Ði tìm những chiến sĩ Việt Nam tại phòng tuyến Mát-xcơ-va

10:11, 12/11/2010

Những đội viên bé nhỏ…

 

Các cựu chiến binh trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại rưng rưng gặp nhau hơn 60 năm sau ngày chiến thắng.
Các cựu chiến binh trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại rưng rưng gặp nhau hơn 60 năm sau ngày chiến thắng.
Nguồn: Internet

Một bức thư được gửi đi từ Quảng Châu (Trung Quốc) mùa hè năm 1926 tới Hội đồng Trung ương Ðội Thiếu niên tiền phong Liên Xô có đoạn: “Ở đây, chúng tôi có một nhóm trẻ em Việt Nam tuổi từ 12 đến 15. Ðó là những người cộng sản trẻ tuổi của Việt Nam. Nhưng việc tổ chức học tập ở đây thì không thể. Khi được nghe nói về Cách mạng Tháng Mười, về nước Nga và Lê-nin vĩ đại, các em rất muốn đến đất nước của các đồng chí để sống và học tập. Chính vì thế, tôi viết thư này hy vọng các đồng chí không từ chối tiếp nhận nhóm thiếu niên Việt Nam…”. Bức thư ký tên Nilovxky đến tay những người có trách nhiệm, và người ta biết rằng, người viết lá thư đó là Nguyễn Ái Quốc.

Ðối với nhóm thiếu nhi ấy, việc đến được đất nước Lê-nin là điều không dễ dàng, bởi phải đi vòng qua nhiều nước. Mất mấy năm, nhóm thiếu niên đầu tiên mới đến được Mát-xcơ-va. Những em còn lại, do điều kiện hết sức khó khăn và khắc nghiệt lúc đó đã không thể đi được, như trường hợp Lý Tự Trọng sau này đã anh dũng hy sinh trong nhà lao đế quốc. Những người đến được Mát-xcơ-va được tiếp đón chu đáo, được sắp xếp nơi ăn chốn ở cẩn thận.

Khi Nguyễn Ái Quốc trở lại Mát-xcơ-va làm việc tại Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, các học viên Việt Nam đã trưởng thành nhiều mặt. Nguyễn Ái Quốc đã đặt cho họ những bí danh để tiện làm việc và liên lạc…

Cùng chiến đấu dưới phòng tuyến Mát-xcơ-va

Ngày 21-6-1941, phát-xít Ðức bất ngờ tấn công Liên Xô, những người cộng sản nước ngoài trên đất nước Liên Xô đã kề vai sát cánh với toàn thể nhân dân Xô-viết cầm súng trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.

Ngày 1-8-1941, một lữ đoàn bộ binh cơ giới được thành lập, tham gia bảo vệ thủ đô, khi quân phát-xít đã tiến gần đến Mát-xcơ-va, có nơi chỉ cách đường vành đai bao quanh thành phố khoảng 20km. Trong lữ đoàn mới thành lập này, có một trung đoàn chiến sĩ quốc tế gồm nhiều quốc tịch: Tây Ban Nha, Pháp, Ba Lan, Ðức, Hy Lạp, và 6 chiến sĩ Việt Nam.

Lúc ấy, Hít-le đã tuyên bố tổ chức duyệt binh tại Quảng trường Ðỏ vào đúng ngày 7-11. Thiệp mời chiến thắng đã in và được gửi tới các tướng lĩnh và các chính khách. Với nỗ lực điên cuồng cuối cùng này, Quốc trưởng Hít-le đã tung 250 máy bay ném bom hòng nghiền Mát-xcơ-va thành đống gạch vụn. Nhưng Hồng quân đã không cho chúng làm được điều đó. Không một máy bay nào lọt được vào bầu trời thành phố. 4 giờ sáng ngày 7-11, lữ đoàn bộ binh cơ giới được lệnh tham gia duyệt binh kỷ niệm 24 năm Cách mạng Tháng Mười tại Quảng trường Ðỏ. Sau cuộc duyệt binh lịch sử kéo dài 62 phút, các đơn vị đã tiến thẳng ra mặt trận chiến đấu giải phóng Mát-xcơ-va.

Trong hồi ký của nhà cách mạng lão thành Ivan Vinarov, Uỷ viên BCH Quốc tế Cộng sản cũng nhắc tới cuộc diễu binh và khẳng định có các chiến sĩ Việt Nam, song ông không nhớ rõ tên tuổi…

Tìm lại tên tuổi các đồng chí Việt Nam

Qua nhiều năm điều tra, khảo cứu, nhà báo Evghenhi Kobelev và Andrey Krysinxky ở Báo Pravda (Báo Sự thật - cơ quan Trung ương của Ðảng Cộng sản Liên Xô) đã tích cực tìm lại tên tuổi những chiến sĩ Việt Nam cầm súng chiến đấu trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc. Vào thời điểm những năm 80 của thế kỷ 20, còn rất ít chiến sĩ thuộc lữ đoàn bộ binh cơ giới còn sống. Ông Kadixky cùng bộ phận tác chiến với các chiến sĩ Việt Nam cho biết: “Nhiều lần thấy họ hành quân hay chiến đấu trong chiến hào…” và “họ là những chiến sĩ gan dạ, dũng cảm, là những tay thiện xạ, bởi chỉ bằng súng bộ binh, họ đã bắn hạ nhiều tên phát-xít…”.

