Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma cam kết bắt đầu rút dần quân Mỹ khỏi Áp-ga-ni-xtan từ tháng 7 tới và sẽ chuyển giao toàn bộ trách nhiệm cho lực lượng an ninh và quân đội Áp-ga-ni-xtan vào cuối năm 2014. Kế hoạch chuyển giao vai trò kiểm soát an ninh cho các lực lượng Áp-ga-ni-xtan đã được bắt đầu. Tuy nhiên, quá trình chuyển giao an ninh này còn đối mặt nhiều khó khăn, và đến năm 2014 lực lượng an ninh và quân đội Áp-ga-ni-xtan có thể tự mình gánh vác trách nhiệm nặng nề này hay không vẫn là câu hỏi để ngỏ
Theo kế hoạch đã vạch ra về việc chuyển giao trách nhiệm cho các lực lượng an ninh Áp-ga-ni-xtan ở một số tỉnh của nước này, hôm 21-3,Tổng thống Áp-ga-ni-xtan H.Ca-dai tuyên bố, quá trình này đã được bắt đầu. Ông H.Ca-dai cho biết, lực lượng an ninh nước này sẽ nhận nhiệm vụ phụ trách an ninh ở bảy khu vực, thay thế lực lượng liên quân do Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) dẫn đầu. Ðây là giai đoạn chuyển giao vai trò kiểm soát an ninh đầu tiên giữa lực lượng liên quân và lực lượng Áp-ga-ni-xtan nhằm hướng tới mục tiêu cảnh sát và quân đội nước này có thể bảo đảm an ninh toàn bộ đất nước vào cuối năm 2014.
Biểu tình ở thủ đô Ca-bun đòi rút quân đội nước ngoài khỏi Áp-ga-ni-xtan. Ảnh: Internet |
Theo ông Ca-dai, quá trình chuyển giao vai trò kiểm soát an ninh sẽ mở rộng từ các thủ phủ đến các tỉnh, thành phố. Lực lượng của Áp-ga-ni-xtan sẽ kiểm soát an ninh ở La-sca Ga, thủ phủ tỉnh Hen-man ở miền nam nước này, nơi phiến quân Ta-li-ban đang cát cứ, thành phố Hê-rát ở miền tây, các khu vực quanh Thủ đô Ca-bun, một phần tỉnh La-gơ-man, khu vực Ma-da-i Sa-ríp ở miền bắc và Me-tơ-lam ở miền đông từ tháng 7 tới. Tuy nhiên, ông Ca-dai thừa nhận quá trình chuyển giao vai trò kiểm soát an ninh này còn đối mặt những khó khăn và thách thức lớn trước các cuộc tiến công không ngừng của các tay súng Ta-li-ban tại nhiều khu vực ở Áp-ga-ni-xtan. Ông Ca-dai nhắc lại yêu cầu phiến quân Ta-li-ban tham gia tiến trình hòa bình để chấm dứt việc người dân bị giết hại.
Việc bắt đầu quá trình chuyển giao vai trò kiểm soát an ninh giữa lực lượng liên quân và lực lượng Áp-ga-ni-xtan diễn ra trong bối cảnh lực lượng liên quân do NATO cầm đầu đã ngặn chặn được bước tiến của Ta-li-ban ở một số khu vực thuộc Áp-ga-ni-xtan. Tư lệnh các lực lượng Mỹ và NATO tại Áp-ga-ni-xtan, tướng Ð.Pi-tra-ớt cho biết, những thành quả mà Mỹ và NATO đạt được trong năm 2010 và đầu năm 2011 đã giúp ngăn chặn và đẩy lùi những bước tiến mà Ta-li-ban đạt được ở Áp-ga-ni-xtan kể từ năm 2005. Tuy nhiên, tướng Ð.Pi-tra-ớt cũng cảnh báo, mặc dù những thành quả đạt được là quan trọng nhưng vẫn còn mong manh và dễ bị đảo ngược. Mục tiêu của lực lượng liên quân vẫn là ngăn chặn Áp-ga-ni-xtan lại trở thành nơi trú ẩn của An Kê-đa, đồng thời tăng cường sức mạnh cho các lực lượng an ninh và quân đội của nước này.
