Cộng đồng Việt ở Australia: Sống xa quê hương nhưng luôn lưu giữ tâm hồn Việt

09:08, 25/08/2011

Theo thống kê của giới chuyên môn, tính tới cuối năm 2010 vừa qua, số người Việt đang định cư, sinh sống và du học tại Úc có khoảng trên dưới 350 ngàn người (chiếm tỷ lệ khá cao và được xem là một trong năm cộng đồng người nước ngoài có số dân cao nhất; đứng đầu là Anh, lần lượt là New Zealand, Ý, Việt Nam và Trung Quốc). Người Việt tập trung ở các thành phố lớn như Brisbane, Sydney, Melbourne và Adelaide. Riêng Melbourne (vùng Nam Úc) và Sydney (bang New South Wales) cũng là hai nơi tập trung người gốc Việt đông nhất và những khu phố Footscray của Melbourne hoặc Cabramatta, Bankstown của Sydney nổi tiếng là những khu phố sầm uất đầy đặc tính Việt Nam...

Nếu như ở Bolsa (California - Mỹ) các khu phố của người Việt thường cách nhau một quãng dài phải đi xe ô-tô thì ở Footscray hay Cabramatta, những khu phố kiểu này tập trung trên một vài đoạn đường mà người ta có thể đi bộ dăm mười phút cũng tới được. Tại đây có những văn phòng dịch vụ luật sư, thuế vụ, địa ốc, bảo hiểm, chuyển tiền, phòng mạch bác sĩ, nhà thuốc tây... xen lẫn các cửa hàng tạp hóa, chợ cá thịt, trái cây, vải vóc, quần áo may sẵn san sát... Trên đường phố Footscray, nếu không có những bảng hiệu tiếng Anh xen lẫn, người lần đầu tiên bước vào đây sẽ dễ có cảm tưởng như mình đang đi trên đường phố TP. Hồ Chí Minh hay giữa lòng Thủ đô Hà Nội. 

Sinh viên Việt Nam du học ở Melbourne, Australia. Ảnh: Internet
Sinh viên Việt Nam du học ở Melbourne, Australia.
Ảnh: Internet

Hiện tại, trên toàn nước Úc có khoảng 25 nghìn du học sinh Việt Nam, nhưng có 40% tập trung tại Melbourne (tiểu bang Victoria) là nơi mà số trường đại học tồn tại khá nhiều. Những công việc làm thêm cho các em sinh viên người Việt đang du học ở đây cũng dễ kiếm. Họ có thể xin việc chạy bàn, phụ bếp, bán hàng hay phụ dọn dẹp trong chợ, có nơi các chủ nhân sẵn sàng trả công bằng tiền mặt. Dù ở một số trường đại học của Úc luôn có luật cấm sinh viên làm việc trên 20 giờ mỗi tuần, nhưng thực tế ít ai quan tâm và kiểm soát việc này. Với mức lương bình quân từ 12-15 AUD/giờ, chỉ cần một tuần lễ bỏ ra hai ngày, các em sinh viên có thể kiếm được từ 700-800 AUD để lo chỗ thuê trọ, tiền ăn hay tiền tiêu vặt. Nhiều sinh viên đang du học tại Úc cho biết họ thích sang nước này học tập vì chi phí học hành ở Úc rẻ hơn nhiều so với ở Mỹ và khi tốt nghiệp đại học có bằng cấp, không cần phải xuất sắc cũng dễ có việc làm.

Như đã nói, Sydney hiện có hai khu phố người Việt rất nổi tiếng là Bankstown và Cabramatta. Bankstown nổi tiếng về hàng quán, dịch vụ, nhưng Cabramatta chủ yếu về chợ. Hai bên phố chỉ cách nhau bởi một con đường nhỏ một chiều. Nhiều cửa hàng dọn lấn lề đường, với cách rao hàng rất... "miền Tây” như chúng ta vẫn thường nghe mỗi lần có dịp về thăm các chợ vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cũng như khu Lion Plaza ở vùng Phước Lộc Thọ bên Nam California, nhiều cụ già gốc Việt thường ngồi nhàn nhã, trầm ngâm trước bàn cờ tướng, hay ngồi nghỉ chân trên những chiếc ghế đá bên vệ đường. Cứ cách một đoạn phố lại có năm ba chị em thản nhiên "lấn chiếm lòng lề đường” bày thúng rau ớt, mướp, bầu bí, sả, dọc mùng... ra bán, không khác gì những "chợ chồm hổm” ở quê nhà! Chị Trúc Phương, năm nay đã 56 tuổi, được con gái bảo lãnh sang đây từ năm 1985. Lúc nào nhà trồng có dư mớ rau dưa, lại ôm thúng ra ngồi bán cạnh vỉa hè đường, mỗi lần như vậy theo lời chị cũng kiếm được dăm chục đồng Úc.

Tiền hưu trí cho người già ở Úc mỗi tháng trung bình khoảng 1.000 AUD, nếu ở chung với con cái xem ra cũng dư ăn, dư để. Mỗi năm, cứ thường lệ, từ tháng 7 cho đến tháng 10 như hiện nay, không ít cụ ông, cụ bà hay "bay” từ Úc về Việt Nam trốn lạnh, đi chơi, thăm bà con, họ hàng. Tuy nhiên, theo nhiều người già ở Úc cho biết, trong quá trình sống nơi đất khách quê người, mặc dù đa số người Việt vẫn cố gắng duy trì truyền thống văn hóa gia đình, thế nhưng vẫn phải chấp nhận nhiều sự thay đổi. Những cặp vợ chồng cao tuổi thường phải sống riêng với nhau hơn là sống chung với con cháu. Bởi nếu phải sống chung với con cháu thì họ phải chấp nhận sự độc lập và quyền tự do của con cháu. Ông Bùi Văn Mơi, 80 tuổi, sống ở Bankstown, tâm sự: "Có không ít gia đình người Việt ở Úc, khi con cái đến tuổi dựng vợ gả chồng, nếu chúng kết hôn với một người ngoại quốc mà cha mẹ không biết tiếng Anh thì xem như "thua”. Chẳng hạn như gia đình tôi có thằng con rể người Úc. Bà nhà tôi nấu đồ ăn cho nó ăn. Nó không ăn thì thôi, còn làm ra vẻ hãi hùng, nhún vai bĩu môi nên thấy buồn lòng lắm! Suy cho cùng, chỉ có ở quê nhà của mình mới thấy dạt dào tình cảm!”./.

Theo: daidoanket.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com