* 7 nhân viên Liên hợp quốc bị sát hại
Hàng nghìn người dân Áp-ga-ni-xtan ngày 2-4 đã xuống đường biểu tình tại thành phố Can-đa-ha, miền Nam nước này để phản đối vụ đốt kinh Cô-ran ở Mỹ. Theo AP, những người biểu tình đã phóng hỏa vào nhiều phương tiện giao thông trên đường phố, ném đá vào cảnh sát khiến tình trạng trở nên phức tạp. Cảnh sát phải dùng hơi cay và bắn chỉ thiên để giải tán đám đông biểu tình, đồng thời ngăn chặn đoàn người biểu tình tiến về phía các văn phòng của LHQ và các trụ sở chính quyền Áp-ga-ni-xtan. Đã có 9 người thiệt mạng và 73 người khác bị thương trong cuộc biểu tình này. Cùng ngày, các cuộc biểu tình tương tự đã diễn ra tại thành phố Ta-li-can, thủ đô Ca-bun và thành phố Hê-rát ở miền Tây.
Trước đó, 7 nhân viên làm việc tại Văn phòng Liên hợp quốc ở thành phố Ma-da-i Sa-ríp phía Bắc Áp-ga-ni-xtan đã thiệt mạng khi một nhóm người biểu tình cuồng loạn tấn công vào văn phòng. Trong số 7 người bị giết có một người Na Uy, một người Thụy Điển, một người Ru-ma-ni và 4 bảo vệ người Nê-pan. Đây được xem là vụ tấn công đẫm máu nhất nhằm vào phái bộ của Liên hợp quốc kể từ năm 2001.
Người dân Áp-ga-ni-xtan biểu tình tại thành phố Ma-da i Sa-ríp.
Ảnh: Internet
|
Phản ứng về vụ tấn công nhằm vào các nhân viên Liên hợp quốc tại thành phố Ma-da-i Sa-ríp, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Mun (Ban Ki-moon) đã lên án hành động này là “hèn nhát và đáng phẫn nộ”. Trong thông cáo phát đi từ Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma (B. Obama) kêu gọi tất cả các phe phái tại Áp-ga-ni-xtan từ bỏ bạo lực và giải quyết bất đồng thông qua đối thoại. Ngoại trưởng Mỹ H.Clin-tơn (H.Clinton) nhấn mạnh không gì có thể biện minh cho sự tàn bạo này, đồng thời khẳng định sự có mặt của các nhân viên Liên họp quốc tại Áp-ga-ni-xtan là cần thiết để giúp người dân nước này xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Trong cuộc họp báo trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ M.Tô-nơ (Mark Toner) khẳng định hành động đốt kinh Cô-ran tại một nhà thờ ở bang Phlo-ri-đa của Mỹ chỉ là hành động đơn lẻ của một nhóm người, và đi ngược lại những giá trị của Mỹ. Ca-na-đa và nhiều nước châu Âu cũng dùng những từ ngữ mạnh mẽ nhất để lên án vụ tấn công nhằm vào các nhân viên Liên hợp quốc ở Áp-ga-ni-xtan.
Người phát ngôn Bộ Nội vụ Áp-ga-ni-xtan Z.Ba-xa-ri (Z. Bashari) ngày 2-4 cho biết cảnh sát nước này đã bắt giữ 30 nghi can trong vụ biểu tình và tấn công trụ sở cơ quan đại diện Liên hợp quốc tại thành phố Ma-da-i Sa-ríp. Ông Ba-xa-ri tuyên bố cảnh sát đang tiến hành điều tra tìm hiểu sự thật về cuộc biểu tình trên cũng như ai đã đứng đằng sau vụ sát hại các nhân viên Liên hợp quốc. Bộ Nội vụ Áp-ga-ni-xtan đã cử một phái đoàn quan chức cấp cao do tướng N. M. Y-a-man (N. M. Yarman), Vụ trưởng Vụ chống khủng bố của Bộ, làm trưởng ban điều tra vụ việc trên.
Áp-ga-ni-xtan đã lên án hành động đốt kinh Cô-ran của mục sư Uây-nơ Xáp (Wayne Sapp) ở một nhà thờ thuộc bang Phlo-ri-đa của Mỹ ngày 21-3 vừa qua, cho đây là hành vi nhằm kích động căng thẳng giữa các tôn giáo. Tổng thống Áp-ga-ni-xtan H.Ca-dai (H. Karzai) đã đề nghị chính quyền Mỹ đưa ra xét xử những đối tượng liên quan vụ việc này./.