COP 16 vẫn trông chờ "giải pháp mầu nhiệm"?

08:12, 03/12/2010

Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu lần thứ 16 (COP 16) tại TP nghỉ mát Cancun (Mexico) chính thức khai mạc ngày 29-11 và sẽ kéo dài đến 10-12 với sự tham gia của đại diện chính phủ 193 nước và khoảng 25.000 đại biểu. Hội nghị lần này đặt quyết tâm đạt một hiệp ước mang tính ràng buộc về pháp lý để thay thế Nghị định thư Kyoto, sẽ hết hiệu lực năm 2012. Hội nghị Cancun được coi là bước đi quan trọng thúc đẩy các cuộc đàm phán "Lộ trình Bali" nhất là sau khi Hội nghị COP15 tại Copennhagen cuối năm ngoái không đạt được một hiệp định mang tính ràng buộc về pháp lý. Tuy nhiên, sau hai ngày họp đầu tiên, người ta vẫn hoài nghi về việc có thể đạt được thoả thuận mới.

Các đại biểu quốc tế dự Hội nghị COP 16 tại TP Cancun (Mexico). Ảnh: TÂN HOA XÃ
Các đại biểu quốc tế dự Hội nghị COP 16 tại TP Cancun (Mexico).
Ảnh: Internet

Tại Hội nghị, nhiều diễn giả đã đưa cảnh báo và lo ngại về chia rẽ giữa các nhóm nước. Tổng Thư ký Công ước khung về biến đổi khí hậu của LHQ (UNFCCC) Christiana Figueres cảnh báo, bài học thất bại tại Hội nghị Copenhagen cho thấy dường như thế giới sẽ không có "giải pháp màu nhiệm" cho việc ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu. Bất đồng giữa các nước tại Hội nghị Copenhagen có thể xuất hiện lại bất cứ lúc nào. Ông Yvo de Boer, Thư ký Điều hành UNFCCC, kêu gọi các nước thực hiện cam kết tại Hội nghị Copenhagen về lập quỹ 30 tỷ USD giúp các nước đang phát triển đối phó biến đổi khí hậu. Thực tế là, cuộc họp cuối cùng tại Bonn (Đức) hồi cuối tháng 5 chuẩn bị nội dung cho Hội nghị Cancun đã không đạt được sự nhất trí nào.

Chia rẽ giữa các nước phát triển và đang phát triển về cắt giảm lượng khí thải CO2 tồn tại suốt hai chục năm qua. Các nước và khối nước đổ lỗi cho nhau là "thủ phạm" và tìm cách bảo vệ quyền lợi của mình. Các nước đang phát triển phải gánh chịu hậu quả nặng nề của tình trạng biến đổi khí hậu. Mục tiêu tạo ra liên kết giữa các quốc gia và gây sức ép buộc các nước lớn giảm thiểu thải khí CO2, trong đó trước hết là Trung Quốc và Mỹ, hai nước đã và đang thải ra khoảng 40% lượng khí gây hiệu ứng nhà kính là một việc rất khó khăn.

Theo thống kê của LHQ, lượng khí thải CO2 trên toàn cầu năm 2008 đã tăng hơn 40% so năm 1990 do một số nước như Mỹ không giảm lượng khí thải, trong khi lượng khí thải của một số nước đang phát triển, nhất là Trung Quốc, tăng mạnh. Nếu không có biện pháp ngăn chặn lượng khí thải CO2, trong tương lai, GDP toàn thế giới sẽ giảm từ 5% đến 15% mỗi năm. Thiệt hại do thiên tai và thảm hoạ trong 9 tháng đầu năm nay làm 21 nghìn người chết, về vật chất lên tới 222 tỷ USD, tăng gấp ba lần năm 2009.

Không ít phân tích cho rằng, cho dù những người dự Hội nghị Cancun đều muốn tránh đưa ra hình ảnh một thất bại mới, song những tranh cãi diễn ra tại Hội nghị Copenhagen cuối năm 2009 đã khiến cộng đồng quốc tế khá thất vọng và không mấy trông chờ vào kết quả của Hội nghị Cancun. Trong nỗ lực của mình, Đại hội đồng LHQ khóa 65, trước thềm Hội nghị Cancun đã ra Nghị quyết về biến đổi khí hậu, khuyến khích các nước thành viên LHQ nỗ lực thúc đẩy các tiếp cận cân bằng nhằm đạt được kết quả đầy tham vọng tại COP 16./.

Xuân Hiệu



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com