Thế giới hỗ trợ Nhật Bản khắc phục rò rỉ hạt nhân

09:03, 18/03/2011

Người Nhật Bản chưa hết bàng hoàng sau trận “siêu động đất” và sóng thần hôm 11-3 vừa qua, giờ đây họ lại phải sống trong lo âu khi phải đối mặt với nguy cơ rò rỉ hạt nhân. Trong khi đó, cộng đồng quốc tế đã sẵn sàng chung tay góp sức giúp Nhật Bản khắc phục hậu quả của “thảm họa kép” này.

Trong nhiều giờ qua, một loạt sự cố cháy, nổ đã xảy ra tại hai nhà máy điện hạt nhân Phư-cư-si-ma số 1 và số 2 của Nhật Bản. 4 trong 6 lò phản ứng ở nhà máy Phư-cư-si-ma số 1 đã ngừng hoạt động. Trong khi đó, mực nước làm mát ở lò phản ứng số 5 của nhà máy Phư-cư-si-ma số 1 cũng đang giảm. Trục trặc cũng xảy ra tại Hệ thống máy tính dự báo về sự lan truyền của chất phóng xạ (SPEEDI) khi hệ thống này không hoạt động tại các điểm quan trắc xung quanh khu vực gần nhà máy Phư-cư-si-ma số 1. Công ty điện lực Tô-ki-ô (TEPCO) cho biết, sáng 16-3 đã phát hiện thấy những cột khói trắng bốc lên từ lò phản ứng số 3 và dự đoán nguyên nhân có thể là do nước trong lò đang sôi vì bể chứa các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng bị hỏng chức năng làm mát. Cơ quan đối phó thảm họa của Chính phủ Nhật Bản cho rằng, nếu tình trạng này tiếp tục xảy ra, nhiên liệu sẽ lộ khí. Do vậy, một đơn vị đồn trú tại Ca-xu-mi-nô-mê bên trong thành phố Xên-đai trực thuộc Lực lượng phòng vệ đất liền (GSDF) đã được lệnh dùng máy bay trực thăng CH47 để tiến hành đổ liên tục một lượng nước lớn xuống lò phản ứng số 3. Trong khi đó, GSDF cũng có kế hoạch sử dụng một máy bay trực thăng khác để đo độ phóng xạ khu vực trên không tại nhà máy Phư-cư-si-ma số 1. Tuy nhiên, kế hoạch này không thực hiện được do mức phóng xạ quanh nhà máy quá cao. 

Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tham gia cứu trợ tại tỉnh I-oa-tê. Ảnh: Internet
Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tham gia cứu trợ tại tỉnh I-oa-tê.
Ảnh: Internet

Các vụ nổ gần đây ở các lò phản ứng thuộc nhà máy điện hạt nhân Phư-cư-si-ma số 1 đã làm rò rỉ phóng xạ ra ngoài không khí và môi trường xung quanh trong phạm vi từ 20 đến 30 km. Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện sự rò rỉ phóng xạ ở nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản đã đạt cấp độ 6 trong 7 thang cấp độ INES. Trước tình trạng khẩn cấp trên, ngày 16-3, Tô-ki-ô đã lên tiếng yêu cầu Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) nhanh chóng cử các chuyên gia hạt nhân tới Nhật Bản để giúp nước này đối phó với các sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Phư-cư-si-ma số 1.

Nhằm hỗ trợ khắc phục sự cố tại nhà máy điện Phư-cư-si-ma số 1, Chính phủ Hàn Quốc thông báo sẽ chuyển tới Nhật Bản hóa chất bo (boron) đang được dự trữ trong các kho của Hàn Quốc. Đây là hóa chất quan trọng có tác dụng làm ngừng hoặc làm chậm lại phản ứng phân hạch tại các lò phản ứng hạt nhân. Nhật Bản đã chính thức đề nghị Hàn Quốc cung cấp 52 tấn chất bo sau khi phần lớn kho dự trữ chất bo của Nhật Bản đã được sử dụng tại nhà máy Phư-cư-si-ma 1.

Khi cơn hãi hùng về trận động đất và sóng thần hôm 11-3 còn chưa qua, 12 giờ 50 phút ngày 16-3 (giờ địa phương), Nhật Bản lại tiếp tục hứng chịu một trận động đất khác mạnh 6 độ rích-te ở tỉnh Chi-ba, làm rung lắc nhiều tòa nhà ở thủ đô Tô-ki-ô gần đó. Mặc dù chưa đưa ra cảnh báo về khả năng xảy ra sóng thần, song Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cho biết, mực nước biển có thể dâng cao. Như vậy, kể từ sau trận động đất kinh hoàng 9 độ rích-te hôm 11-3 đến nay, Nhật Bản đã phải hứng chịu hơn 400 dư chấn có cường độ lớn nhỏ khác nhau. Theo số liệu mới nhất của Cơ quan cảnh sát quốc gia Nhật Bản, số người thiệt mạng do trận động đất gây sóng thần ngày 11-3 vừa qua đã lên tới hơn 3.670 người, và vẫn còn gần 7.600 người mất tích. Khoảng 530.000 người đang tạm trú tại hơn 2.600 địa điểm.

Có mặt kịp thời ngay sau khi trận động đất và sóng thần xảy ra, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) đã nhanh chóng phối hợp tổ chức cứu hộ người bị nạn và tìm kiếm người mất tích. Hơn 80.000 nhân viên Lực lượng phòng vệ (SDF) và lực lượng cảnh sát Nhật Bản đã được triển khai tại các khu vực bị tàn phá nặng nề để tìm kiếm thi thể các nạn nhân, xác định danh tính, dọn dẹp các đống đổ nát.

Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, tính đến nay, đã có 102 nước và vùng lãnh thổ cùng 14 tổ chức quốc tế đề nghị hỗ trợ Nhật Bản tăng cường công tác cứu hộ./.

Theo: qdnd.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com