Hiệp hội Tâm lý học người Mỹ gốc Việt (The Vietnamese American Psychological Association, viết tắt VAPA) là một tổ chức mới được thành lập vào tháng 10-2010. Chủ tịch là Tiến sĩ Ngô Dũng, chuyên gia khoa Tâm lý học lâm sàng, hiện đang nghiên cứu và giảng dạy tại Trường ĐH Texas, Hoa Kỳ. Theo ông, mục đích của việc thành lập VAPA xuất phát từ sự quan tâm tới những vấn đề sức khỏe tâm thần của cộng đồng người gốc Việt tại Mỹ cũng như việc đào tạo ra một thế hệ chuyên gia tâm lý kế thừa chuyên phục vụ các nhu cầu cho cộng đồng người Việt.
Một số các thành viên của VAPA ở Mỹ.
Ảnh: Internet
|
Tiến sĩ Ngô Dũng mô tả: "Một thời gian ngắn sau khi tai nạn dầu tràn ở vùng Vịnh Mexico xảy ra hồi năm ngoái, Hội Chữ thập đỏ Hoa Kỳ có mời tôi tư vấn để tìm hiểu ảnh hưởng của thiên tai hoặc các biến cố đối với đời sống sức khỏe tinh thần của người Việt vốn tập trung khá đông ở khu vực này. Khi về đây làm việc, tôi thấy nhu cầu sức khỏe tinh thần của bà con người Việt mình rất đa dạng và cấp bách với nhiều vấn đề, trong khi các chuyên gia về khoa tâm lý trị liệu của người Việt ở Hoa Kỳ có rất ít. Đồng thời, con số ít ỏi ấy lại tản mát khắp nơi trên nước Mỹ, vì vậy, khi cộng đồng chúng ta cần đến một chuyên gia về sức khỏe tâm thần cho người Việt sẽ rất khó tìm. Cũng vì lý do đó nên chúng tôi đứng ra thành lập Hiệp hội Tâm lý học người Mỹ gốc Việt với mục đích tranh đấu và bênh vực quyền lợi về sức khỏe tinh thần cho người gốc Việt. Song song với những công việc đó, chúng tôi còn có nhiệm vụ khác là giáo dục và phổ biến các thông tin về sức khỏe tinh thần trong giới người Mỹ gốc Việt, vì kiến thức về sức khỏe tâm thần của người Việt chúng ta không cao lắm hoặc hiểu không đúng cách. Đồng thời, chúng tôi có ý định hướng dẫn các em sinh viên người Mỹ gốc Việt theo khoa tâm lý học có cơ hội sớm nâng cao trình độ. Và điều quan trọng nữa là chúng tôi muốn phối hợp và thiết lập mạng lưới liên lạc với các chuyên gia và các cơ quan của người Mỹ, cùng có chung sứ mạng trợ giúp cộng đồng Việt Nam đang định cư, sinh sống ở Hoa Kỳ”.
Cũng theo lời Tiến sĩ Ngô Dũng: "Trong mấy chục năm qua, chỉ có số ít người Việt và ngay cả phụ huynh rất ít khuyến khích con cái theo học các chuyên khoa mang tính cách đa dạng. Các bạn trẻ gốc Việt hay theo học ngành y khoa, ngành luật hay kỹ sư. Làm như vậy chúng ta sẽ thiếu đi những bộ phận quan trọng trong cộng đồng. Như mọi người đều biết, muốn xây dựng cộng đồng vững chắc về kinh tế lẫn chính trị và sự ảnh hưởng, chúng ta cần phải xây dựng một cộng đồng lành mạnh về phương diện sức khỏe tinh thần”. Tương tự, khi nói đến những khó khăn tâm lý tiêu biểu của các thế hệ người Mỹ gốc Việt, Tiến sĩ Ngô Dũng cho rằng, do có nhiều làn sóng di dân của người Việt sang Mỹ vào những thời điểm khác nhau, cứ mỗi đợt như vậy lại có những trải nghiệm và khó khăn riêng. Những trải nghiệm và khó khăn đó không những ảnh hưởng đến thể chất, tâm lý của họ, mà còn lan rộng ra toàn thể gia đình, ảnh hưởng đến hôn nhân, tình cảm giữa vợ chồng, cha mẹ, ông bà, con cái. Ngoài ra, chuyên gia Ngô Dũng cũng nhắc đến những khác biệt về văn hóa và lối sống giữa thế hệ di dân thứ nhất và thế hệ thứ nhì, thứ ba, tức là những người rất trẻ sinh trưởng ngay tại nước Mỹ và những khó khăn trong việc cảm thông giữa hai thế hệ hay giữa các thế hệ với nhau.
Khi được đặt câu hỏi: "Trong vấn đề chữa trị tâm lý cho người Mỹ gốc Việt, nhất là cho thế hệ đã lớn tuổi và không thông thạo tiếng Anh, người ta luôn cần đến các chuyên gia gốc Việt. Tuy nhiên, với thế hệ trẻ lớn lên tại nước Mỹ, liệu họ có đủ thông thạo tiếng mẹ đẻ để thực hiện công việc chữa trị lâm sàng hay không?”, Tiến sĩ Ngô Dũng nhận định: "Đây cũng là một trong những sứ mạng chính yếu của Hiệp hội VAPA là góp phần định hướng, đào tạo các sinh viên trẻ đang có ý muốn theo học ngành này. Các em lớn lên ở Hoa Kỳ dĩ nhiên sẽ không có đủ khả năng ngôn ngữ, hoặc không hiểu rõ được những kinh nghiệm của những người Mỹ gốc Việt đã lớn tuổi, cũng như các em không thể hiểu rõ được một số nét văn hóa đặc trưng của dân tộc. Mà văn hóa dân tộc luôn đóng một vai trò rất quan trọng trong bệnh học, trong cách mà người ta đương đầu với những căn bệnh của họ, thành thử đây cũng là một vấn đề khó khăn. Chúng tôi có nói chuyện với một số chuyên gia gốc Việt thuộc thế hệ thứ hai, và thấy rằng khi họ làm việc trong cộng đồng, họ thường gặp những trở ngại lớn về ngôn ngữ và văn hóa. Thành thử hy vọng sứ mạng của Hiệp hội VAPA là có thể đóng góp vào công tác đào tạo cho thế hệ thứ hai hiểu rõ hơn phương cách làm việc và trị liệu cho người Mỹ gốc Việt thuộc thế hệ lớn tuổi”./.
Theo: daidoanket.vn