Bế tắc chính trường trên “đất nước sô-cô-la”

09:02, 21/02/2011

Ngày 18-2-2011, Bỉ đã phá vỡ kỷ lục của I-rắc sau khi trải qua 250 ngày không thể thành lập được chính phủ. Bế tắc chính trị đang đẩy quốc gia châu Âu này vào tình thế khó khăn hơn trong bối cảnh nợ công chồng chất.

Cách mạng “khoai tây rán”

Tình trạng đất nước không có chính phủ đã gây tức giận trong công chúng Bỉ. Khoảng 5.000 người dân khắp nơi trên cả nước đổ ra đường phản đối tình trạng chia rẽ và yêu cầu thành lập ngay một chính phủ mới. Tuy nhiên, người dân Bỉ không chỉ biểu tình mà còn tổ chức các hoạt động độc đáo kỷ niệm ngày đất nước lập kỷ lục không đáng tự hào này. Tại thành phố Ghen, các nam nữ sinh viên đã cởi bỏ quần áo chỉ mặc đồ lót để đòi lập chính phủ mới. Tại thành phố Lơ-văng, khoai tây rán kiểu Pháp - một món ăn đặc trưng của Bỉ được phát miễn phí cho mọi  người cùng ăn để bày tỏ thông điệp muốn đoàn kết và thống nhất. Những người tổ chức gọi đây là “cuộc cách mạng khoai tây rán” ở Bỉ. Các nhà tổ chức hoạt động này cho biết, họ đang cố gắng để thực hiện một cuộc “cách mạng tích cực” thông qua các cuộc biểu tình “thống nhất”.

Các cuộc biểu tình mới này nằm trong một loạt các hoạt động thời gian qua của người dân nhằm phản đối tình trạng bế tắc chính trị kéo dài của đất nước. Một đoạn băng video được lan truyền trên Internet kêu gọi các đấng mày râu Bỉ “không cạo râu” chừng nào chưa có chính phủ mới. Thậm chí nữ nghị sĩ Ma-lin Tem-méc-man còn đề xuất “độc chiêu” kêu gọi vợ của các chính khách đình chỉ chuyện phòng the với chồng cho tới khi tình hình trên chính trường được cải thiện.

Cuộc bầu cử quốc hội tháng 6 năm ngoái kết thúc với kết quả không có lực lượng chính trị nào thắng rõ ràng đã đẩy chính trường Bỉ vào cuộc khủng hoảng vì chia rẽ. Quá trình đàm phán để thành lập chính phủ liên minh sau đó không đưa lại kết quả gì do bất đồng giữa đảng cánh hữu Flemish của cộng đồng người nói tiếng Hà Lan và các liên minh cánh tả của cộng đồng người nói tiếng Pháp. Các cuộc đàm phán liên tục đổ vỡ do hai bên không thống nhất được việc sửa đổi Hiến pháp và phân quyền nhiều hơn các vùng ở Bỉ. Cựu Thủ tướng Bỉ Giô-han Văng-đơ La-nốt đã thất bại trong sứ mệnh trung gian hoà giải khi không thể thuyết phục được các chính đảng có chân trong quốc hội trở lại bàn đàm phán, và mới đây ông đã phải rút khỏi sứ mệnh này.

Cần một chuyên gia hoà giải quốc tế

Nhà trung gian hoà giải mới là ông Đi-đi-ê Rên-đơ, thuộc Đảng Francophone theo đường lối tự do của cộng đồng người nói tiếng Pháp, đã được chuyển giao sứ mệnh khó khăn từ ông La-nốt. Ngày 16-2, Nhà vua Bỉ An-be II đã cho ông Rên-đơ thêm hai tuần để hoàn thành sứ mệnh này. Trước đó, Vua An-be II đã đề xuất 6 sáng kiến để xây dựng một liên minh nhưng cũng không đem lại triển vọng gì. Học giả trường Ha-vớt Rô-bớt Mnu-kin cho rằng, Bỉ có thể phải cần tới một nhà thương lượng quốc tế, chẳng hạn như ông Mát-ti A-tít-xa-ri của Phần Lan, chuyên gia hoà giải và chủ nhân giải Nô-ben hoà bình trước đây từng được cử tới Cô-xô-vô, Nam-mi-bi-a và Ai-len.

Trước cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở Bỉ, giới quan sát dự đoán hai khả năng xảy ra: Một là khả năng sẽ có sự thay đổi lớn dẫn tới việc thành lập một liên minh chính trị khác với sự tham gia đàm phán của hai đảng tự do; khả năng thứ hai là sẽ phải tiến hành bầu cử lại nhưng sẽ khó xảy ra hơn. Cũng có nhà phân tích cho rằng, vấn đề phân chia nước Bỉ cũng sẽ được đưa lên chương trình nghị sự. Họ cho rằng, không loại trừ nguy cơ sẽ có một thoả thuận cải tổ hệ thống liên bang của Bỉ, theo đó trao thêm quyền tự trị cho mỗi khu vực.

Bế tắc chính trị kéo dài tại Bỉ đang có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động kinh tế vốn đang trong tình trạng khó khăn do nợ công đang tăng tới mức báo động. Mức nợ công của Bỉ theo dự đoán sẽ tăng lên 98,1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2011. Cơ quan xếp hạng tín dụng “Standard&Poor” cảnh báo sẽ hạ mức xếp hạng của Bỉ nếu nước này vẫn không thành lập được chính phủ vào tháng 6 tới.

Nghiêm trọng không kém là tình trạng bế tắc chính trị làm ảnh hưởng đáng kể đến hình ảnh “đất nước sô-cô-la” với vai trò một trung tâm của châu Âu. Thủ tướng tạm quyền Y-vét Lê-tơ-mê phát biểu trên đài truyền hình của Đảng Flemish rằng kỷ lục vượt qua I-rắc là một điều tồi tệ đối với hình ảnh đất nước./.

  Nguyên Hạnh
(Báo Quân đội Nhân dân)

                                                                                                                                                     

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com