Mặc dù đã có những cơ sở để bắt đầu thực hiện quá trình chuyển giao trách nhiệm cho các lực lượng an ninh và quân đội của Áp-ga-ni-xtan, tuy nhiên khả năng gánh vác trách nhiệm này của các lực lượng an ninh Áp-ga-ni-xtan vẫn còn rất yếu. Ðể đẩy lùi sức tiến công của lực lượng Ta-li-ban, Tổng thống Ô-ba-ma đã phải quyết định tăng thêm quân tới Áp-ga-ni-xtan vào cuối năm 2009. Hiện có khoảng 100 nghìn binh sĩ Mỹ và 45 nghìn binh sĩ NATO đang có mặt tại chiến trường Nam Á này. Thời gian gần đây, phiến quân Ta-li-ban liên tục gia tăng các cuộc tiến công nhằm vào các cơ sở của chính phủ và quân đội ở miền bắc Áp-ga-ni-xtan để trả đũa các vụ tiến công của lực lượng Mỹ và NATO ở miền nam nước này. Phó Ðặc phái viên của Tổng Thư ký LHQ phụ trách vấn đề Áp-ga-ni-xtan R.Oát-kin khẳng định, an ninh tại đất nước Nam Á này hiện rơi vào tình trạng tồi tệ nhất trong mười năm qua. Trong khi đó, tướng Ð.Pi-tra-ớt cảnh báo, các cuộc giao tranh, nhất là ’các cuộc tiến công nảy lửa’, gồm cả các vụ đánh bom liều chết, sẽ tăng mạnh tại Áp-ga-ni-xtan trong những tháng tới. Giới tình báo Mỹ còn nhận định, trong mùa hè tới, quốc gia Nam Á này có thể sẽ phải hứng chịu các số vụ bạo động cao hơn nhiều so với năm 2010 vì các tay súng đang bắt đầu tìm cách chiếm lại các sào huyệt cũ ở miền nam. Trong khi đó, năm 2010 là năm lực lượng liên quân chịu tổn thất nhiều nhất tại chiến trường Áp-ga-ni-xtan, với 701 binh sĩ chết, trong đó binh sĩ Mỹ chiếm hơn một nửa (492 người).
Trong bối cảnh trên, tại Hạ viện Mỹ đã có những tranh cãi chung quanh việc đòi sớm rút quân khỏi chiến trường Áp-ga-ni-xtan. Mới đây, Hạ viện Mỹ đã thảo luận dự thảo nghị quyết kêu gọi Tổng thống Ô-ba-ma rút quân khỏi Áp-ga-ni-xtan trước ngày 31-12 tới. Nhiều nghị sĩ Mỹ nêu rõ, Oa-sinh-tơn đã tiêu tốn 100 tỷ USD mỗi năm vào một cuộc chiến có thể kéo dài thêm mười năm nữa ở Áp-ga-ni-xtan và người dân Mỹ ngày càng tỏ ra mất kiên nhẫn đối với viễn cảnh mờ mịt của cuộc chiến tại Áp-ga-ni-xtan trước áp lực ngày một gia tăng của tình trạng thâm hụt ngân sách liên bang. Tuy nhiên, Hạ viện Mỹ đã bác bỏ dự thảo nghị quyết này với lo ngại rằng việc sớm rút quân khỏi chiến trường Áp-ga-ni-xtan sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng trong cuộc chiến chống khủng bố và đặt nước Mỹ trước nguy cơ một cuộc tiến công 11-9 khác. Mặt khác, Hạ viện cho rằng, việc rút quân sớm còn thể hiện sự vô trách nhiệm cũng như chứng tỏ sự thất bại của Mỹ trước mạng lưới khủng bố An Kê-đa và quân Ta-li-ban.
Trước tình hình căng thẳng gia tăng tại Áp-ga-ni-xtan hiện nay đe dọa làm chậm quá trình chuyển giao vai trò kiểm soát an ninh cho các lực lượng Áp-ga-ni-xtan, mới đây Hội đồng Bảo an (HÐBA) LHQ đã nhất trí gia hạn sứ mệnh của Phái bộ Hỗ trợ LHQ tại Áp-ga-ni-xtan (UNAMA) thêm một năm. HÐBA nêu rõ ’tương lai hòa bình của Áp-ga-ni-xtan phụ thuộc vào việc xây dựng một nhà nước ổn định, an ninh, đầy đủ về kinh tế, không có khủng bố và ma túy...’. HÐBA cũng bày tỏ lo ngại về việc Ta-li-ban, An Kê-đa cùng các tổ chức khủng bố khác vẫn tiếp tục có những hành động đe dọa hòa bình và ổn định của Áp-ga-ni-xtan.
Theo: nhandan.org.vn