Những lý do Anh can thiệp vào Li-bi

07:03, 30/03/2011

Quyết định tấn công Li-bi của chính phủ Anh là một quyết định đầy mâu thuẫn dù qua cách giải thích của Thủ tướng D. Ca-mơ-rôn (D. Cameron) thì việc đó tưởng như hiển nhiên. Tổ hợp truyền thông BBC đã giải thích lý do nước Mỹ can thiệp vào Li-bi chứ không phải Ba-ranh hay Y-ê-men một cách rất đơn giản là do lợi ích quốc gia được đặt trên hết. Ba-ranh và Y-ê-men đều là những đối tác hàng đầu của nước Mỹ ở Trung Đông. Nhưng đối với nước Anh thì câu trả lời vẫn chưa rõ ràng.

Kể từ khi đảng Bảo thủ lên cầm quyền, từ được nghe tới nhiều nhất là “cắt giảm”: Cắt giảm chi tiêu công, cắt giảm phúc lợi, cắt giảm thâm hụt ngân sách. Kết quả là hàng trăm thư viện đóng cửa và hàng vạn người bị cắt trợ cấp và ngay cả sinh viên cũng phải hứng chịu hậu quả của cuộc cải cách này. Bản ngân sách quốc gia mới được công bố càng nói lên những khó khăn tài chính, kinh tế mà nước Anh đang  phải đối mặt. Dự báo, tăng trưởng kinh tế năm 2011 chỉ còn 1,7% so với dự báo 2,1% trước đây. Liên minh cầm quyền tuyên bố phải giải quyết “chính sách tài chính kém cỏi của chính quyền Công đảng”. Dĩ nhiên Công đảng phản ứng gay gắt lập luận này.  Nhưng tối ngày 21-3 gần như cả Hạ viện Anh, với sự đoàn kết đáng ngạc nhiên, đã bỏ phiếu thuận ủng hộ can thiệp quân sự vào Li-bi. 

Máy bay chiến đấu Tornado của Không quân Hoàng gia Anh tham gia chiến dịch quân sự ở Li-bi. Ảnh: AFP
Máy bay chiến đấu Tornado của Không quân Hoàng gia Anh tham gia chiến dịch quân sự ở Li-bi. Ảnh: AFP

Mỗi quả tên lửa Tomahawk phóng đi tốn 800 nghìn bảng. Chi phí cho mỗi nhiệm vụ máy bay Tornado thực hiện tốn 200 nghìn bảng. Tổng kết chung 2 ngày đầu chiến dịch, mỗi ngày Anh quốc tiêu tốn 2 triệu bảng theo số liệu của chính phủ. So với ngân sách quốc phòng lên đến 36,8 tỷ bảng thì con số này vẫn nằm trong khả năng tài chính nước Anh. Nhưng cũng cần phải nói rằng, cuộc chiến Li-bi sẽ còn kéo dài nhiều ngày, thậm chí nhiều tháng, theo đó chi phí sẽ tăng lên. Ngay cả khi chiến dịch quân sự kết thúc thì giai đoạn hậu chiến có khả năng còn lâu dài và tốn kém hơn như những bài học nhãn tiền ở I-rắc và Áp-ga-ni-xtan. Một khi nước Anh đã tham gia thì vì thể diện quốc gia họ sẽ phải theo tới cùng và chịu đựng những chi phí đó.

