Hội đồng Quốc gia chuyển tiếp (NTC) của phe đối lập ở Li-bi đã ra tối hậu thư yêu cầu trong thời hạn 4 ngày, các lực lượng trung thành với ông Ca-đa-phi ở Thành phố Xớt-tê phải đầu hàng. Các lực lượng trung thành với ông Ca-đa-phi hiện vẫn kháng cự lực lượng đối lập ở Thành phố Xớt-tê, quê hương của ông Ca-đa-phi. Hiện nay, phe đối lập đang tiến hành các cuộc thương lượng với những thủ lĩnh ở các địa phương còn nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng ủng hộ ông Ca-đa-phi để thuyết phục họ hạ vũ khí, bao gồm cả Thành phố Xớt-tê. Phe đối lập tuyên bố ưu tiên thực hiện các giải pháp hòa bình, nhưng nếu các ổ kháng cự cuối cùng không chấp nhận buông súng thì chính phủ chuyển tiếp sẽ sử dụng biện pháp quân sự để trấn áp.
Trong mấy ngày qua, các cuộc đàm phán với các thủ lĩnh bộ tộc ở Xớt-tê không có kết quả. Tại Thành phố Xớt-tê, được cho là nơi mà ông Ca-đa-phi có thể đang ẩn náu, giao tranh vẫn tiếp diễn. Phe đối lập đang khép chặt vòng vây ở Xớt-tê nhưng bị chống trả bằng vũ khí hạng nặng nên vẫn chưa đánh bại được lực lượng trung thành với ông Ca-đa-phi. NATO cũng thực hiện các cuộc oanh kích vào các mục tiêu như ra-đa, tên lửa và xe quân sự ở Thành phố Xớt-tê để yểm trợ cho quân đối lập.
Một chiếc xe của lực lượng trung thành với ông M. Ca-đa-phi bị lực lượng nổi dậy bắn cháy gần thành phố Xớt-tê. |
Chủ tịch NTC, ông Áp-đen Gia-lin tuyên bố, lực lượng đối lập đã chuẩn bị cho trận đánh cuối cùng để giành quyền kiểm soát toàn bộ Li-bi. Từ ngày 3-9, thời hạn chót để lực lượng ủng hộ ông Ca-đa-phi đầu hàng, phe đối lập sẽ huy động tối đa sức mạnh quân sự nếu các bên không đạt được giải pháp hòa bình. Tuy nhiên, ông Gia-lin cũng thừa nhận, ông Ca-đa-phi vẫn nhận được sự ủng hộ bên trong và bên ngoài Li-bi. NATO nhận định, ông Ca-đa-phi có khả năng vẫn đang chỉ huy lực lượng trung thành với ông, mặc dù có thể ông đang trên đường chạy trốn. Người phát ngôn của lực lượng NATO tại Li-bi, Đại tá Rô-lăng La-voa cho rằng, ông Ca-đa-phi vẫn có khả năng chỉ huy và điều khiển quân đội ở mức độ nhất định. Những lực lượng còn lại ủng hộ ông Ca-đa-phi không phải là những đội quân hoàn toàn tan rã, mà là đang rút lui trật tự, chấp nhận tình thế lùi bước và chọn lựa vị trí tốt nhất trong khả năng để tiếp tục cuộc chiến.
Trước đó, ông La-voa tuyên bố, nhiệm vụ quân sự của NATO tại Li-bi vẫn cần thiết và binh lính NATO sẽ tiếp tục được triển khai tại Li-bi chừng nào lực lượng của ông Ca-đa-phi còn đe dọa an ninh. Trong khi đó, ông Gia-lin cũng khẳng định đã nhất trí với các lực lượng nước ngoài rằng, không cần triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế tại Li-bi.
Tuy nhiên, BBC tiết lộ một tài liệu vừa bị rò rỉ cho thấy, LHQ đang chuẩn bị kế hoạch nhằm thực hiện vai trò của tổ chức này tại Li-bi sau khi chế độ ông Ca-đa-phi hoàn toàn sụp đổ. Một trong những kế hoạch đó là gửi các quan sát viên quân sự và cảnh sát tới Li-bi. Tài liệu này do cố vấn hàng đầu của LHQ chỉ đạo một nhóm chuyên gia soạn thảo. Trong đó, LHQ dự kiến triển khai 200 quan sát viên và 190 cảnh sát đến hỗ trợ Li-bi trong vòng 6 đến 9 tháng tới. Ngoài ra, LHQ cũng có kế hoạch đưa 61 nhân viên dân sự đến làm việc tại Thủ đô Tri-pô-li và Thành phố Ben-ga-di trong 3 tháng. Nhưng đáng chú ý, tài liệu này nêu rõ, kế hoạch dự kiến này sẽ chỉ được thực hiện nếu Li-bi đề nghị sự trợ giúp của LHQ.
Theo kế hoạch, ngày 1-9, tại Thủ đô Pa-ri, Tổng thống Pháp N. Xác-cô-di và Thủ tướng Anh Đ. Ca-mơ-rôn sẽ tổ chức hội nghị quốc tế "Những người bạn của Li-bi". Các đại diện của 60 quốc gia và tổ chức quốc tế sẽ tham dự hội nghị, trong đó có Nga và Trung Quốc, để bàn về tương lai của Li-bi./.
Theo: qdnd.vn