*Tổng thư ký LHQ cử đặc phái viên đến Li-bi
Trong một ngày giao tranh căng thẳng, quân nổi dậy tại Li-bi tìm cách đánh trả cuộc tấn công của lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo M. Ca-đa-phi (Muamar Gadhafi). Ngày 7-3, phe nổi dậy ở Li-bi cho hãng tin AP biết, sau thất bại trước lực lượng chính phủ, phe nổi dậy đang tập hợp lại lực lượng và chuẩn bị vũ khí, kể cả vũ khí hạng nặng, nhằm đối phó với các cuộc tấn công mạnh của quân chính phủ. Trước đó, sáng 7-3, lực lượng an ninh đã tiến hành một cuộc không kích vào thành phố cảng dầu Rát La-núp đang do phe nổi dậy nắm giữ, nhưng không có ai bị thương vong. “Chúng tôi cần tăng cường lực lượng từ phía Đông sang sau thất bại ngày 6-3. Nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng tôi hiện nay là ở đây (Rát La-núp)”, ông Mô-ha-mát Xa-mia (Mohamad Samir), một thủ lĩnh của nhóm nổi dậy cho biết.
Người dân Li-bi chờ phát lương thực tại một trại tị nạn giáp biên giới với Tuy-ni-di.
Ảnh:
Internet
|
Trong khi đó, các đài truyền hình Li-bi dẫn nguồn tin quân đội chính phủ tố cáo rằng, tại một số thành phố mà quân chính phủ đã giành lại quyền kiểm soát, phe nổi dậy cố thủ tại các khu vực dân cư và dùng dân thường làm lá chắn sống. Các nguồn tin bệnh viện cho biết, ít nhất 7 người đã thiệt mạng và hơn 50 người bị thương trong các vụ đụng độ giữa lực lượng nổi dậy và những người ủng hộ ông Ca-đa-phi tại thành phố Bin Gia-oát, trong khi các nhân chứng cho rằng, ít nhất 6 người khác thiệt mạng ở thành phố Ben-ga-di.
Xung đột dữ dội diễn ra ở Li-bi gần một tháng nay đã khiến hàng nghìn người thương vong. Ngoài ra, tại nước láng giềng Tuy-ni-di còn đang dồn đọng hơn 200.000 người chạy loạn từ Li-bi tới. Ngày 7-3, LHQ đã kêu gọi một khoản viện trợ trị giá 160 triệu USD để đáp ứng nhu cầu của những người đã rời khỏi Li-bi cũng như những người còn ở tại các khu vực xung đột của quốc gia Bắc Phi đang xảy ra xung đột này. Yêu cầu trợ giúp này được cho là để trang trải cho khoản cứu trợ, bao gồm việc hỗ trợ về nơi ở, lương thực, đi lại, nước uống và vệ sinh cho khoảng một triệu người trong vòng ba tháng tới.
Để đánh giá mức độ khủng hoảng nhân đạo tại Li-bi, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-mun (Ban Ki-moon) đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Li-bi Mu-xa Cu-xa (Musa Kusa). Tổng thư ký Ban Ki-mun đã yêu cầu Tri-pô-li “phải bảo đảm sự an toàn của công dân và tôn trọng nguyện vọng của họ được sống trong phẩm giá và hòa bình”. Tổng thư ký LHQ cũng cảnh báo nhà chức trách Li-bi “về trách nhiệm không thể tránh khỏi trước công lý của những nhân vật vi phạm luật pháp quốc tế". Tổng thư ký LHQ và Ngoại trưởng Li-bi đã thỏa thuận về việc cử Bộ trưởng Ngoại giao Gioóc-đa-ni An Kha-típ (Al-Khatib) làm đặc phái viên cùng một phái đoàn quốc tế đến Li-bi để đánh giá tình hình nhân đạo. Văn phòng LHQ điều phối các vấn đề nhân đạo sẽ chịu trách nhiệm tổ chức phái đoàn này. Hiện tại, văn phòng đã có một số chuyên gia tại thành phố Ben-ga-di.
Cũng trong ngày 7-3, phái đoàn tìm hiểu sự thật của Liên minh châu Âu (EU) do ông A. Mi-ô-dô (Agostino Miozzo), Giám đốc điều hành cơ quan hành động phối hợp đối phó khủng hoảng của châu Âu, dẫn đầu đã tới thủ đô Tri-pô-li và gặp các nhà ngoại giao nước chủ nhà cũng như các đại sứ của tám nước EU để thảo luận vấn đề bảo đảm an toàn cho các công dân EU tại Li-bi.
Chính phủ Li-bi đã có tuyên bố chính thức phản đối Nghị quyết 1970 của Hội đồng Bảo an LHQ áp đặt lệnh cấm nhập cảnh và phong tỏa tài sản đối với gia đình Tổng thống Ca-đa-phi cùng một số quan chức cấp cao trong chính phủ đương nhiệm. Chính phủ Li-bi cho rằng, nghị quyết trên chỉ dựa vào những thông tin truyền thông bên ngoài mà không căn cứ vào các thông tin chính xác, có bằng chứng và đáng tin cậy được một ủy ban tìm hiểu sự thật độc lập và công bằng xác nhận. Tuyên bố cáo buộc các nhóm al-qaeda nằm vùng tại Li-bi đã châm ngòi bạo động bằng các vụ tấn công đồn cảnh sát, doanh trại quân đội và kho vũ khí gây nhiều thương vong./.
Theo: qdnd.vn