"Đa cực hoá" hệ thống tiền tệ thế giới

09:02, 23/02/2011

Trước thực tế phát triển nhanh chóng của các nền kinh tế trên thế giới, nhiều chuyên gia đã khuyến cáo, cần phải thiết lập hệ thống tiền tệ toàn cầu mới theo xu thế đa cực. Giải pháp được nhiều quốc gia hướng tới là đa dạng hoá dự trữ ngoại tệ, giảm sử dụng đồng USD. Giám đốc điều hành IMF, ông Đ.X.Can (D.S.Kahn) cảnh báo, chậm trễ trong cải tổ hệ thống tiền tệ quốc tế có thể gieo mầm cho một cuộc khủng hoảng mới.

Trong bài trả lời phỏng vấn tờ Thời báo Tài chính của Anh, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) R.Dô-ê-lích (R.Zoellick) khẳng định, nền kinh tế toàn cầu đang chuyển nhanh sang hệ thống đa cực mới với sự nổi lên của nhiều quốc gia đang phát triển. Trong khi đó, đồng USD ngày càng mất đi vị trí “độc tôn” suốt hơn 50 năm qua, vì vậy cần khuyến khích các nền kinh tế mới nổi "quốc tế hoá" đồng tiền của họ, và đưa các đồng tiền này vào "rổ" tiền tệ SDR (Quyền rút vốn đặc biệt) của IMF, nhằm góp phần giảm sự mất cân bằng toàn cầu. Giải pháp đa dạng hoá dự trữ ngoại tệ, giảm sử dụng đồng USD không mới, nhưng hiện tại đây là cách nhận được sự ủng hộ nhiều nhất.

Theo ông Dô-ê-lích, việc bổ sung những đồng tiền của các thị trường lớn đang nổi, như đồng nhân dân tệ vào SDR, có thể đẩy nhanh tiến trình quốc tế hoá những đồng tiền này, vốn có lợi cho toàn bộ hệ thống tài chính nói chung. Hiện nay SDR mới chỉ gồm các đồng tiền chủ chốt là USD, ơ-rô, yên Nhật và bảng Anh, vì vậy đưa một đồng tiền như đồng nhân dân tệ của Trung Quốc và đồng tiền của một số quốc gia đang nổi khác vào quỹ tài sản dự trữ nhằm bảo đảm sự ổn định trong hệ thống tiền tệ quốc tế là rất cần thiết. 

s
Ảnh: Internet

Theo phân tích của các chuyên gia, có hai nguyên nhân chủ chốt dẫn đến việc cần phải thay đổi cán cân tiền tệ quốc tế hiện nay. Thứ nhất, Mỹ chỉ chiếm có 24% GDP toàn cầu, trong khi đó, hầu hết thương mại quốc tế lại được thanh toán bằng USD, điều này không những phản ánh sai tình hình kinh tế thế giới mà còn khiến các nước khác dễ bị ảnh hưởng bởi chính sách tiền tệ của bản thân nước Mỹ. Thứ hai, hệ thống dự trữ bằng USD đã tạo ra những kho dự trữ ngoại hối khổng lồ, đặc biệt là ở các nền kinh tế mới nổi. Dự trữ toàn cầu đã tăng từ 1,3 nghìn tỷ USD (5% GDP toàn cầu) năm 1995 lên 8,4 nghìn tỷ USD (14% GDP toàn cầu) hiện nay. Các nền kinh tế mới nổi sau một thời gian dài tích luỹ dự trữ nhờ xuất khẩu. Lẽ ra, giá trị nội tệ của họ phải tăng lên theo sự tăng trưởng ổn định và dự trữ quốc gia. Thế nhưng, các nền kinh tế mới nổi lại có xu hướng dùng ngân hàng trung ương để mua ngoại tệ, coi tích trữ ngoại tệ là biện pháp an toàn trước các dòng vốn đầu tư.

Để giảm thiểu sự phụ thuộc vào đồng USD, mỗi nước đều có cách làm khác nhau. Trung Quốc và Nga đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm giảm dần vị thế của USD như đa dạng hoá các khoản dự trữ ngoại tệ để giảm nhu cầu USD ở trong nước, tăng cường tỷ trọng vàng và các đồng tiền khác. Ngoài ra, hai nước còn ký thoả thuận dùng nhân dân tệ và đồng rúp để thanh toán thương mại, thay vì dùng USD. Lợi ích kinh tế của các công ty Nga và Trung Quốc rất rõ ràng khi giảm được lệ phí chuyển đổi đồng rúp và nhân dân tệ sang đồng USD; giảm được những rủi ro trên thị trường và trong việc thanh toán. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh đồng USD và các ngân hàng Mỹ đang bất ổn.

Thậm chí, trong bài trả lời phỏng vấn báo chí Mỹ mới đây, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã đề cập đến vấn đề quốc tế hoá đồng nhân dân tệ và cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế. Ông Hồ Cẩm Đào cũng cho biết, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã cho phép các công ty có mức tín nhiệm tốt được dùng đồng nhân dân tệ trong giao dịch với các đối tác ở Hồng Công, Ma Cao và các nước thuộc ASEAN. Không chỉ Nga và Trung Quốc, Ấn Độ cũng liên tiếp lên tiếng cho rằng, kinh tế thế giới đang quá phụ thuộc vào đồng USD. Ông X.Ten-đu-cát (S.Tendulkar), một cố vấn kinh tế của Thủ tướng Ấn Độ M.Xinh (M.Singh), cho biết, Ấn Độ cũng đang có chủ trương đa dạng hoá dự trữ ngoại hối thay vì tập trung nắm giữ đồng USD./.

Theo: qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com