Nga và phương Tây cam kết duy trì đối thoại tích cực

09:01, 05/01/2011

Năm 2010 chứng kiến những bước tiến quan trọng trong nỗ lực "cài đặt lại" quan hệ song phương Nga - Mỹ, cũng như cam kết mở ra trang hợp tác mới giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Dù chưa thể hóa giải hoàn toàn những bất đồng cố hữu, nhưng trên cơ sở những kết quả đạt được, cả Nga và phương Tây cam kết duy trì xu thế đối thoại tích cực, tìm tiếng nói chung trong nhiều vấn đề khu vực và quốc tế. 

Toàn cảnh hội nghị cấp cao Nga-NATO tại Li-xbon, Bồ Đào Nha.  Nguồn: Internet
Toàn cảnh hội nghị cấp cao Nga-NATO tại Li-xbon, Bồ Đào Nha. 

Những ngày cuối năm 2010, Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (START) mới có những bước tiến quan trọng, khi liên tiếp được cả Thượng viện Mỹ và Đu-ma quốc gia (Hạ viện) Nga sơ bộ thông qua, mở đường để QH hai nước chính thức phê chuẩn, dự kiến đầu năm 2011. Trong bài phát biểu trực tiếp trên truyền hình tổng kết năm 2010, Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép cho rằng, START sẽ trở thành nền tảng an ninh quan trọng ở châu Âu và trên thế giới trong những thập kỷ tới. Nhà lãnh đạo Nga nêu rõ, việc ký kết văn kiện này là một trong những thành tựu quan trọng nhất của LB Nga trong năm 2010. Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma hoan nghênh Thượng viện Mỹ phê chuẩn START mới, coi đây là động thái phát đi thông điệp mạnh mẽ với toàn thế giới về mục tiêu hướng tới một thế giới không hạt nhân. Việc Tổng thống Mét-vê-đép và Ô-ba-ma, lãnh đạo hai cường quốc sở hữu tới 90% số lượng vũ khí hạt nhân toàn cầu, ký START và thúc đẩy tiến trình phê chuẩn tại mỗi nước là kết quả nổi bật nhất trong nỗ lực cải thiện quan hệ giữa hai nước.

Nỗ lực khởi động lại quan hệ Nga - Mỹ còn thể hiện rõ trong hàng loạt cuộc thăm, tiếp xúc song phương giữa hai Tổng thống Mét-vê-đép và Ô-ba-ma trong năm qua. Kết quả các cuộc đối thoại cấp cao là những bước đi cụ thể, nhằm giải tỏa những nghi ngờ gây căng thẳng quan hệ song phương. Tổng thống Ô-ba-ma tuyên bố hủy kế hoạch triển khai một phần hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia (NMD) của Mỹ tại Đông Âu từng bị Mát-xcơ-va chỉ trích gay gắt vì đe dọa an ninh Nga. Tổng thống Mét-vê-đép đáp lại bằng tuyên bố tạm gác ý định triển khai tổ hợp tên lửa tầm thấp tại tỉnh Ca-li-nin-grát, gần biên giới Ba Lan, làm đối trọng NMD của Mỹ tại châu Âu. Oa-sinh-tơn cam kết hoãn vô thời hạn việc kết nạp U-crai-na và Gru-di-a làm thành viên NATO, làm dịu động thái phản đối của Mát-xcơ-va do lo ngại kế hoạch “Đông tiến” này của NATO nhằm bao vây Nga. Mát-xcơ-va tỏ rõ thái độ hợp tác nhiều hơn với Mỹ và NATO về vấn đề Áp-ga-ni-xtan, đồng ý cho phép Mỹ và NATO trung chuyển hàng hóa, cả quân sự lẫn phi quân sự và binh sĩ, quá cảnh lãnh thổ Nga tới chiến trường Áp-ga-ni-xtan. Nga cũng từ bỏ kế hoạch xuất khẩu tên lửa cho I-ran, giúp giảm nghi ngờ và lo ngại từ phía Oa-sinh-tơn. Mỹ và châu Âu đã ủng hộ việc Nga gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), mở đường để Mát-xcơ-va kết thúc các cuộc đàm phán gia nhập WTO kéo dài gần 20 năm qua. Nga và Mỹ cũng đã phối hợp chặt chẽ trong nhiều vấn đề toàn cầu, như đối phó khủng hoảng tài chính thế giới, chống khủng bố, cướp biển...

