Theo thống kê của ngành chuyên môn, Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia có tỷ lệ sinh viên đông đảo nhất trong tổng số các sinh viên quốc tế đang theo học tại Úc, song Việt Nam lại là nước có số sinh viên tăng nhanh nhất. Việt Nam hiện cũng là một trong 6 quốc gia có số lượng sinh viên đang học tập ở Úc khá đông với khoảng 19 ngàn người. Riêng từ tháng 7-2009 đến tháng 7-2011, số lượng sinh viên Việt Nam du học Úc đã tăng trên 20%. Một trong những vấn đề mà bất cứ sinh viên nào du học cũng hết sức quan tâm là chuyện làm thêm, kiếm thêm chút thu nhập trang trải cuộc sống.
Như đã nói, công việc làm thêm không chỉ giúp các du học sinh kiếm thêm tiền trang trải một phần chi phí, mà còn hỗ trợ các bạn rất nhiều trong việc học hỏi kinh nghiệm sống, sớm hòa nhập với cộng đồng nước sở tại. Và không phải chỉ có những du học sinh được bố mẹ sẵn sàng đảm đương khoản học phí mà cả những sinh viên có học bổng 322 (khoảng 800 AUD/tháng)... cũng buộc phải "cày bừa” thêm. Bạn Diễm My, Chủ tịch Câu lạc bộ Sinh viên Quốc tế AusAID tại Melbourne cho biết: "Tôi có một số bạn bè hiện đang học bên Mỹ và phần lớn những người này có thể tìm được những công việc tương đối tốt. Trong khi đó, phần lớn bạn bè của tôi ở Melbourne có xu hướng chọn xin việc ở các nhà hàng Việt Nam, hoặc nhà hàng, cửa hiệu châu Á. Có người chọn việc làm gia sư, lấy ý kiến khách hàng, thậm chí còn có việc đứng đếm xe chạy trên đường, xem lưu lượng giao thông. Song, những nơi này chỉ thuê lao động theo dạng "casual” tức "tạm thời”, không trả lương tối thiểu đúng như chính phủ quy định và trả bằng tiền mặt để không phải đóng thuế, cũng không có các quyền lợi về an sinh xã hội (bảo hiểm lao động...). Thông thường họ chỉ được trả khoảng 8-10 AUD/giờ”.
Anh Nguyễn Văn Hải, sinh viên thiết kế đồ họa Trường RMIT, kể: "Với một tuần hai buổi làm ở tiệm phở, tôi được 200 AUD, một tháng được khoảng 800 AUD. Tiền nhà mất từ 300 - 400 AUD; tiền nước khoảng 20 AUD; tiền điện đắt hơn một chút; tiền ăn khoảng 300 AUD. Vậy một tháng cũng chưa hết 800 AUD. Đó là chưa kể thu nhập từ hai chỗ làm khác nữa, tất cả tôi đều để dành”. Vẫn theo Hải, nếu muốn trang trải tiền học phí ở Úc, du học sinh một tuần phải làm ít nhất bốn buổi. Vào thời gian nghỉ, cả tuần phải làm đủ bảy ngày, mỗi ngày 12 giờ, có khi hơn. Nhưng trên thực tế, một số không ít các bạn đã "cày” liên tục ba tháng hè để kiếm khoảng 10 nghìn AUD dùng đóng học phí. Bạn Lê Kim Nga, đang lấy bằng cao học kế toán tại Học viện kỹ thuật Swinburne ở Melbourne, tâm sự: "Khi còn ở quê nhà chỉ suy nghĩ đơn giản sang Úc học; nhưng lúc đổi tiền Úc sang tiền Việt Nam thì thấy nó lớn quá, với lại cũng còn phải mua sắm nhiều thứ, thuê mướn nhà cửa, nên phải đi làm để giúp bố mẹ, chứ bản thân tôi cũng không muốn đi làm thêm vì sợ ảnh hưởng tới việc học hành”.
Bạn Diễm My cho biết thêm: "Một nguồn thông tin quí báu mà các du học sinh Việt Nam có thể trông cậy là kinh nghiệm của những người đi trước. Bên cạnh đó, cũng có một số nguồn khác như tra cứu việc làm ở trang web của trường đang theo học hoặc đọc báo. Ngoài ra hiện nay, hầu như ở bất cứ trường nào tại Úc cũng có các Hội sinh viên và dịch vụ giúp đỡ du học sinh tìm việc làm thêm. Chẳng hạn như Hội sinh viên Việt Nam tại Melbourne (MOVSA), Hội sinh viên Việt Nam tại bang New South Wales (VDS), Hội sinh viên Việt Nam tại Canberra (ACTVOSA), Hội du học sinh Việt Nam tại Adelaide (VISA)... Từng trường cũng có các hội, câu lạc bộ, điển hình là các Hội sinh viên Việt Nam tại các trường đại học Monash, đại học La Trobe, đại học Swinburne... Khi cần, du học sinh có thể đến các nơi này để được tư vấn miễn phí. Còn về thủ tục, sau khi đến Úc, để được làm thêm sinh viên phải xin visa làm việc...”.
Hiện đang có tâm lý từ phía phụ huynh trong nước cho rằng, việc làm thêm ở nước ngoài rất dễ kiếm nên cứ cố gắng lo cho con cốt sang được nước ngoài, còn chuyện tiền nong sinh hoạt thì tính sau, chắc chắn sẽ có (?). Chính vì vậy, một số sinh viên thường bị đẩy vào tình trạng "tiến thoái lưỡng nan” trước việc làm thêm và học tập. So với một số nước khác có quy định khắc nghiệt không cho du học sinh đi làm thêm, du học sinh ở Úc được phép làm "overtime” không quá 20 giờ/tuần lễ trong kỳ học và không giới hạn thời gian trong những kỳ nghỉ (như nghỉ hè). Như vậy, xem ra du học sinh đã được pháp luật bảo vệ quyền lợi và có nghĩa vụ như bất cứ người lao động nào khác. Dĩ nhiên, họ cũng buộc phải có mã số thuế và trả thuế thu nhập nếu năm đó họ kiếm được từ 10 nghìn AUD trở lên. Tuy nhiên, như bạn Nguyễn Văn Hải tiết lộ: "Không ít các bạn sinh viên Việt Nam mình thường tranh thủ làm thêm ở chợ Queen Victoria (Melbourne). Buổi sáng, họ có thể làm 2-3 giờ, sau đó đi học và trước khi quay về nhà họ lại làm thêm 2-3 giờ nữa... Và vì công việc làm ở chợ, được trả tiền mặt nên Bộ Di trú không thể kiểm tra số giờ làm việc của sinh viên. Cho nên tôi chưa hề thấy ai có vấn đề rắc rối với Bộ Di trú về việc đi làm thêm bên ngoài quá con số 20 giờ cả!”./.
Theo: daidoanket.vn