Lãnh đạo Đức và Pháp hôm 16-8 đã gặp nhau tại Paris (Pháp) để thảo luận những biện pháp nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nợ ở khu vực 17 nước sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) (ảnh). Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh ngày càng có những tín hiệu xấu về nguy cơ suy thoái của nền kinh tế khu vực.
Sáng 16-8, hàng loạt những thông tin tiêu cực đã phủ bóng lên cuộc gặp thượng đỉnh ở Paris. Các số liệu từ Văn phòng Thống kê quốc gia của Đức cho thấy, nền kinh tế lớn nhất Eurozone chỉ đạt mức tăng trưởng 0,1% trong quý II vừa qua. Toàn bộ khu vực Eurozone dự kiến tăng trưởng 0,2% trong quý II - thấp hơn nhiều so với mức 0,8% quý I. Trước đó, Pháp đã công bố các số liệu của mình cho thấy, nền kinh tế lớn thứ hai trong khu vực giảm mức tăng trưởng xuống gần một nửa so với cùng kỳ. Các nhà đầu tư đang lo ngại về sự ổn định của các ngân hàng Pháp và có những đồn đại trên thị trường về việc Pháp sẽ trở thành cường quốc thứ hai - sau Mỹ - bị đánh tụt hạng tín dụng, mất danh hiệu vàng 3 chữ A (AAA).
Trong bối cảnh đó, Pháp và Đức - hai nền kinh tế lớn nhất khu vực, chiếm gần một nửa sản lượng kinh tế của Eurozone - đang nỗ lực đi đầu trong việc thúc đẩy các cải cách để khôi phục thị trường. Nhưng các nhà phân tích cho rằng, cuộc họp lần này sẽ chẳng mang lại kết quả đột phá nào.
Neil MacKinnon - chuyên gia kinh tế vĩ mô tại VTB Capital - cho rằng: “Cuộc khủng hoảng nợ và khủng hoảng ngân hàng ở khu vực Eurozone chưa bao giờ được giải quyết thoả đáng. Số phận của Eurozone trong tương lai là sự chọn lựa giữa việc thúc đẩy những cam kết về liên minh tài chính hoặc để cho liên minh tiền tệ này tan vỡ”.
Nhà kinh tế Pháp Jacques Delpla cũng cảnh báo, Eurozone có nguy cơ tan vỡ trừ phi các nhà lãnh đạo đi tới những thoả thuận vượt xa những gì đã đạt được tại hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của khu vực hôm 21-7.
Ý của hai nhà kinh tế trên là ủng hộ việc Eurozone ban hành trái phiếu chính phủ chung có bảo đảm. Nhiều chuyên gia và lãnh đạo các nước như Italia, Hy Lạp, Bỉ, Luxembourg đều cho rằng đây là giải pháp cứu tinh cho khủng hoảng. Bộ trưởng Tài chính Italia Giulio Tremonti cho rằng, việc thành lập một thể chế trái phiếu chung của khu vực Eurozone sẽ giúp làm giảm chi phí đi vay của một số nền kinh tế đang khó khăn. Ông gọi đây là giải pháp tổng thể đối với cuộc khủng hoảng nợ châu Âu. Bộ trưởng Tài chính Anh cho rằng, ý tưởng trên cần phải được xem xét nghiêm túc.
Trong khi đó, hai nền kinh tế lớn nhất là Pháp và Đức lại phản đối mạnh nhất giải pháp trên. Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schuble cho rằng, mỗi quốc gia thành viên cần một lãi suất khác nhau, phù hợp với sự bền vững tài chính của từng quốc gia. Thủ tướng Merkel cũng khẳng định: “Không thể có cùng giải pháp phù hợp cho tất cả”.
Giới phân tích chờ đợi hai nhà lãnh đạo sẽ cân nhắc lại và xem xét ý tưởng trên tại cuộc gặp cấp cao lần này. Nhưng các quan chức hai bên đã quả quyết rằng, giải pháp về trái phiếu chung không được đề cập trong chương trình nghị sự.
Phát ngôn viên của Thủ tướng Đức Steffen Seibert chỉ cho biết, cuộc thảo luận sẽ tập trung vào “các biện pháp để có những thoả hiệp tốt hơn về chính sách tài chính”.
Ngày 15-8, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cho biết, đã tung một lượng tiền kỷ lục là 22 tỉ euro để mua trái phiếu chính phủ nhằm làm dịu cuộc khủng hoảng nợ ở khu vực Eurozone. Mặc dù ECB không nói rõ đã mua trái phiếu chính phủ của nước nào, song các thương gia quả quyết rằng ECB can thiệp để hỗ trợ Italia và Tây Ban Nha.
Nhà kinh tế Pháp Jacques Delpla cho rằng, những giải pháp của ECB là chưa đủ, trừ phi ECB bỏ tiền ra mua tất cả./.