Chi-lê tăng ngân sách giáo dục để giảm bức xúc xã hội

08:10, 05/10/2011

Chính phủ Chi-lê và đại diện giới học sinh, sinh viên nước này vừa có cuộc đối thoại thẳng thắn nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng giáo dục đã kéo dài 4 tháng qua tại quốc gia này. Kết quả quan trọng nhất mà cuộc đối thoại này đạt được là việc Tổng thống Chi-lê S.Pin-hê-ra đã công bố dự thảo ngân sách 60 tỷ USD cho tài khóa 2012, trong đó có khoản tiền kỷ lục 11,65 tỷ USD dành cho giáo dục.  

Học sinh, sinh viên Chi-lê tuần hành ở thủ đô Xan-ti-a-gô. Ảnh: Internet
Học sinh, sinh viên Chi-lê tuần hành ở thủ đô Xan-ti-a-gô. Ảnh: Internet

Ngân sách kỷ lục dành cho giáo dục được công bố ngay sau khi kết thúc cuộc họp giữa Bộ trưởng Giáo dục Ph.Bun-nết và đông đảo đại diện giới sinh viên, học sinh ở Chi-lê, trong đó lần đầu tiên có cả đại diện của Đại hội điều phối học sinh cấp II và cấp III. Khoản tiền được thông qua sẽ giải quyết bước đầu tình trạng học sinh, sinh viên Chi-lê bãi khóa, phong tỏa trường học, biểu tình, tuyệt thực để yêu cầu chính phủ thực hiện cải cách, hướng tới một nền giáo dục công miễn phí và bảo đảm chất lượng. Tổng thống Pin-hê-ra đánh giá đây là "một bước tiến lớn trong việc nâng cao chất lượng, phổ cập và kinh phí cho giáo dục ở các cấp", với ngân sách chiếm gần 25% tổng ngân sách.

Nguồn kinh phí trên sẽ giúp chính phủ tăng phổ cập và bảo đảm chất lượng giáo dục cho tất cả trẻ em thuộc các gia đình nghèo ở cấp mầm non, tăng 21% trợ cấp đối với học sinh thuộc tầng lớp nghèo và trung lưu. Đối với giáo dục đại học, Tổng thống Pin-hê-ra hứa hẹn sẽ tiến tới một hệ thống bảo đảm công bằng và chất lượng cho tất cả, với các chương trình học bổng, giáo dục miễn phí và chất lượng. Hơn nữa, khoản ngân sách này dự kiến sẽ tạo ra một Quỹ giáo dục trị giá 4 tỷ USD để bổ sung ngân sách cho giáo dục công. Phát biểu trên Đài Phát thanh và Truyền hình Chi-lê, Tổng thống Pin-hê-ra nhấn mạnh, Chính phủ muốn tăng tiền đầu tư cho giáo dục nhằm phát triển tầng lớp trung lưu, dân nghèo trong đó ưu tiên cho lĩnh vực giáo dục, y tế, việc làm. Các cuộc thăm dò cho thấy, có tới hơn 80% người dân Chi-lê đồng tình với yêu cầu cải cách giáo dục ở nước này.

Tuy nhiên, cô C.Va-giê-hô, Chủ tịch Liên đoàn sinh viên đại học (Confech), tổ chức được cho là đóng vai trò quan trọng nhất trong phong trào đòi giáo dục công và miễn phí hiện tại, khẳng định “đây mới chỉ là bước đầu để giải quyết căn nguyên tình trạng học phí quá cao ở Chi-lê. Sự thiếu tin tưởng giữa hai bên và không minh bạch ngân sách giáo dục, cùng chất lượng học tập và dịch vụ ngày càng đi xuống, trong khi giá học phí tăng, là nguyên nhân của các vụ biểu tình”. M.Mác-xê-lô, là sinh viên bức xúc: “Học phí quá đắt đỏ, Chính phủ cần đầu tư thêm và mở rộng các trường công, nơi đào tạo 90% trong tổng số 3,5 triệu học sinh, sinh viên của Chi-lê. Việc có quá ít đại học công đã làm cho nhiều thanh niên như tôi phải vay quá nhiều tiền để đi học tại các trường đại học tư, với chi phí rất đắt”. Ông M.La-rút-xe-rô, cha của Mác-xê-lô thậm chí còn nhấn mạnh: “Tôi sẽ đi biểu tình chừng nào Chính phủ nghĩ lại. Hai đứa con của tôi sẽ phải chìm trong nợ nần suốt đời bởi tấm bằng đại học”.

Sự bất bình của giới học sinh, sinh viên cùng các tầng lớp xã hội ở Chi-lê đã khiến nhiều cuộc biểu tình diễn ra trên quy mô lớn. Trong hai ngày cuối tháng 9-2011, 90.000 người đã xuống đường tuần hành tại thủ đô Xan-ti-a-gô. Trước đó, trong ba tháng 6, 7 và tháng 8-2011, cũng đã có nhiều cuộc tuần hành của giới học sinh, sinh viên với tổng số người tham gia tuần hành lên tới hàng triệu người. Một số quá khích đã có các hành vi gây rối trật tự nơi công cộng buộc cảnh sát phải sử dụng vòi rồng và hơi cay để giải tán. Tổng số đã có hàng nghìn người bị bắt, hàng chục người bị thương trong các cuộc xô xát giữa những đối tượng quá khích và lực lượng cảnh sát.

Không chỉ giới học sinh, sinh viên tham gia biểu tình, nhiều công nhân mỏ, viên chức… cũng tham gia biểu tình. Những người biểu tình ngoài việc nhấn mạnh yêu cầu xây dựng một nền giáo dục công, miễn phí và chất lượng, họ còn yêu cầu sửa đổi Hiến pháp, cải cách hệ thống thuế, tái quốc hữu hóa các mỏ đồng, mở rộng mạng lưới y tế công cộng... Số lượng người biểu tình tăng cao đồng nghĩa với chỉ số tín nhiệm của chính phủ sụt giảm. Các cuộc thăm dò mới nhất cho thấy, có tới 80% người dân Chi-lê đồng tình với yêu cầu cải cách giáo dục, các chế độ việc làm và phúc lợi. Trong khi đó, chỉ số tín nhiệm của Tổng thống Pin-hê-ra thì tụt xuống mức thấp nhất (22%) dành cho một nguyên thủ nước này trong 20 năm qua./.

Theo: qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com