Sau khi tập hợp từ rất nhiều nguồn tài liệu, người ta đã tìm được tên tuổi của 4 người đã hy sinh anh dũng trong một trận đánh đẩy lùi cuộc tấn công của quân phát-xít ở cửa ngõ phía Nam Mát-xcơ-va cuối năm 1941. Một người nữa là chiến sỹ Lê Văn Chăn, sinh năm 1900, tại Phú Lâm, Thanh Oai, Hà Nội, ngày nay. Khi học tại Ðại học Phương Ðông, được Nguyễn Ái Quốc đặt biệt danh là Lý Phú San. Trong Chiến tranh Vệ quốc, Lý Phú San công tác tại Viện Quân y dã chiến của lữ đoàn. Kết thúc chiến tranh, ông được tặng huân chương Vệ Quốc, huy chương Chiến thắng phát-xít. Từ năm 1945 đến giữa những năm 1950, ông giữ chức Giám đốc Sân vận động thành phố Sverdlovsk vùng Ural, sau đó ông trở về Việt Nam làm việc tại Hà Nội và mất năm 1980. Một đồng chí nữa, theo ông Starikov, cựu nhân viên điện đài của lữ đoàn: “Có điện đài viên Vô-lô-đi-a Oktiabrsky chắc chắn là người Việt Nam và đó không phải là tên thật của anh ta... (Vô-lô-đi-a là tên Lê-nin thời còn trẻ và “Oktiabrsky” tức là tháng Mười). Rất tiếc là sau đó tôi bị thương và không biết gì thêm về người chiến sỹ Việt Nam ấy nữa”.

Chủ tịch Hội Hữu nghị Liên bang Nga - Việt Nam, ông Evgheni Pavlovich Glazunov là một trong những người đã cố gắng tìm hiểu tư liệu liên quan đến những người lính tình nguyện Việt Nam tham gia cuộc chiến Vệ quốc. Ðề tài này bắt đầu được ông cùng đồng nghiệp chú ý sau khi cuốn hồi ký của vị tướng người Bun-ga-ri tên là Ivan Ivarov, Chính uỷ trong đội quân tình nguyện quốc tế ở Mát-xcơ-va, được phát hành bằng tiếng Nga vào cuối những năm 70 của thế kỷ trước, có nhắc đến những người lính Việt Nam. Theo ông Evgheni Pavlovich Glazunov, 5 người này là Vương Thúc Tình (có tài liệu là Vương Thục Chinh), Lý Anh Tạo (tên thật là Hoàng Anh Tô), Lý Nam Thanh (tên thật là Nguyễn Sinh Thân), Lý Thúc Chắt (tên thật là Vương Thúc Thoại) và Lý Phú San (tên thật là Lê Phan Châu). Ngoại trừ ông Lý Phú San, cả 4 người còn lại đều quê ở Kim Liên (huyện Nam Ðàn, tỉnh Nghệ An). Ba ông Lý Nam Thanh, Lý Thúc Chắt và Lý Anh Tạo sàn sàn tuổi nhau, sinh vào những năm 1908-1912. Họ cùng nhau ra nước ngoài, có lẽ là vào năm 1925. Thoạt đầu, ba người sang Thái Lan, sau đó sang Trung Quốc gặp Nguyễn Ái Quốc, người sau này trở thành thầy của họ. Người sống sót duy nhất sau cuộc chiến là ông Lý Phú San. Ông trở về Việt Nam năm 1956 và sau đó công tác tại Ðại sứ quán Liên Xô ở Hà Nội. Ông qua đời năm 1980. Glazunov từng gặp ông Lý Phú San năm 1962. “Con người có vóc dáng nhỏ bé đó chăm sóc vườn cây cho Ðại sứ quán Liên Xô ở Hà Nội”, Glazunov nhớ lại. “Một lần gặp ông, tôi chào bằng tiếng Việt, còn ông chào lại tôi bằng tiếng Nga”.

Thời gian dâu bể, thông tin, tên tuổi của các chiến sỹ Việt Nam tham gia cuộc chiến tranh Vệ quốc đến nay vẫn còn là đề tài có nhiều ẩn số. Chúng ta mong muốn tiếp tục có những nhà nghiên cứu, những người biết câu chuyện về cuộc đời họ sẽ tiếp tục hé lộ nhiều thông tin thú vị trong nay mai...

Bùi Hữu Cường

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com