Kịch bản kết thúc cuộc khủng hoảng Li-bi đang là câu hỏi thu hút sự quan tâm của dư luận. Chiến dịch không kích Li-bi do các nước phương Tây phát động đã trở thành cuộc can thiệp vào công việc nội bộ của Li-bi, một quốc gia có chủ quyền và quyền tự quyết, đang ngày càng gặp sự phản đối. Hơn lúc nào hết, một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Li-bi là vô cùng cần thiết. Trong khi chiến sự ở Li-bi đang tiếp diễn, cũng đã hé lộ những đề xuất chính trị ban đầu, đồng thời cũng đang diễn ra những chuyến ngoại giao con thoi, những cuộc điện đàm xuyên quốc gia hay những cuộc gặp gỡ quốc tế với hy vọng tìm lời giải cho vấn đề Li-bi. Nhưng, xem ra lập trường của các bên vẫn rất xa nhau.
Khoảng 30% sức mạnh quân sự của chính phủ Ca-đa-phi được cho là đã bị hủy diệt bởi các cuộc không kích của liên quân. Không một phương tiện bay nào của Li-bi có thể cất cánh trong khi máy bay của liên quân đang tự do bay trên không phận của Li-bi. Thế nhưng, các cuộc giao tranh giữa lực lượng chính phủ và chống chính phủ ở Li-bi vẫn diễn ra ác liệt. Nhiều thường dân đã trở thành nạn nhân của các cuộc giao tranh ấy và của chính các cuộc không kích do liên quân thực hiện. Mục tiêu nhân đạo mà Nghị quyết số 1973 của HĐBA LHQ đặt ra đang ngày càng bị lợi dụng. Đặc biệt, các cuộc oanh kích của liên quân vào Li-bi thiếu lô-gích pháp lý quốc tế không những không bảo vệ được thường dân mà còn gây ra những thảm họa nhân đạo mới. Vì vậy, cuộc can thiệp quân sự này đang gây chia rẽ trên nhiều phương diện và ngay trong nội bộ các nước tham gia liên quân. Điều đó cũng giải thích vì sao những ý tưởng trang bị vũ khí cho lực lượng đối lập ở Li-bi mà một số chính trị gia phương Tây đưa ra không giành được sự ủng hộ.
Cuộc thoái lui của các lực lượng quân sự Mỹ với nghĩa không trực tiếp can thiệp quân sự vào Li-bi nữa đã khiến liên quân do NATO chỉ huy rơi vào trạng thái “oải”. Mỹ trút trách nhiệm chỉ huy cho NATO chủ yếu bởi sự chia rẽ nội bộ cũng như gánh nặng kinh tế và những tính toán cho cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ở Mỹ. Trong sự chia rẽ ấy, việc các nước NATO đóng góp các phương tiện quân sự cho các chiến dịch ở Li-bi hiện cũng đang gặp khó khăn. Sự thiếu vắng “đầu tàu Mỹ” đã tạo ra “một cú sốc” cho liên quân cho dù đã được chuẩn bị trước về mặt tâm lý. Sự hăng hái của Pháp và Anh có vẻ đã nguội bớt so với những ngày đầu chiến dịch. Nước Pháp lại đang cùng với các lực lượng quốc tế khác can dự trực tiếp vào việc giải quyết khủng hoảng chính trị ở Cốt Đi-voa nên các nguồn lực của Pháp cũng bị căng ra. Sự bối rối và chậm trễ của NATO trong lúc này đã khiến lực lượng chống chính phủ Li-bi lo lắng. Áp-đen Pha-ta Y-un, một thủ lĩnh của lực lượng đối lập ở Li-bi, đã phải thốt lên rằng: “NATO đã trở thành vấn đề của chúng tôi” và ông này thúc giục: “Hoặc là NATO hành động thích đáng hoặc là chúng tôi (lực lượng đối lập) đề nghị LHQ đình chỉ công việc của họ (NATO) tại Li-bi”. Ông Y-un cho rằng, sự chậm trễ của NATO đang tạo thuận lợi cho lực lượng trung thành với ông Ca-đa-phi giành lợi thế.
Trong vài ngày qua, do thay đổi chiến thuật di chuyển, lực lượng của ông Ca-đa-phi đã gây khó khăn cho các phi vụ không kích hủy diệt của liên quân đồng thời cũng giành được ưu thế khá rõ trong các cuộc giao tranh với lực lượng chống chính phủ. Vừa phát huy những lợi thế đó, chính phủ vừa ra tuyên bố sẵn sàng thương lượng về các vấn đề cải cách liên quan đến tổ chức bầu cử, trưng cầu ý dân và cải cách hệ thống chính trị, trừ vấn đề từ chức của ông Ca-đa-phi. Thông điệp này do Người phát ngôn Chính phủ Li-bi M.I-bra-him công bố ngày 4-4 được coi là đề xuất chính trị cần cân nhắc. Chính phủ Li-bi tuyên bố không đàm phán về việc từ chức của ông Ca-đa-phi bởi vẫn coi ông Ca-đa-phi là nhân tố tạo sự đoàn kết trong nhân dân và các bộ lạc Li-bi và ông phải là người đóng vai trò lãnh đạo trong tiến trình chuyển giao quyền lực dân chủ và minh bạch ở đất nước này. Đó là điểm mấu chốt mà cả phe đối lập ở Li-bi lẫn phương Tây không chấp nhận. Mục tiêu hàng đầu của cuộc can thiệp quân sự là buộc ông Ca-đa-phi ra đi, trong khi lực lượng đối lập ở Li-bi tuyên bố không chấp nhận đề xuất của chính phủ. Theo họ, các cuộc đối thoại chính trị chỉ có thể được thực hiện sau khi ông Ca-đa-phi và các con rời bỏ quyền lực.
Trước đó, phe đối lập cũng từng đưa đề nghị ngừng bắn gắn với đòi hỏi quân chính phủ phải rút khỏi tất cả các thành phố và lực lượng đánh thuê nước ngoài của chính phủ phải bị giải tán. Tất nhiên, chính phủ Li-bi đã bác bỏ và nói rằng, lực lượng đối lập đã đề xuất những biện pháp không khả thi và họ không có quyền đề nghị ngừng bắn. Trong khi lập trường giữa hai bên ở Li-bi vẫn còn xa nhau thì các nước phương Tây đã tiến hành một loạt cuộc gặp gỡ với các đại diện của phe đối lập Li-bi, công nhận phe đối lập là “bên đối thoại hợp pháp duy nhất” của Li-bi, đồng thời cử các đặc phái viên tới Ben-ga-di trong nỗ lực thiết lập quan hệ với lực lượng này. Điều đó chứng tỏ rằng, phương Tây vẫn giữ nguyên quan điểm không chấp nhận chính phủ Li-bi của ông Ca-đa-phi, lẫn ông Ca-đa-phi. Đáp lại, chính phủ Ca-đa-phi cũng tuyên bố Tri-pô-li sẵn sàng đàm phán với phương Tây, song khẳng định phương Tây không có quyền quyết định người dân Li-bi phải làm gì.
Như vậy, đến nay dù đã có một số đề xuất nhưng chưa có đề xuất nào được các bên chấp nhận vì lập trường và cách hành xử còn xa nhau. Chưa có bất kỳ sự nhượng bộ nào từ các bên. Vì thế, việc tìm kiếm một giải pháp chính trị cho vấn đề Li-bi vẫn đang trong cơn bế tắc./.
Theo: qdnd.vn