Trong nỗ lực thu hẹp khác biệt để xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa đủ sức đối phó hiệu quả với các nguy cơ tấn công bằng tên lửa, không loại trừ khả năng Nga, Mỹ, NATO và EU sẽ có chung một hệ thống phòng thủ tên lửa (AMD).
Tổng thống Nga Mét-vê-đép và Tổng thống Ba Lan B.Cô-mô-rốp-xki (B.Komorowski) tại Vác-sa-va, ngày 6-12.
Nguồn:
Internet
|
Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép (D.Medvedev) đã đề cập tới vấn đề này khi trả lời phỏng vấn báo chí trước chuyến thăm chính thức Ba Lan trong hai ngày 6 và 7-12. Tổng thống Mét-vê-đép kêu gọi NATO hãy tận dụng cơ hội để xây dựng quan hệ mới với Nga, đồng thời kêu gọi Mỹ, NATO và EU nghiên cứu về khả năng xây dựng AMD chung. Tổng thống Mét-vê-đép nhấn mạnh rằng, nếu Nga không tham gia AMD trên cơ sở bình đẳng thì "lá chắn tên lửa" của Mỹ đặt tại châu Âu sẽ được coi như yếu tố phá vỡ sự tương quan lực lượng hạt nhân và làm giảm khả năng của Nga góp phần duy trì sự cân bằng về hạt nhân. Nga hy vọng và chờ đợi Mỹ cùng EU và NATO nghiên cứu kỹ ý tưởng của Nga về thành lập AMD chung. Đó sẽ là bước đột phá trong quan hệ giữa hai bên và nhiều bên, góp phần ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang mới.
Theo đánh giá, hệ thống phòng thủ tên lửa này có thể sẽ mang tính khả thi cao vì ý tưởng về hệ thống trên không phải bây giờ mới được nhắc tới. Cách đây 3 năm, phía Mỹ cũng đã đề nghị cùng Nga và NATO xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa chung. Tuy nhiên mục đích khi đó của phía Mỹ là nhằm xoa dịu các quan ngại của Mát-xcơ-va về kế hoạch của Mỹ xây dựng hệ thống này tại các nước Trung Âu. Khi đó, cựu trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Đ.Phrai (D.Fried) từng tuyên bố, Mỹ, Nga và NATO hoặc Hội đồng Nga - NATO sẽ hợp tác xây dựng một hệ thống chung hoặc một mạng lưới chung các hệ thống có lợi cho an ninh các bên và cũng giúp giải tỏa các quan ngại an ninh của phía Nga.
Mặc dù rất thiện chí và trên nguyên tắc Nga đã đồng ý hợp tác xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu theo đề nghị của NATO, tuy nhiên, theo phân tích của chuyên gia, một khi hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại châu Âu và việc NATO mở rộng sang phía Đông hàm chứa các nhân tố gây mất an ninh cho Nga, khi đó chắc chắn Tổng thống Mét-vê-đép sẽ đổi ý. Tổng thống Mét-vê-đép khẳng định rõ quan điểm của Nga rằng, Nga không coi NATO là nguy cơ chủ yếu, trái lại Nga chủ trương xây dựng quan hệ đối tác với NATO. Tuy nhiên, Tổng thống Mét-vê-đép cũng cảnh báo, việc mở rộng NATO trên cơ sở không kiểm soát có thể làm nảy sinh những điều kiện làm mất ổn định tình hình quốc tế.
Để các hệ thống phòng thủ trên trở thành hiện thực và đi vào hoạt động sớm nhất, Tổng thống Mét-vê-đép đặc biệt nhấn mạnh tới khả năng thực thi để biến các ý tưởng và đề xuất của các bên thành hiện thực. Ông đánh giá cuộc gặp cấp cao Nga - NATO tại Li-xbon (Lisbon) mới đây mang tính chất lịch sử, đồng thời nhấn mạnh điều quan trọng là không bỏ lỡ cơ hội xây dựng mối quan hệ mới và không để các cuộc đàm phán đã qua trở thành "cuộc gặp của những ảo vọng". Tổng thống Mét-vê-đép cho rằng, giống như quan hệ với Mỹ, quan hệ Nga - NATO đã được tái khởi động và hai bên đang phối hợp giải quyết những vấn đề chung như Áp-ga-ni-xtan, đấu tranh chống ma túy và khủng bố, loại trừ nguy cơ đối với vận tải đường biển và chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Nhưng có những vấn đề mà hai bên cần nỗ lực phối hợp hành động hơn, như hệ thống phòng thủ tên lửa (AMD) ở châu Âu.
Phía Mỹ hiện chưa có bình luận gì về ý tưởng trên của Tổng thống Mét-vê-đép./.
Theo: qdnd.vn