Trong điều kiện mưa, lũ kéo dài những ngày đầu tháng 12 vừa qua làm 34 người chết và hàng trăm nghìn người phải rời nhà cửa, đi sơ tán, Vê-nê-xu-ê-la vẫn tổ chức cuộc bầu cử địa phương để lựa chọn 11 thị trưởng và hai thống đốc bang. Kết quả cuộc bầu cử cho thấy, các ứng cử viên của Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Vê-nê-xu-ê-la (PSUV) cầm quyền đã giành được bảy trong số 11 thị trưởng và một thống đốc bang. Đây là thắng lợi quan trọng tiếp theo của PSUV sau thắng lợi tại cuộc bầu cử QH nước này hồi tháng 9 vừa qua (PSUV giành được hơn 90 ghế trong tổng số 165 ghế QH). Những thắng lợi liên tiếp của PSUV trong bầu cử dân chủ phản ánh niềm tin và sự ủng hộ mạnh mẽ của đông đảo nhân dân Vê-nê-xu-ê-la đối với những cải cách chính trị, kinh tế - xã hội do Tổng thống U.Cha-vết khởi xướng và kiên trì thực hiện nhằm đưa đất nước tiến theo con đường “CNXH thế kỷ 21”.
Tổng thống U.Cha-vết thăm khu chung cư ở Bang Vác-gát.
Nguồn: Internet
|
Hơn mười năm qua, kể từ khi Tổng thống U.Cha-vết lên nắm quyền lãnh đạo và phát động cuộc cách mạng mang tên người Anh hùng giải phóng dân tộc X. Bô-li-va nhằm xây dựng xã hội công bằng, dân chủ tiến bộ, xóa bỏ nghèo đói và bất công ở quốc gia giàu tài nguyên khoáng sản mà tỷ lệ người nghèo chiếm tới hơn 50% số dân, Vê-nê-xu-ê-la đã có nhiều đổi thay sâu sắc, tích cực. Thành tựu nổi bật trong công cuộc xây dựng phát triển đất nước của Chính phủ do Tổng thống U.Cha-vết đứng đầu như nhà phân tích chính trị Uyn-pớt nhận định, đã cải thiện lớn đời sống của các tầng lớp nhân dân lao động. Tỷ lệ thất nghiệp giảm thấp nhất từ trước tới nay và tỷ lệ người nghèo còn thấp hơn mức trung bình của khu vực. Cụ thể: Tỷ lệ người nghèo giảm từ 50,4% xuống còn 33,07%; thất nghiệp giảm từ 16,6% xuống 6,3%. Mức lương tối thiểu tăng từ 100 nghìn bô-li-va lên 614 nghìn bô-li-va (286 USD), sức mua trong dân tăng 400% và mức lạm phát giảm 41% so với trước khi Tổng thống Cha-vết lên nắm quyền. Mặc dù phải đối mặt với một số khó khăn do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu và biến động giá dầu mỏ, nhưng Vê-nê-xu-ê-la tiếp tục duy trì ngân sách đầu tư cho các chương trình xã hội khoảng 33 tỷ USD, chiếm hơn 45% trong ngân sách Nhà nước năm 2010. Trong đó, 18% dành cho giáo dục, 12% cho hoạt động và phát triển xã hội và 8,7% cho lĩnh vực y tế và hơn 60% số dân nước này được hưởng lợi từ quỹ phúc lợi xã hội là năm tỷ USD.
Vê-nê-xu-ê-la đang tăng cường vai trò quản lý nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội nhằm đẩy mạnh công cuộc xây dựng, phát triển đất nước theo con đường “CNXH thế kỷ 21”. Cùng với việc thực hiện chính sách quốc hữu hóa các ngành kinh tế quan trọng như dầu khí, điện lực, thép, chế biến cà-phê, mía đường... Vê-nê-xu-ê-la ban hành nhiều luật mới như: Luật Giáo dục, Luật Đất đai đô thị (tháng 8-2009) và Luật Ruộng đất và phát triển nông nghiệp (tháng 6-2010) nhằm tăng cường vai trò kiểm soát, điều tiết của Nhà nước với các lĩnh vực này, đồng thời thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.
Một sự kiện quan trọng đang diễn ra trong đời sống chính trị quốc gia Nam Mỹ này là ngày 9-12 vừa qua, QH Vê-nê-xu-ê-la tiến hành thảo luận gói năm dự luật về tổ chức kinh tế - xã hội, được coi là bước cải tổ luật pháp quan trọng nhất trong kế hoạch tiến lên CNXH thế kỷ 21 do Tổng thống U.Cha-vết khởi xướng. Gói dự luật này gồm Luật Tổ chức các cơ quan quyền lực nhân dân, Luật Tổ chức kiểm soát đóng góp xã hội, Luật Tổ chức kế hoạch công và quần chúng, Luật Tổ chức các cộng đồng dân cư và Luật Hệ thống kinh tế cộng đồng. Mục đích của các dự luật mới nhằm tạo khung pháp lý tăng cường quyền làm chủ của nhân dân, củng cố các tổ chức cộng đồng địa phương do quần chúng trực tiếp quản lý, vận hành, nâng cao nghĩa vụ xã hội của các doanh nghiệp nhằm hỗ trợ hoạt động của các tổ chức nhà nước truyền thống. Tổng thống Cha-vết khẳng định, những dự luật mới sẽ đặt quyền lực vào tay nhân dân và cân bằng quá trình phát triển kinh tế, xã hội ở Vê-nê-xu-ê-la./.
Theo: nhandan.com.vn