Thủ tướng Ca-mơ-rôn phát biểu ngay trong ngày HĐBA  LHQ thông qua nghị quyết 1973 rằng, Anh sẽ tham gia can thiệp quân sự vì việc này “đúng, hợp pháp và nằm trong khả năng”. Theo ông Ca-mơ-rôn, nó đúng vì chính quyền của ông M. Ca-đa-phi (M. Gaddafi) đang “phạm phải những tội ác chống lại loài người”. Nó hợp pháp vì đã có nghị quyết LHQ cho phép. Và Anh có thể làm được vì dù có cắt giảm ngân sách, Anh vẫn duy trì lực lượng quân sự lớn thứ 4 thế giới. Ngày hôm sau,  ông E. Mi-li-banh (E. Milliband), thủ lĩnh Công đảng đối lập cũng phát biểu với những lập luận tương tự. Trong môi trường chính trị của nước  Anh, quả thật là bất ngờ khi hai nhà lãnh đạo ở hai phía lại hòa hợp đến vậy. Dù dầu mỏ là thứ ai cũng nghĩ đến khi nói về Trung Đông nhưng không phải cứ kéo quân vào là có được dầu mỏ cộng với những vấn đề kinh tế trước mắt thì cái lợi dầu mỏ chưa chắc đủ thuyết phục với giới lãnh đạo. Còn những lý do khác mà chưa nhiều người nhắc tới.

Trước hết, quân đội Anh có thể dựa vào cuộc chiến Li-bi để chống lại cơn bão cắt giảm ngân sách và khí tài của chính phủ. Chỉ trong vài tháng qua, hàng loạt những vũ khí vốn được coi là niềm tự hào của nước Anh đã bị loại khỏi biên chế hoặc chắc chắn sẽ bị cắt giảm. Cuộc chiến với Ác-hen-ti-na ở đảo Falkland năm 1982 đã cứu vãn chương trình tàu sân bay lớp Invincible. Giới quân sự Anh quốc hy vọng cuộc chiến Li-bi cũng có hiệu quả tương tự.

Nhưng hơn hết là lý do xã hội và lịch sử. Khác với Mỹ, ngoài dầu mỏ và kinh tế, những gì diễn ra tại Trung Đông còn có ảnh hưởng trực tiếp đến xã hội và người dân Anh. Với sự gắn kết về lịch sử, người Anh luôn cho rằng chính mình chứ không phải người Mỹ mới hiểu khu vực này nhất. Cơn bão di dân làm cho dấu ấn Trung Đông đang ngày một rõ hơn trong xã hội Anh. Dấu ấn đó có thể rất hào nhoáng như cửa hàng bách hóa Harrods giữa trung tâm Luân Đôn. Nó cũng có thể bình dân hơn như hàng trăm khu chợ, nhà hàng nhỏ khác trên khắp nước Anh. Sự liên quan này dẫn đến hàng loạt câu chuyện mà giới báo chí Anh đã khai thác một cách ly kỳ. Đó là tấm bằng tiến sĩ của Xa-íp An I-xlam (Saif al-Islam), con trai của ông M. Ca-đa-phi có được từ trường Đại học Kinh tế Luân Đôn (LSE). Đó là cái bắt tay của ông T. Ble (T. Blair) với ông M. Ca-đa-phi. Cũng nói thêm kết quả của cái bắt tay, đó là hiệp định hợp tác chống di cư bất hợp pháp nay đã trên bờ vực đổ vỡ khi bất ổn xảy ra.

Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, Anh và Pháp thay đế chế Ottoman trở thành những quyền lực ảnh hưởng nhất Trung Đông. Người Anh đã tham gia những sự kiện và biến đổi quan trọng nhất như sự thành lập của nhà nước I-xra-en và việc thay đổi thể chế ở nhiều quốc gia. Anh đã trực tiếp gây ra hàng loạt xung đột nội bộ trong khu vực. Đây cũng là nơi chứng kiến sự hùng mạnh đến đỉnh cao của Đế chế Anh và cũng là nơi bắt đầu sự suy tàn của đế quốc rộng lớn nhất trong lịch sử. Di sản của Đế chế Anh để lại buộc chính phủ với nhiều nghị sĩ thuộc giới quý tộc phải khẳng định sự có mặt của mình bằng một hành động quân sự và Li-bi với một chính quyền không thân phương Tây là nơi thích hợp nhất.

 Đặng Đức Minh (qdnd.vn)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com