Phong trào biểu tình biến thành bạo loạn chống chính phủ ở Xy-ri tính tới nay đã hơn 6 tháng và gây thiệt hại nặng nề về tính mạng với 2.700 người đã chết. Tuy nhiên, quyền lực của Tổng thống Xy-ri Át-xát (Assad) vẫn chưa hề lung lay, thậm chí vẫn chống đỡ một cách bền bỉ và mạnh mẽ phong trào biểu tình. Theo tờ Dẫn đường khoa học Thiên chúa giáo, có 4 thế lực ủng hộ giúp ông Át-xát vẫn giữ được ghế bất chấp sức ép mạnh mẽ cả bên trong lẫn bên ngoài.
Thứ nhất là cộng đồng các doanh nhân giàu có, chủ các doanh nghiệp có “máu mặt” ở thủ đô Đa-mát và A-lép-pô lớn nhất của Xy-ri vẫn một lòng trung thành và ủng hộ Tổng thống Át-xát. Bởi lợi ích và sự sống còn của họ gắn liền với sự tồn vong của chế độ ông Át-xát. Nếu chế độ sụp đổ, khối tài sản khổng lồ của những doanh nhân giàu có này cũng sẽ không thể tồn tại. Các doanh nhân này tin tưởng chế độ Át-xát có thể đảm bảo sự ổn định về chính trị và xã hội, vốn rất cần thiết cho công việc làm ăn của họ. Chính vì thế, họ hợp tác với ông Át-xát và “phần thưởng” của họ là được sự thiên vị của chính phủ. Bởi vậy, ở Xy-ri, các ông trùm tư bản công nghiệp có trong tay sức mạnh chi phối toàn bộ nền kinh tế đất nước. Điều này đã khiến các doanh nghiệp nhỏ bất mãn và họ đã tham gia phong trào biểu tình chống chính phủ của ông Át-xát.
Biểu tình chống Chính phủ ở Xy-ri. Ảnh: AP |
Ngoài người A-la-uýt, nhóm thiểu số người Cuốc và các hệ phái Thiên Chúa giáo cũng đứng về phía Tổng thống Át-xát. Ông Át-xát đã thuyết phục được họ tin rằng, chỉ có chế độ của ông mới có thể đảm bảo tương lai cho họ. Tổng thống Át-xát đã không mấy khó khăn để thành công trong việc này bởi bài học từ hai nước láng giềng Li-băng và I-rắc cho thấy, các nhóm thiểu số ở hai quốc gia này bị nhiều đe dọa bởi đất nước bị chìm trong xung đột tôn giáo đẫm máu khiến đất nước tan rã. Bởi thế, người Cuốc và người Thiên Chúa giáo ở Xy-ri cũng lo ngại số phận của mình cũng giống như các nhóm thiểu số ở Li-băng và I-rắc nếu chế độ ông Át-xát bị tiêu diệt, nên đã hết lòng ủng hộ ông Át-xát. Hơn nữa, họ cũng chịu ơn Tổng thống Át-xát vì ông đã khôn khéo dành cho họ những vị trí phù hợp trong hệ thống chính trị, kinh tế cùng với người A-la-uýt.
Và cuối cùng, chính quyền Tổng thống Át-xát đã may mắn khi được sự bênh vực của hai ông lớn trong HĐBA LHQ là Nga và Trung Quốc. Hai nước này mới đây đã dùng quyền phủ quyết bác bỏ một dự thảo nghị quyết của HĐBA về vấn đề Xy-ri. Nga và Trung Quốc đã tỏ rõ lập trường ủng hộ chế độ ông Át-xát khi lên án sự ủng hộ của Mỹ, Anh và Pháp đối với dự thảo nghị quyết chống Xy-ri. Cả Nga và Trung Quốc đều không muốn cộng đồng quốc tế đi vào “vết xe đổ” Li-bi và không muốn kịch bản Li-bi tái diễn ở Xy-ri. Pháp đã thuyết phục Nga bằng lập luận rằng, thông qua dự thảo nghị quyết sẽ tạo ra những nền tảng thuận lợi cho các cuộc thương lượng với chính quyền ông Át-xát. Tuy nhiên, tất cả các lý lẽ của phương Tây đều không thuyết phục được Nga và Trung Quốc thay đổi lập trường trong vấn đề Xy-ri.
Tuy nhiên, không thể khẳng định chắc chắn chế độ của ông Át-xát sẽ được bảo vệ an toàn tuyệt đối khi có 4 thế lực hậu thuẫn trên. Tình hình đã thay đổi khi chiến sự ở Li-bi đang đi tới hồi kết và rất có thể phương Tây, sau đó sẽ hướng chú ý tới Xy-ri. Các nước phương Tây hiện chưa can thiệp sâu vào tình hình Li-bi bởi họ đang phải tập trung cho các chiến dịch quân sự ở Áp-ga-ni-xtan, I-rắc và Li-bi. Một nghị quyết trừng phạt của LHQ đối với Xy-ri vẫn “lơ lửng”, vì hiện LHQ vẫn đang tiếp tục tranh luận về dự thảo nghị quyết này. Các nước phương Tây cũng không phải chưa có tiền lệ không tuân thủ các biểu quyết ở LHQ về các vấn đề quốc tế và vẫn ra tay hành động. Trong khi đó, tình hình ở Xy-ri đang diễn biến phức tạp với tình trạng bạo lực leo thang và quốc gia này đang mấp mé bờ vực nội chiến. Các nước phương Tây sẽ không thể làm ngơ và ngay cả Nga cũng đã ủng hộ chủ trương thông qua một văn kiện nhằm mục đích ngăn chặn xung đột gia tăng ở Xy-ri.
Theo: qdnd.vn