Sau một thời gian bị không quân Mỹ và phương Tây tấn công, chính quyền của nhà lãnh đạo Li-bi Mô-a-mơ Ca-đa-phi (Muammar Gadhafi) không những không sụp đổ, mà càng chống trả quyết liệt. Trong khi chưa đạt được những tiến triển nhanh chóng trên chiến trường, các nước phương Tây lại tỏ ra rất lợi hại trong việc sử dụng “đạn bạc” để mua chuộc những nhân vật quan trọng trong chính quyền của ông Ca-đa-phi.
Người dân Li-bi giơ cao ảnh nhà lãnh đạo Ca-đa-phi để bày tỏ sự ủng hộ với chính quyền Tri-pô-li.
Ảnh:
Internet
|
Hiệu ứng đô-mi-nô?
Đe dọa lớn nhất hiện nay đối với ông Ca-đa-phi không phải là việc quân nổi dậy chiếm được thủ đô Tri-pô-li mà chính là sự ủng hộ mong manh trong nội bộ chính quyền của ông. Chỉ trong vòng một tuần, đã có ít nhất hai quan chức cấp cao trong chính quyền của ông Ca-đa-phi thông báo từ chức. Mới đây nhất, cựu Ngoại trưởng Li-bi A-li Trây-ki (Ali Treiki), người đang giữ vai trò Cố vấn trong chính phủ, đã thông báo từ chức. Ông Trây-ki từng là đại diện của Li-bi tại Liên hợp quốc (LHQ) và từng đảm nhận chức Chủ tịch Đại hội đồng LHQ. Trước đó, trong thông báo cá nhân được đăng tải trên các trang web đối lập của Li-bi hôm 1-4, ông Trây-ki đã tuyên bố từ chức và chạy sang Ai Cập.
Việc ông Trây-ki từ bỏ chức vụ để trốn ra nước ngoài được cho là “hiệu ứng đô-mi-nô” sau khi Ngoại trưởng Li-bi Mu-xa Cu-xa (Musa Kussa) rời bỏ chính quyền Ca-đa-phi và chạy sang Anh hôm 28-3 vừa qua. Ông Cu-xa từng là Giám đốc Cơ quan tình báo Li-bi, một nhân vật quan trọng trong số những người ủng hộ nhà lãnh đạo Li-bi. Từng giữ chức đại sứ Li-bi tại Anh, song ông Cu-xa cũng bị tình nghi đã lên kế hoạch vụ đánh bom máy bay của hãng Pan Am trên bầu trời Lốc-cơ-bi (Xcốt-len) hồi năm 1988, làm 270 người thiệt mạng. Bộ Ngoại giao Anh xác nhận, ông Cu-xa đã đáp xuống sân bay Phan-bô-rúp (Tây Nam thủ đô Luân Đôn), và bị các quan chức Anh thẩm vấn. Theo Ngoại trưởng Anh Uy-li-am Ha-gơ (William Hague), ông Cu-xa không đề nghị được hưởng quyền miễn truy tố. Trước đó, các đại sứ của Li-bi là I. Đa-ba-schi (Ibrahim Dabbaschi) và A. Schan-gam (Abdurrahman Schalgam) cũng đã từ chức rời khỏi chức vụ trong chính quyền của ông Ca-đa-phi.
Trong bối cảnh có nhiều thông tin sẽ có những quan chức tiếp tục từ bỏ chức vụ, nhà lãnh đạo Ca-đa-phi đã ra lệnh cấm xuất cảnh đối với nhiều nhân vật cấp cao trong chính phủ.
Việc liên tiếp các quan chức Li-bi từ chức là một yếu tố bất lợi đối với ông Ca-đa-phi, bởi lẽ trong suốt thời gian cầm quyền, nhà lãnh đạo Li-bi phần lớn dựa vào những thành viên gia đình và bộ tộc Gadhadhfa của ông. Nhưng bộ tộc này thật nhỏ bé so với khoảng 140 bộ tộc ở đất nước Bắc Phi có 6 triệu dân này. Bởi vậy, ông rất cần sự ủng hộ của những bộ tộc khác mà sự trung thành của họ đã được ông mua lại bằng cách trao cho họ những chức vụ chính trị và an ninh cấp cao trong nhiều năm qua.
“Đạn bom” và “đạn bạc”
Sự đào tẩu của ông Cu-xa đã giáng một đòn nặng nề vào nhuệ khí của phe ông Ca-đa-phi, có khả năng gây phản ứng dây chuyền. Trên thực tế, ngay sau khi Li-bi xảy ra bạo loạn rối ren, đã có nhiều quan chức tỏ ý muốn rời bỏ chính quyền… Một số nguồn tin cho rằng, những người này sau khi bị các cơ quan tình báo Mỹ, Anh dụ dỗ, mua chuộc bằng các khoản tiền lớn đã đi theo con đường chống Ca-đa-phi.
Việc Anh, Mỹ sử dụng “đạn bạc” đã có tiền lệ từ lâu. Khi Mỹ, Anh tấn công I-rắc, cộng đồng quốc tế vốn cho rằng quân đội của ông Xát-đam Hút-xen (Saddam Hussein) sẽ chống chọi đến cùng. Sau đó, họ không thể ngờ rằng, ngay cả sĩ quan thuộc lực lượng Vệ binh Cộng hòa tinh nhuệ nhất của ông Xát-đam Hút-xen cũng đều bị Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) bí mật mua chuộc bằng những đồng đô-la. Đợi tới khi tiếng súng vang lên, những viên chỉ huy trung đoàn, sư đoàn này đều lặng lẽ biến mất, một số còn cố ý cho binh lính về phép, khiến lực lượng Vệ binh Cộng hòa I-rắc lập tức rơi vào tình trạng “rắn mất đầu”, giúp quân đội Mỹ tiến vào Bát-đa dễ dàng hơn rất nhiều.
Theo tờ Thái Dương (Hồng Công, Trung Quốc), Mỹ và Anh đang đối phó với ông Ca-đa-phi bằng chính sách “Cây gậy và củ cà rốt” đã từng sử dụng để chống lại ông Hút-xen trước đây. Đó là Mỹ sẽ sử dụng đòn tấn công cả rắn lẫn mềm: Trút “đạn bom” từ trên không, bắn "đạn bạc” dưới mặt đất. Đạn bom dùng để uy hiếp, còn “đạn bạc” nhằm dụ dỗ, mua chuộc. Xem ra, cho đến thời điểm hiện tại, chính sách “Cây gậy và củ cà rốt” của Mỹ và phương Tây đang phát huy hiệu quả ở Li-bi./.
Theo: qdnd.vn