Năm 2010 cũng chứng kiến nỗ lực cải thiện quan hệ giữa Nga và NATO, tìm các biện pháp tăng cường hợp tác song phương về kinh tế, an ninh, chống khủng bố, cướp biển...  Kết quả Hội nghị cấp cao Nga - NATO tháng 11-2010, tại Li-xbon (Bồ Đào Nha), là một bước tiến cụ thể, mở ra giai đoạn hợp tác mới giữa Mát-xcơ-va và Brúc-xen. Tuyên bố chung Nga - NATO nhấn mạnh, hai bên đã sẵn sàng cho quan hệ đối tác mới, mang tính chiến lược thật sự, dựa trên nguyên tắc tin cậy lẫn nhau, minh bạch và ổn định. NATO khẳng định những lợi ích chung và cam kết mở rộng hợp tác, hướng tới quan hệ đầy đủ với Mát-xcơ-va. Nga đồng ý tham gia kế hoạch lá chắn tên lửa mới trên phạm vi toàn châu Âu, sau khi NATO chuyển trọng tâm hệ thống phòng thủ này từ cơ cấu Đông Âu làm trung tâm, sang một cơ cấu linh hoạt hơn. Với việc lần đầu trong lịch sử NATO, liên minh NATO - Nga hợp tác trong lĩnh vực tự vệ cho thấy hai bên thừa nhận không còn là mối đe dọa lẫn nhau và sẵn sàng bước vào giai đoạn hợp tác mới.

Tuy nhiên, những “điểm sáng” trong bức tranh chung về quan hệ giữa Nga và phương Tây năm 2010 vẫn chưa đủ để xóa đi những bất đồng cố hữu giữa hai bên. Nổi bật là quan điểm đối lập giữa Nga và Mỹ về vấn đề độc lập cho Cô-xô-vô (tỉnh thuộc CH Xéc-bi-a đơn phương tuyên bố độc lập), hay nhận định về cuộc xung đột vũ trang tại Nam Ô-xê-ti-a tháng 8-2008; đó là những nghi ngại chưa thể xóa bỏ trong hợp tác giữa Nga và NATO về an ninh chung tại châu Âu... Mát-xcơ-va đi đầu và đến nay vẫn kiên quyết giữ lập trường bác bỏ độc lập cho vùng lãnh thổ Cô-xô-vô. Còn Mỹ tiếp tục đổ lỗi cho Nga châm ngòi cuộc xung đột vũ trang với Gru-di-a tại vùng lãnh thổ ly khai Nam Ô-xê-ti-a. Tổng thống Ô-ba-ma cam kết ngừng tiến trình để U-crai-na và Gru-di-a gia nhập NATO, nhưng lại cử các cộng sự thân cận nhất tiến hành nhiều chuyến công du nhằm củng cố và làm sống lại những lợi ích của Mỹ, tại các quốc gia láng giềng của Nga trong không gian hậu Xô-viết. Tuyên bố từ bỏ NMD, nhưng Mỹ vẫn triển khai binh sĩ và thiết bị quân sự tối tân tại các căn cứ không quân trên lãnh thổ Ba Lan, ngay sát biên giới Nga... Những vụ “bê bối ngoại giao”, như việc Mỹ cáo buộc và bắt giữ 11 người Nga vì tội hoạt động gián điệp cho Mát-xcơ-va, hay dẫn độ nhà buôn vũ khí người Nga V.Bút từ Thái-lan về Mỹ, cũng ảnh hưởng không nhỏ tới quan hệ song phương.

Sau Hội nghị cấp cao Nga - NATO. Tổng thống Mét-vê-đép cho rằng, quan hệ Nga - NATO đã gần gũi hơn, minh bạch hơn, nhưng quá trình “xích lại gần nhau” trong quan điểm đối với nhiều vấn đề của hai bên sẽ còn tiếp tục. Hai bên cam kết tiếp tục duy trì xu thế đối thoại tích cực nhằm thúc đẩy triển khai những thỏa thuận đạt được những kết quả thực tế./.

Theo: nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com