Thế giới tìm kiếm sự đồng thuận về "Quỹ xanh"

10:12, 06/12/2010

Các nhà lãnh đạo của khoảng 200 quốc gia họp ở TP Can-cun của Mê-hi-cô bên bờ biển Ca-ri-bê từ ngày 29-11 đến 10-12 nhằm tìm kiếm sự đồng thuận về "Quỹ xanh", giúp các nước nghèo chống biến đổi khí hậu, trong bối cảnh chi phí đối phó hiện tượng nóng lên của khí hậu trái đất ngày càng bị đẩy lên. Đây được đánh giá là vấn đề mấu chốt và "gai góc" tại Hội nghị về khí hậu toàn cầu này.

Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), chi phí cho nỗ lực giảm sự nóng lên của khí hậu trái đất vào năm 2030 sẽ tăng 1.000 tỷ USD, lên 18 nghìn tỷ USD bởi sự thiếu thống nhất hành động của toàn thế giới chống biến đổi khí hậu. Chi phí cho thay đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng gió, mặt trời và các năng lượng sạch khác sẽ tăng lên hàng trăm tỷ USD. 2010 là năm nóng nhất kể từ khi nhiệt độ ở mức kỷ lục vào thế kỷ 19. Năm nay, thế giới cũng phải chứng kiến thiên tai, lũ lụt nghiêm trọng ở Pa-ki-xtan, Nga... Vụ tràn dầu ở vịnh Mê-hi-cô chứng tỏ những nguy cơ của sử dụng năng lượng hóa thạch.

 

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Sử dụng năng lượng mặt trời tại cơ sở y tế ở Ma-đa-ga-xca.
Ảnh: Internet

Sau khi không đạt một hiệp ước về khí hậu toàn cầu tại Hội nghị Cô-pen-ha-ghen (Đan Mạch) tháng 12 năm ngoái, tham vọng đặt ra cho Hội nghị Can-cun năm nay thấp hơn. Các nhà đàm phán tại Can-cun tìm kiếm việc mở rộng Nghị định thư Ky-ô-tô, theo đó buộc các nước công nghiệp phát triển phải cắt giảm khí thải gây hiệu  ứng nhà kính ở mức trung bình 5,2% trong giai đoạn 2008-2012. Những nước ủng hộ nghị định thư này cho rằng các nước khác, gồm cả Mỹ, phải đưa ra những cam kết ràng buộc. Việc thành lập “Quỹ xanh” nhằm giúp các nước nghèo đối phó sự biến đổi của khí hậu trái đất và thực hiện các cách thức mới chia sẻ công nghệ sạch cũng như bảo vệ rừng nhiệt đới, đang là chủ đề quan trọng và đối mặt không ít khó khăn. Các nước giàu và nước nghèo vẫn bế tắc chung quanh tranh cãi về khoản ngân sách tăng thêm 30 tỷ USD viện trợ ban đầu như cam kết ở Hội nghị Cô-pen-ha-ghen nhằm giúp các nước nghèo chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng xanh và đối phó hiện tượng nóng lên của khí hậu trái đất giai đoạn 2010-2012. Một số viện trợ bắt đầu được triển khai, song các nước nghèo cho rằng “chưa đủ” và phần nhiều trong số đó thuộc những cam kết trước đây, chứ chưa phải là những lời hứa tại Hội nghị Cô-pen-ha-ghen. Các nước nghèo nói rằng, các nhà tài trợ đã không giữ lời hứa trong cam kết viện trợ bổ sung giúp các nước nghèo chống biến đổi khí hậu. Trong khi đó, các nước phát triển lại nói rằng họ đang thực hiện các cam kết. Một dự thảo báo cáo của Liên hiệp châu Âu (EU) nói rằng, các thành viên EU đang giữ lời hứa chuyển 2,2 tỷ ơ-rô năm 2010 giúp các nước nghèo giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Trong đó, các dự án của Đức giúp 300 nghìn ơ-rô cho Mô-dăm-bích xây dựng hệ thống cảnh báo lũ lụt và 400 nghìn ơ-rô của CH Séc giúp Ê-ti-ô-pi-a khôi phục các giếng nước, cải  thiện nguồn nước và chống xói mòn. Theo cam kết ở Hội nghị Cô-pen-ha-ghen, các nước phát triển sẽ tăng tới 100 tỷ USD/năm từ năm 2020 và số tiền này được “Quỹ xanh” giám sát nhằm giúp các nước đối phó tác động của biến đổi khí hậu như hạn hán, bão lụt, mực nước biển tăng - đặc biệt là các nước kém phát triển nhất, các quốc đảo nhỏ đang phát triển và châu Phi. Trong 194 nước có khoảng 50 nước nằm trong nhóm các nước kém phát triển nhất. Các nước cũng sẽ thành lập một cơ chế kỹ thuật để thúc đẩy sử dụng các công nghệ xanh.

Cuộc đàm phán về khí hậu toàn cầu được coi là cuộc thử nghiệm năng lực của LHQ trong việc đưa ra các quyết định đòi hỏi sự đồng thuận, bởi những vấn đề này đều liên quan lợi ích của các nước, từ các quốc đảo Thái Bình Dương đang có nguy cơ bị “chìm” do mực nước biển dâng cao, đến các nước thuộc Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ OPEC lo ngại mất các nguồn thu từ dầu mỏ và khí đốt nếu năng lượng truyền thống bị thay thế nhiều hơn bởi các nguồn năng lượng khác. Đạt thỏa thuận về “Quỹ xanh” là một trong các mục tiêu quan trọng tại Hội nghị Can-cun năm nay. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, những tuyên bố trái ngược hiện nay về thực hiện “Quỹ xanh” giữa các nước giàu và nước nghèo, cũng như những lợi ích riêng của mỗi quốc gia liên quan vấn đề này, là rào cản đối với các cuộc đàm phán và đây là một trong những vấn đề khá “gai góc” trong việc đi tìm một sự đồng thuận./.

Theo: nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com