Cộng đồng người Việt ở Hồng Kông (Trung Quốc): Từng bước nâng cao giá trị Việt

02:10, 13/10/2011

Tên gọi Hồng Kông xuất phát từ tiếng Quảng Đông (đọc là Hướng Coỏng, có nghĩa là "Cảng Thơm”). Trong đó Lạn Đầu là đảo lớn nhất, Hồng Kông là đảo lớn thứ hai và đông dân nhất, nhưng Ap Lei Chau lại là hòn đảo có mật độ dân số thuộc loại cao nhất thế giới. Riêng số lượng người Việt định cư, sinh sống tại Hồng Kông chỉ ở mức tương đối, trải qua thời gian để lại khá nhiều dấu ấn.

Người gốc Việt ở Hồng Kông tham quan di tích.
Người gốc Việt ở Hồng Kông tham quan di tích.
Ảnh: Internet

Điều này thể hiện qua những tên phố như "Saigon Street” có liên quan đến địa danh Sài Gòn. Bên cạnh đó Hồng Kông còn có cả một khu vực lớn mang tên Sai-kung. Đây cũng là phiên âm của chữ Sài Gòn mà ra và còn có cả phố HaNoi, phố HaiPhong... Vào khoảng những năm cuối 1970, đầu 1980 của thế kỷ trước, người gốc Việt sang đây khá nhiều, ban đầu sống tập trung ở khu Sai-kung, sau đó mới di cư sang nhiều nơi khác như ở vùng bán đảo Cửu Long, Nguyên Lãng, Tân Giới... Theo thống kê sơ bộ của nhà chức trách công bố hồi đầu năm 2010 có khoảng trên dưới 8.000 người gốc Việt đang định cư, làm ăn sinh sống tại Hồng Kông.

Được biết, ở Việt Nam khi mua nhà hay tính theo đơn vị diện tích m2, còn ở Hồng Kông, nhà cửa hay được bán theo... cm2. Diện tích một căn hộ ở đây trung bình chỉ từ 30-50m2 nhưng giá của nó đã lên tới khoảng 7-8 tỷ đồng tiền Việt Nam, vì vậy những người Việt ở Hồng Kông vẫn thường phải thuê nhà để ở. Một người gốc Việt sống ở Hồng Kông hơn 20 năm qua bà Nguyễn Thị Hà (50 tuổi), có cha là người Hoa, mẹ quê gốc Hải Phòng. Vốn là một nữ hướng dẫn viên du lịch nên bà có thể nói trôi chảy cả ba thứ tiếng Quảng Đông, tiếng Anh và tiếng Việt, dù rằng cách nói tiếng Việt của bà hay lặp từ, lặp ý. Bà cho biết: "Phần lớn người Việt sang đây đều có thể kiếm được tiền gửi về quê nhà, do mức sống ở Hồng Kông tương đối cao và người dân mình siêng năng, chăm chỉ. Thông thường mỗi lần về thăm quê nhà, khi trở lại Hồng Kông họ thường mang theo một đôi tải rau xanh là đã có thể kiếm thêm chút thu nhập bù đắp phần nào cho chi phí đi lại, bởi giá cả rau xanh ở Hồng Kông rất đắt đỏ. Nguyên nhân chính do Hồng Kông không có nước ngọt, nguồn nước phải nhập từ Thẩm Quyến (Trung Quốc) thông qua những đường ống dẫn xuyên dưới lòng biển, vì thế việc trồng rau rất khó khăn. Hồng Kông cũng không có các nhà máy sản xuất, nên lao động phổ thông của Việt Nam thường tập trung trong các ngành dịch vụ như nhà hàng, khách sạn hoặc lao động giản đơn thì làm phụ giúp việc gia đình. Có một công việc thu nhập khá cao là lái xe taxi, song các lao động phổ thông Việt Nam không dễ để kiếm được công việc này vì ô tô tại đây chủ yếu là loại tay lái nghịch, tất cả xe cộ đều lưu thông ngược chiều so với ở bên Việt Nam...”.

Ở một góc độ khác, khi nói về văn hóa ẩm thực tại Hồng Kông hiện nay có nét độc đáo là món phở của Việt Nam rất được người bản xứ lẫn du khách các nước ưa thích. Điều minh chứng là người Hồng Kông nhiều năm qua vốn đã quá quen thuộc với những nhà hàng bán phở ra đời từ những năm có đông người Việt sang định cư. Danh mục chuỗi các nhà hàng phở Việt nổi tiếng ở Hồng Kông có thể kể như Phở Nha Trang, Phở Sài Gòn, Phở Tài, Phở Sông Hương (Perfume River), Phở Le Soleil... đã từng bước góp phần nâng cao những giá trị Việt. Trong số này thương hiệu Phở Tài hoặc Phở Nha Trang còn có cả một hệ thống quán tiệm ở nhiều dãy phố khắp khu Wan Chai. Và dĩ nhiên không chỉ riêng phở, các loại món ăn Việt Nam khác ở Hồng Kông như chả giò, nem rán, bún chả... cũng được ưa chuộng. Đặc biệt vào cuối tháng 8-2011 vừa qua, trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 66 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, chương trình tháng Ẩm thực Việt Nam đã diễn ra tại khách sạn Harbour Plaza Metropolis thuộc Đặc Khu hành chính Hồng Kông. Theo bà Nguyễn Thị Nhã, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Hồng Kông và Macau cho biết: "Các món ăn đặc trưng Việt Nam được mọi người hoan nghênh và sẵn sàng đón nhận. Với việc phối hợp tổ chức Tháng Ẩm thực Việt Nam này, Tổng Lãnh sự quán chúng tôi mong muốn mang đến cho những người yêu thích ẩm thực Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Đặc khu hành chính Hồng Kông của Trung Quốc có cơ hội được thưởng thức những món ăn đặc trưng thuần Việt mà song hành với đó là giá trị văn hóa kết tinh trong hương vị ẩm thực Việt tạo nên sức sống Việt dẻo dai, trường tồn và mãnh liệt”.

Theo: daidoanket.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com