Bộ trưởng Cải cách hành chính Renho. |
Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan giữ nguyên 11 bộ trưởng chủ chốt của chính phủ tiền nhiệm và chỉ đưa 6 gương mặt mới vào nội các, trong đó có một cựu người mẫu - biên tập viên truyền hình.
Tối 8.6, tân Thủ tướng Nhật Naoto Kan và nội các mới của Nhật đã chính thức nhậm chức với sự chứng kiến của Nhật hoàng Akihito.
Phát biểu sau lễ nhậm chức, Thủ tướng Kan cho hay, 2 ưu tiên hàng đầu của chính quyền mới là tìm quyết sách cho khoản nợ quốc gia quá lớn của Nhật và cải thiện quan hệ với Mỹ.
Theo ông Kan, liên minh an ninh Mỹ - Nhật phải được xem là “nền móng” cho hệ thống chính trị Tokyo, vì vậy ông sẽ thiên về việc di dời căn cứ quân sự Futenma của Mỹ đến khu vực thưa dân cư hơn ở đảo Okinawa - vấn đề đã khiến Thủ tướng Hatoyama phải từ chức.
Ông Kan quyết định duy trì bộ khung của nội các cũ, trong đó có các vị trí chủ chốt như Ngoại trưởng Katsuya Okada, Bộ trưởng Quốc phòng Toshimi Kitazawa và Bộ trưởng Giao thông Seiji Maehara. Tuy nhiên, ông đưa vào nội các 6 bộ trưởng trẻ và nhiệt huyết. Điển hình là bà Renho - một cựu người mẫu, biên tập viên truyền hình, người giữ cương vị Bộ trưởng Cải cách hành chính. Năm nay 42 tuổi, bà Renho là thành viên trẻ nhất trong chính quyền và từng nổi tiếng qua các chất vấn gay gắt tại quốc hội về nạn quan liêu của chính quyền.
Bộ trưởng Tài chính mới của Nhật là ông Yoshihiko Noda - nguyên thứ trưởng và là người luôn ủng hộ siết chặt chi tiêu công, phản đối tăng vay nợ. Ông Noda sẽ chỉ đạo chiến lược mới của chính quyền Tokyo về cải cách tài chính, dự kiến thực thi từ cuối tháng 6. Theo Bộ trưởng Noda, cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp chính là cảnh báo cho hệ thống tài chính công “tả tơi” của Nhật. Nhật Bản hiện là quốc gia có nợ công lớn nhất trong số các cường quốc công nghiệp, ở mức 218,9% GDP theo số liệu năm 2009.
Chính trị gia Yoshihito Sengoku được giao vị trí Chánh Văn phòng nội các - được xem là bộ mặt của Chính phủ Nhật Bản. Thủ tướng Kan cũng có cuộc cải tổ ban lãnh đạo của Đảng DPJ, với quyết định thay thế Tổng Thư ký Ichiro Ozawa - người dính líu nhiều bê bối về quỹ tranh cử.
Theo các nhà phân tích, danh tiếng của ông Kan cùng nguồn gốc bình dân của ông sẽ làm tăng uy tín của Đảng DPJ. Các bài xã luận trên báo chí Nhật cũng tỏ ra lạc quan về Thủ tướng Kan - “con trai của một người làm công ăn lương” - trong so sánh với người tiền nhiệm Hatoyama và nhiều lãnh đạo thuộc dòng dõi “trâm anh thế phiệt” tại Nhật. Hiện tỉ lệ ủng hộ của người dân Nhật Bản với Thủ tướng Kan đang ở mức cao - trên 60%.