Pushkin của âm nhạc

03:05, 19/05/2011

Nước Nga. Mùa đông năm 1904. Có một cậu bé 13 tuổi bước được vào nhạc viện Petersburg với hai chiếc cặp nặng trĩu trên lưng đựng hành trang sáng tạo của mình: Bốn vở opera, hai sonata, một giao hưởng và nhiều khúc nhạc viết cho đàn piano. Cậu bé đó là S.Prokofiev, người sau này được tờ New York Times đánh giá là “nhà soạn nhạc Nga (hiện đại) lớn nhất sau Stravinsky”, còn nhà soạn nhạc Nga Miaskovsky thì gọi ông là “Pushkin của âm nhạc”.

Prokofiev sinh năm 1891 trong trang trại Sontsovka. Cha là quản lý điền trang, mẹ là một nghệ sỹ piano. Prokofiev học nhạc từ khi 5 tuổi. Ở nhạc viện, Prokofiev được các bậc thầy dạy dỗ, song cậu bé vẫn luôn luôn vượt rào khỏi những khuôn vàng thước ngọc hàn lâm. Sau 10 năm học, Prokofiev tốt nghiệp với 2 tấm bằng xuất sắc: Sáng tác và piano. Một trong những tác phẩm duyên dáng nhất của Prokofiev thời ấy là bản “Giao hưởng cổ điển” - một thứ âm nhạc hồn nhiên, trong sáng. Trong đêm công diễn “Giao hưởng cổ điển”, Prokofiev gặp ủy viên nhân dân phụ trách văn hóa của Chính phủ Liên Xô - Lunacharsky - bày tỏ ước muốn được đi nước ngoài và được ông ta đồng ý. Ngày 19-9-1918, tờ “Evening Sun” đăng trên trang nhất “Prokofiev đã ở New York”.

Rời khỏi nước Nga, Prokofiev viết opera “Tình yêu với 3 quả cam” đầy chất hoạt kê trào phúng, hiện thực và hoang tưởng hòa trộn vào nhau trong một hình thức sân khấu rực rỡ. Hai tuần trước đó, chính Prokofiev đã cùng dàn nhạc giao hưởng Chicago biểu diễn bản piano concerto Số 3 của mình. Trong 5 piano concerto của Prokofiev, concerto Số 3 nổi tiếng nhất, có lẽ vì nó có giọng hoành tráng gợi nhớ các concerto của Tchaikovsky và Rachmaninov. Giới phê bình Mỹ người khen hết mức, người chê không tiếc lời vì ngôn ngữ của âm nhạc “lập dị” (!).

Đầu năm 1920, Prokofiev dọn đến Paris. Ông đã gặp Stravinsky và cuộc gặp gỡ của hai bậc thầy âm nhạc thế giới đã biến thành cuộc cãi vã. Cả giới thượng lưu Paris cũng không hiểu được tầm vĩ đại của Prokofiev. Bản violin concerto Số 1 của ông lần đầu tiên được công diễn tại thủ đô của Pháp đã vấp phải sự hờ hững vì “thiếu giai điệu”. Cả bản giao hưởng Số 2 - một cố gắng phục thù, chinh phục Paris của Prokofiev - cũng thất bại.

Ngày 29-4-1929, sân khấu nhà hát Bruxelles (Bỉ) khai diễn vở opera “Thằng ngốc” của Prokofiev. Ông là người đầu tiên trong lịch sử âm nhạc Nga hướng tới Dostoievsky. Mất 12 năm, Prokofiev mới viết xong “Thằng ngốc”. Đây cũng là thời Prokofiev viết được hàng loạt tác phẩm mang lại cho ông vinh quang thế giới: Opera “Thiên thần lửa”, giao hưởng Số 3, giao hưởng Số 4, các piano concerto Số 4, Số 5, ballet “Đứa con lưu lạc”…

Năm 1933, Prokofiev trở về nước Nga. Ông nói: “Tôi muốn được nhìn thấy mùa đông Nga”. Một trang mới trong sự nghiệp của Prokofiev bắt đầu. Ông viết nhạc cho phim “Alexander Nevsky”, “Ivan hung bạo”, cho sân khấu “Đêm Ai Cập” và một trong những tác phẩm tuyệt vời nhất là Ballet “Romeo và Juliet”.

Bên cạnh các ballet, Prokofiev viết nhiều opera. Đỉnh cao của nó là “Chiến tranh và hòa bình” theo tiểu thuyết sử thi của Tolstoi. Opera có 73 nhân vật. Không kể khách nhảy, lính tráng, nông dân…, có rất nhiều cảnh không thể nào quên: Vũ hội đầu tiên của Natasha, cuộc trò chuyện của Natasha và Sonia bên cửa sổ, những suy nghĩ của công tước Andrei về mùa xuân… Nhà hát Metropolital New York đã được quyền dựng “Chiến tranh và hòa bình” lần đầu tiên tại Mỹ.

Prokofiev là một pianist tài hoa. Ông viết cho piano 9 bản sonata. Nổi tiếng nhất là các sonata Số 6 “mạnh mẽ”, Số 8 “trữ tình” và Số 9 “trong sáng”. 3 giao hưởng cuối cùng của Prokofiev là những kiệt tác của nghệ thuật âm nhạc thế giới. Giao hưởng Số 5 là giao hưởng về tinh thần vĩ đại của con người. Giao hưởng Số 6 là sự liên tưởng tới chiến tranh vừa đi qua mang màu u tối, thê lương và đầy kịch tính. Tiếc thay, đương thời nó bị cấm biểu diễn trong nhiều năm, vì bị liệt vào thứ “nghệ thuật hình thức phản nhân dân”. Hoàn toàn tương phản với người anh em của nó, giao hưởng Số 7 tràn ngập ánh sáng, duyên dáng như giao hưởng của Haydn.

Bây giờ khó tìm thấy quốc gia nào không có người say mê âm nhạc của Prokofiev. Ở Mỹ có “Hội Prokofiev”. Người Ý tặng ông danh hiệu “Viện sỹ danh dự Viện hàn lâm Âm nhạc Roma”. Các nghệ sỹ lớn: Koussevitzsky, Toscanini… giành nhau quyền được biểu diễn đầu tiên tác phẩm của ông. Nhà văn Ilya Ehrenburg viết: “Đấy là một con người vĩ đại. Những thế hệ sau không thể hiểu được thời đại chúng ta vinh quang và gian khó thế nào nếu không được nghe âm nhạc của Prokofiev!”.

Ông mất tháng 3-1953 tại Nga./.

Theo: laodong.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com