Nút thắt của vấn đề Li-bi

08:07, 06/07/2011

Cuộc khủng hoảng Li-bi vẫn tiếp tục bế tắc bất chấp nỗ lực của Liên minh châu Phi (AU) nhằm thúc đẩy một lộ trình hòa bình cho đất nước Bắc Phi này. Ngày 3-7, lực lượng đối lập ở Li-bi đã bác bỏ lộ trình hòa bình của AU vì không đáp ứng điều kiện tiên quyết của phe đối lập, đó là buộc nhà lãnh đạo Ca-đa-phi phải từ bỏ quyền lực ngay lập tức. Mặc dù so với phiên bản ban đầu, bản lộ trình do AU đề nghị đã được chỉnh sửa với mong muốn sẽ được phe đối lập chấp thuận. Người đứng đầu Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp Li-bi (NTC) của phe đối lập, ông Áp-đen Gia-lin khẳng định, ban lãnh đạo lực lượng đối lập trông chờ “một lập trường rõ ràng” từ AU đó là ủng hộ hay lên án ông Ca-đa-phi. Xem ra, ông Ca-đa-phi vẫn là nút thắt cơ bản khiến vấn đề vẫn trong thế bế tắc.

Hội đồng Nga-NATO nhóm họp tại Xô-chi. Ảnh: RIA Novosti
Hội đồng Nga-NATO nhóm họp tại Xô-chi.
Ảnh: RIA Novosti

Tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ 17 của AU tại Ghi-nê Xích đạo vừa kết thúc, các nhà lãnh đạo châu Phi đã đưa ra các đề xuất giải quyết xung đột tại Li-bi. Trong đó, đáng chú ý là đề xuất loại ông Ca-đa-phi ra ngoài mọi cuộc đàm phán với lực lượng đối lập. AU đề nghị một lệnh ngừng bắn, viện trợ nhân đạo, thời kỳ chuyển tiếp, cải tổ theo hướng dân chủ và tổ chức tổng tuyển cử có sự giám sát của quốc tế. Theo lộ trình của AU, trong vòng tối đa 30 ngày, chính quyền Li-bi và lực lượng đối lập phải tiến hành thương lượng dưới sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. AU cũng đề xuất cấm vận vũ khí đối với Li-bi cho đến khi kết thúc giai đoạn chuyển giao.

 Không đồng tình với lộ trình của AU, nhưng phe đối lập ngày 3-7 đã đề xuất một giải pháp hòa bình được cho là động thái nhượng bộ nhất từ trước đến nay của lực lượng này. Ông Áp-đen Gia-lin tuyên bố lực lượng đối lập chấp thuận ông Ca-đa-phi ở lại Li-bi nếu ông từ bỏ mọi quyền lực. Ông Áp-đen Gia-lin nói: “Ông Ca-đa-phi có thể từ chức và lệnh cho binh lính của mình rút khỏi các vị trí, sau đó có thể quyết định sống tại Li-bi hoặc ra nước ngoài”. Nếu ông Ca-đa-phi lựa chọn ở lại Li-bi, NTC sẽ quyết định địa điểm và mọi sự di chuyển của ông Ca-đa-phi sẽ được quốc tế giám sát.

Đề xuất nói trên của NTC vốn đã được chuyển cho chính quyền Li-bi từ cách đây một tháng thông qua LHQ nhưng chưa một lần được hồi đáp. Nhưng kể cả sau khi NTC công khai đưa ra đề xuất này tình hình cũng không thay đổi được gì vì nhiều khả năng ông Ca-đa-phi sẽ phản đối. Đáp lại đề xuất cho ông Ca-đa-phi từ chức là tuyên bố thách thức của con trai ông là Xa-íp An I-xlam. Xa-íp tuyên bố chính quyền Li-bi sẽ không bao giờ đầu hàng và sẽ chiến đấu đến cùng. Ông này còn coi đề xuất của NTC như một “trò đùa”.

Trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng ở Li-bi, Hội đồng Nga-NATO đang họp ở Xô-chi đã thảo luận về tình hình Li-bi. Ngoại trưởng Nga Xéc-gây La-vrốp cho biết Nga và NATO đã trao đổi các ý kiến về việc các quy định của luật pháp quốc tế được tuân thủ ở Li-bi như thế nào, bao gồm cả các nghị quyết của HĐBA LHQ về Li-bi.

Liên quan tới vấn đề này, hiện đã nảy sinh nhiều tranh cãi xung quanh việc Pháp thừa nhận đã cung cấp vũ khí cho phe đối lập ở Li-bi, bị cho là vi phạm lệnh cấm vận vũ khí của LHQ đối với Li-bi. AU và một số nước, bao gồm cả Nga đã lên tiếng phản đối hành động này. Tổng thư ký NATO Ra-xmu-xen khẳng định NATO không "hùa" theo Pháp trong hành động này. Anh cũng tuyên bố sẽ không hành động như đồng minh Pháp của mình. Bất đồng này của NATO một lần nữa cho thấy liên minh quân sự đang lúng túng trong nỗ lực phá vỡ thế bế tắc ở Li-bi.

Trong tình thế NATO lúng túng, lộ trình hòa bình của AU vẫn chỉ là đề xuất chưa đạt được đồng thuận và lối thoát cho cuộc khủng hoảng Li-bi xem ra còn xa mới được tìm ra./.

Theo: qdnd.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com