Những ngọn tháp của ngôi chùa cổ Wat Chai Watthanaram tại di sản Ayutthaya phía Bắc thủ đô Bangkok nổi lên mặt nước như những hòn non bộ trong một bể cảnh khổng lồ. Đồng ruộng, nhà cửa, phố xá, ga tàu... chìm trong một màu nước mênh mông.
Thái Lan đang đối mặt với cuộc khủng hoảng lũ lụt kinh hoàng nhất trong hơn nửa thế kỷ qua với 224 người thiệt mạng, 3/4 diện tích đất nước bị tàn phá, cuộc sống của hàng triệu người dân bị đảo lộn...
Lũ lụt đang nhấn chìm 3/4 lãnh thổ Thái Lan. |
Có lẽ không ai lo lắng về tác động của cơn thiên tai khủng khiếp hơn nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Với nội các mới hai tháng tuổi, trận đại hồng thủy đang diễn ra là cơn phong ba có thể làm chòng chành con tàu của thuyền trưởng Y. Shinawatra vừa lần đầu rẽ sóng ra khơi. Kể từ khi lụt lội bắt đầu từ cuối tháng 7 đến nay, tổng số thiệt hại đã lên đến 104 tỷ baht (khoảng 3 tỷ USD), chiếm khoảng 0,8 đến 1% GDP của Thái Lan. Tuy nhiên, nhà chức trách cho rằng con số này có thể lên tới 130 tỷ baht (khoảng 3,5 tỷ USD) và kéo tụt tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á tới 1,3%. Bộ Tài chính Thái Lan cũng đã tuyên bố hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay của nước này từ 4,5% xuống còn 4%.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn đang lao đao bởi cuộc khủng hoảng nợ châu Âu, sự trì trệ của kinh tế Mỹ và Nhật Bản... thì trận thủy tặc đang diễn ra là bài sát hạch lớn với đương kim Thủ tướng Thái. Làm thế nào để khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống của hàng triệu người dân và thúc đẩy nền kinh tế đầy khó khăn là thử thách có ý nghĩa sống còn với một chính phủ non trẻ. Từng nhấn mạnh Thái Lan đang trong một cuộc khủng hoảng lũ lụt, rõ ràng bà Y. Shinawatra hoàn toàn ý thức được cơn bão táp đang chờ đợi phía trước.
Một trong những quan ngại lớn nhất không chỉ Chính phủ Thái Lan mà nhiều quốc gia trong khu vực cùng chia sẻ, đó là nguy cơ giá lương thực tăng vào thời điểm mưa lũ đang hoành hành tại cả một khu vực rộng lớn gồm: Philippines, Việt Nam, Campuchia, Lào, Bangladesh và Pakistan. Đến nay, khoảng 1,5 triệu héc ta lúa ở 4 nước Đông Nam Á bị mất trắng trong khi ở Pakistan có tới 73% mùa màng bị phá hủy và ảnh hưởng tới gần 5,5 triệu người. Không chỉ tại quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu như Thái Lan với 1,2 triệu héc ta, tương đương 10% diện tích trồng lúa bị xóa sổ, một mùa thu hoạch thất bại tại vựa lúa gạo lớn nhất thế giới được xem là nguyên nhân khiến Liên hợp quốc cảnh báo về khả năng giá lương thực bị đẩy lên cao trong thời gian tới. Hậu quả sẽ là sự lao đao của nhiều triệu người dân trong điều kiện con ngựa lạm phát chưa dừng bước.
Vì vậy, Quỹ dự trữ gạo khẩn cấp của các nước ASEAN và 3 đối tác Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc vừa được thành lập cuối tuần qua với mức lưu kho 787.000 tấn gạo nhằm đề phòng bất trắc do thiên tai là một động thái "lo xa" kịp thời và cần thiết trong giai đoạn thời tiết diễn biến bất thường và lương thực đã và đang ngày càng trở thành vấn đề nóng trên thế giới.
Thảm họa thiên tai mà nhiều quốc gia đang hứng chịu càng cho thấy tầm quan trọng về một trách nhiệm chung ứng phó với biến đổi khí hậu giữa các quốc gia. Dư luận đang trông đợi những bước tiến tích cực tại hội nghị trù bị cho Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về chống biến đổi khí hậu vừa kết thúc tại Panama sẽ được hiện thực hóa trong cuộc tập hợp vào tháng 12 tới ở Nam Phi, nhằm tạo ra một ngôi nhà an toàn hơn cho nhân loại.
Theo: qdnd.vn