thành lập AMD để chuyển vấn đề "lá chắn tên lửa" từ trạng thái đối đầu sang hợp tác theo thỏa thuận đạt được tại Hội nghị cấp cao Hội đồng Nga - NATO cuối năm 2010. Ðồng thời, việc Mỹ không trao đổi ý kiến và tính đến lập trường của các bên liên quan để thông qua quyết định có khả năng ảnh hưởng an ninh và ổn định ở khu vực châu Âu - Ðại Tây Dương đã làm vô hiệu hóa thỏa thuận đạt được tại Li-xbon. Mát-xcơ-va chỉ trích việc Oa-sinh-tơn đơn phương triển khai NMD là hành động tăng cường tiềm lực phòng thủ tên lửa của Mỹ tại châu Âu, gây ra sự lo ngại chính đáng và sâu sắc đối với nước Nga. Ngay cả U-crai-na và Pháp cũng cho rằng việc thiết lập "lá chắn tên lửa" sẽ không góp phần bảo đảm an ninh cho châu Âu vì trong trường hợp xảy ra tiến công thì có tới 70% số tên lửa của đối phương có thể "xuyên thủng" lá chắn này. Nghị sĩ thuộc Ðảng Xã hội Pháp G.Buy-sơ-rông khẳng định, nếu cần, châu Âu nên thành lập hệ thống phòng thủ tên lửa của riêng mình.
Các nhà phân tích lo ngại, bất đồng chung quanh vấn đề AMD khiến đàm phán giữa Nga và Mỹ lại tiếp tục "dẫm chân tại chỗ" và khó tạo bước đột phá trước thềm Hội nghị cấp cao NATO diễn ra vào tháng 5-2012 tại Chi-ca-gô (Mỹ). Mát-xcơ-va đã khẳng định lập trường trước sau như một của Nga là hợp tác nhằm thành lập AMD trên cơ sở bình đẳng, tính đến lợi ích của tất cả các bên và Nga không bao giờ chấp nhận vai trò thụ động trong vấn đề phòng thủ tên lửa. Theo Ðài Tiếng nói nước Nga, để bảo đảm an ninh đất nước, Mát-xcơ-va sẽ phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa trên biển và dự định thành lập lực lượng phòng không vũ trụ từ ngày 1-12 tới, nhằm phát hiện các vụ tiến công tên lửa. Có thể thấy, nếu Mỹ không ngừng triển khai lá chắn tên lửa chung quanh Mát-xcơ-va sẽ làm cho bất đồng Nga - Mỹ thêm sâu sắc và quan hệ song phương có thể bị đốt cháy bởi "lá chắn nóng bỏng" này.
Theo: nhandan.com.vn