“Hiện tượng” Groupon

09:06, 30/06/2011

Andrew Mason, năm nay 30 tuổi, vốn là sinh viên âm nhạc, ở Pittsburgh, bang Pennsylvania, Mỹ. Năm 15 tuổi, cậu kiếm tiền túi bằng việc đi giao bánh vòng vào mỗi sáng thứ bảy. Nhưng số phận của Mason hoàn toàn thay đổi vào năm 2006. Đến nay, cậu trở thành chủ Cty đa quốc gia Groupon và là tỷ phú trẻ nhất của giới kinh doanh mạng…

Khi còn là sinh viên, Andrew Mason muốn huỷ bỏ hợp đồng thuê bao điện thoại. Trước sự phức tạp và chi phí phải trả cho một việc tưởng chừng đơn giản, Mason nảy sinh ý tưởng thành lập “nơi gặp gỡ” chung cho những người “cùng cảnh ngộ” như cậu. Trang web The Point ra đời, đặt nền móng cho Cty đa quốc gia Groupon sau này.

Cái tên Groupon sinh ra từ sự kết hợp hai chữ “group” và “coupon” - nghĩa nôm na là “mua hàng theo nhóm bằng phiếu giảm giá”. Hằng ngày, trên website của mình, Groupon đưa ra các loại phiếu giảm giá của các cửa hàng nằm tại các khu vực đông dân cư, tức gần nơi có nhiều người tiêu dùng.

Andrew Mason, người sáng lập công ty Groupon.
Andrew Mason, người sáng lập công ty Groupon.

Chính thức ra mắt tháng 11-2008 tại Chicago, “đứa em út” của làng thương mại điện tử phát triển với tốc độ chóng mặt. Chỉ riêng trong năm 2010, số người sử dụng dịch vụ của Groupon đã tăng từ 3 triệu lên hơn 50 triệu người ở hơn 40 nước. Đầu năm nay, Google đề nghị mua lại doanh nghiệp trẻ này với giá 6 tỷ USD nhưng bị từ chối. Đến cuối tháng 1-2011, Groupon chính thức “lên sàn”, theo ước tính doanh nghiệp của Andrew Mason trị giá 15 tỷ USD…

Cách “kiếm tiền” của Groupon khá đơn giản: với mỗi món hàng hay lượt dịch vụ (cắt tóc, bữa ăn ở nhà hàng…) bán được, Groupon được hưởng 50% số tiền mà khách hàng đã trả, 50% còn lại tất nhiên thuộc về cửa hàng. Các cửa hàng có nhu cầu tự quảng bá, thu hút khách hàng mới, “chung thuỷ hoá” khách quen, nhưng họ không biết phải làm thế nào. Groupon đáp ứng nhu cầu đó.

Muốn được “hưởng” phiếu giảm giá (coupon) của Groupon, lượng khách hàng cần phải đạt được con số nhất định nào đó (group). Người mua trả tiền trên mạng rồi nhận được một phiếu giảm giá mà sau đó có thể dùng để đi mua hàng “Hiệu ứng đám đông” giúp kéo giá thành giảm xuống. Sở dĩ các chủ cửa hàng chấp nhận mức giảm giá “phi thường” là vì đấy không đơn giản chỉ là việc bán hàng, mà quan trọng hơn là “chiến dịch” quảng cáo để cửa hàng được biết đến. Mục tiêu của Groupon là các doanh nghiệp nhỏ địa phương, vốn không đủ năng lực tài chính để tự tiến hành các chiến dịch marketing. Đến nay, ngày nào Groupon cũng “chào” một món hàng “đinh” qua Internet…

Cách làm của Groupon đã được nhiều doanh nghiệp hàng đầu thế giới copy lại. Chỉ riêng tại Mỹ tới nay đã có khoảng 200 “phiên bản” của Groupon, trên thế giới là 500. Mới đây Amzon đã đầu tư 175 triệu USD vào Living Social, đối thủ cạnh tranh của Groupon. Ngày 26-4, Google tung ra Google Offers tại một số thành phố lớn của Mỹ, tự tin nhờ “vũ khí” Map và Adresses (dịch vụ bản đồ và địa chỉ) của mình. Facebook cũng không chậm trễ gia nhập “thị trường” phiếu giảm giá với tên gọi Facebook Deals. “Cuộc chiến phiếu giảm giá” đã bắt đầu. Đối với người tiêu dùng, khi càng có nhiều “Groupon” cạnh tranh với nhau, họ sẽ là người được hưởng lợi…

Theo: Thời Nay



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com