Những giả thiết Mỹ chưa can thiệp quân sự vào Li-bi

07:03, 14/03/2011

Khi xảy ra cuộc khủng hoảng chính trị ở Li-bi, Mỹ và NATO đã điều tàu chiến áp sát Li-bi. Đây được xem là động thái gia tăng sức ép đối với phe Ca-đa-phi và khiến người ta lo ngại về khả năng Mỹ can thiệp quân sự vào Li-bi nhằm lật đổ nhà lãnh đạo M.Ca-đa-phi (M.Kaddafi). Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, với Mỹ, việc can thiệp quân sự vào Li-bi không hề đơn giản. Báo chí quốc tế trong những ngày gần đây đã đăng tải việc Mỹ và các nước phương Tây cân nhắc các biện pháp chống Li-bi, đồng thời cũng nêu những lý do mà Mỹ chưa mở một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Li-bi vào thời điểm hiện nay: 

Thứ nhất, với một khoản nợ khổng lồ, tỷ lệ thất nghiệp cao cùng một nền kinh tế yếu vừa thoát ra khỏi khủng hoảng, chắc chắn tại thời điểm hiện tại ưu tiên số 1 của nước Mỹ vẫn là kinh tế. Không chỉ có vậy, từ khi Tổng thống Ô-ba-ma (Obama) lên nắm quyền, nước Mỹ có những mối quan tâm về chính trị, ngoại giao theo chiến lược toàn cầu mà Mỹ đang xây dựng với những ưu tiên tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Những hỗn loạn ở Trung Đông, Bắc Phi rất khó có thể khiến Mỹ thay đổi sách lược của mình trong chốc lát. Lúc này, điều quan trọng với Mỹ tại Trung Đông, Bắc Phi vẫn đang là việc thúc đẩy dân chủ dựa trên cơ sở của sự ổn định, chứ không phải phát động một cuộc chiến tranh nữa, mà kết cục vẫn chưa thể tiên liệu.

Tàu đổ bộ USS Kearsarge của Mỹ neo đậu tại một căn cứ của Mỹ ở đảo Crete (Hy Lạp). Ảnh: real.gr
Tàu đổ bộ USS Kearsarge của Mỹ neo đậu tại một căn cứ của Mỹ ở đảo Crete (Hy Lạp). Ảnh: real.gr

Thứ hai, về góc độ quân sự, Mỹ không thể mở "mặt trận thứ 3" sau khi đã đổ hơn 150.000 quân vào hai chiến trường ở Áp-ga-ni-xtan và I-rắc. Hiện tại kinh phí cho hai cuộc chiến cùng lúc đã ngốn tới khoảng một nghìn tỷ USD. Trong tình trạng kinh tế khó khăn và một nội bộ đang bị chia rẽ cũng bởi các chính sách y tế, thuế... khiến ngân sách ngày càng eo hẹp, thật khó cho Mỹ có thể mở tiếp một mặt trận nữa, nhất là nước Mỹ chưa có sự chuẩn bị cho cuộc chiến được dự báo sẽ khó khăn không kém gì hai chiến trường kia. Hơn thế, Li-bi với diện tích 1,7 triệu ki-lô-mét vuông lớn gấp 4 lần I-rắc, lớn gấp 3 lần Áp-ga-ni-xtan, ngay việc đầu tiên là thiết lập vùng cấm bay còn khó, nói gì tới tấn công quân sự và duy trì sự hiện diện của quân đội.  

Thứ ba, Li-bi là một nước nằm trong khối A-rập, là một quốc gia Hồi giáo có tư tưởng chống Mỹ từ bao năm nay rất mạnh mẽ. Việc Mỹ tấn công vào một nước như vậy và sau đó đóng quân trên đất nước này đương nhiên là vô cùng nhạy cảm, thuận ít, nghịch nhiều. Trong khi đó, tại vùng đất này, một số nhóm Hồi giáo cực đoan, trong đó có Al-Qaeda, luôn coi đây là "vùng đất thiêng", vì vậy chắc chắn sẽ không đơn giản nếu Mỹ "trú chân". Và nếu không tính toán kỹ, hoặc giả quân Mỹ lại có những vụ tấn công kiểu "bắn nhầm" như ở I-rắc, Pa-ki-xtan hay Áp-ga-ni-xtan, chắc chắn phong trào "thánh chiến" sẽ không dừng ở biên giới Li-bi, mà nó sẽ lan sang tận nước Mỹ. Hậu quả sẽ thật khó lường. Điều này không chỉ làm khó cho chính nước Mỹ mà họ còn tự mình cô lập trước thế giới Hồi giáo. 

Thứ tư, việc can thiệp quân sự có thể gây ra tác động ngược. Một cuộc tấn công quân sự của một lực lượng nước ngoài sẽ khiến cho tâm lý của nhân dân Li-bi đổi hướng. Đang từ chống đối nhà lãnh đạo Ca-đa-phi quay sang đoàn kết chống lại sự can thiệp của nước ngoài. Trong khi đó, lực lượng trung thành với Ca-đa-phi luôn thề rằng, nếu Mỹ dám tấn công quân sự vào Li-bi, thì Li-bi sẽ trở thành bãi lầy mới của Mỹ. Một số nhà lãnh đạo phương Tây cũng cảnh báo, phe phản đối chính phủ mặc dù muốn Mỹ và phương Tây giúp đỡ để lật đổ ông Ca-đa-phi, nhưng chưa có tuyên bố chính thức nào cho thấy họ cũng mong muốn có sự can thiệp quân sự trực tiếp từ nước ngoài. 

Thứ năm, cho tới thời điểm hiện tại, cộng đồng quốc tế chưa đạt được sự đồng thuận trong việc can thiệp quân sự vào Li-bi. Hội đồng bảo an LHQ cũng chưa có chủ trương này. Một tổ chức lớn như NATO cũng có nhiều nước không nhất trí với việc sẽ tấn công quân sự vào Li-bi. Ngay cả những nước chủ trương ủng hộ mạnh mẽ việc áp đặt vùng cấm bay cũng cẩn trọng với việc đưa quân đội tới khu vực này.  

Theo một số chuyên gia, kịch bản khả thi nhất trong thời gian tới có thể như sau: Khi tình hình Li-bi ngày càng phức tạp, số thương vong của dân thường tăng cao (nếu có), không loại trừ khả năng Mỹ sẽ đưa ra chính sách cứng rắn hơn với Li-bi, can thiệp quân sự ở mức độ nhất định. Hình thức can thiệp có thể dưới dạng ủng hộ mạnh mẽ phe chống phe Ca-đa-phi; thiết lập vùng cấm bay dưới danh nghĩa của NATO (thay vì LHQ) và được Mỹ chi viện, quản lý một cách chặt chẽ; can thiệp vào Li-bi bằng các đội biệt động phản ứng nhanh, sau đó nhanh chóng rút ra hoặc không kích bằng không quân để tiêu diệt các mục tiêu của phe Ca-đa-phi hoặc bản thân ông Ca-đa-phi để làm đà cho phe chống đối giành quyền kiểm soát.


Theo: qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com