Nhận thức tầm quan trọng của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao đối với việc rèn luyện sức khỏe, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, những năm qua, các cấp, các ngành trong tỉnh luôn chú trọng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động, huy động các nguồn lực xây dựng, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao các cấp, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, rèn luyện thể dục, thể thao (TDTT) của nhân dân.
Thi đấu bóng chuyền hơi nữ ở xã Hải Hưng (Hải Hậu). |
Nam Định hiện có hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tương đối hoàn chỉnh. Thiết chế văn hóa, thể thao cấp tỉnh do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL) quản lý gồm: Nhà Văn hóa 3-2, Bảo tàng tỉnh, Thư viện tỉnh, các rạp chiếu bóng, trung tâm điện ảnh (Tháng Tám, Kim Đồng, Sinh Viên), Bể bơi Trần Khánh Dư, Sân vận động Thiên Trường, Cung Thể thao tỉnh, Nhà thi đấu Trần Quốc Toản. Thiết chế văn hóa, thể thao tuyến cơ sở bao gồm: 10 Trung tâm Văn hóa thông tin và Thể thao cấp huyện, thành phố đã đạt chuẩn theo quy định của Bộ VH, TT và DL; 226 nhà văn hóa, hội trường đa năng cấp xã, phường, thị trấn, trong đó có 158 nhà văn hóa; 3.005 nhà văn hóa, 2.641 sân thể thao cấp thôn, xóm, tổ dân phố; gần 40 nhà tập luyện thể thao đa năng, trên 500 nhà tập luyện, thi đấu đơn môn, gần 30 bể bơi (cố định, di động), gần 800 sân vận động có khán đài, gần 3.000 sân bóng chuyền, bóng rổ, tennis, cầu lông ngoài trời... Ngoài ra còn có nhiều thiết chế văn hóa, thể thao của tư nhân, các ban, ngành, đoàn thể như: Bảo tàng Đồng quê của bà Ngô Thị Khiếu, xã Giao Thịnh (Giao Thủy); sân tennis của Liên đoàn Lao động tỉnh; Trung tâm Văn hóa - Thể thao Thanh thiếu niên tỉnh thuộc Tỉnh Đoàn; sân cầu lông, sân bóng đá Khu công nghiệp Hòa Xá; sân golf, sân bóng đá Khu công nghiệp Bảo Minh; sân bóng đá Nhà máy Dệt Nam Định; nhà văn hóa, trung tâm văn hóa, thể thao của các ngành, đoàn thể: Công an, Quân đội, Đoàn Thanh niên; phòng truyền thống, trưng bày của các ngành, các trường học... Hệ thống thiết chế trên cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tập luyện TDTT của đông đảo người dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong tỉnh.
Bên cạnh đó, một số công trình, thiết chế văn hóa cũ nay đã xuống cấp, cơ sở vật chất, trang thiết bị cũ kỹ, lạc hậu. Rạp Tháng Tám được xây dựng từ thời Pháp, có tổng diện tích hơn 500m2, kết cấu 2 tầng với 425 ghế ngồi; được trang bị máy chiếu phim nhựa 35mm, âm thanh lập thể của Mỹ từ năm 2004. Thời gian qua, mặc dù rạp đã được đầu tư sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng, bổ sung trang thiết bị nhưng trong bối cảnh công nghệ số phát triển nhanh chóng mang đến nhiều cách thức tiếp cận, thưởng thức điện ảnh thì công nghệ phổ biến phim hiện có của Rạp Tháng Tám hiện đã cũ và lạc hậu, không đáp ứng được điều kiện số hóa các thiết bị chiếu phim nên không thể thực hiện được phổ biến phim có sử dụng công nghệ tiên tiến ở địa phương, sụt giảm lượng lớn khán giả đến rạp. Rạp Kim Đồng xây dựng năm 2004 trên diện tích đất hơn 450m2. Rạp được trang bị máy chiếu phim nhựa 35mm âm thanh lập thể của Trung Quốc từ năm 2005. Cơ sở hạ tầng của Rạp Kim Đồng đang xuống cấp nghiêm trọng, không sử dụng được, luôn trong tình trạng “cửa đóng, then cài”. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh và Triển lãm tỉnh không được cấp kinh phí cho hoạt động phát hành phim và chiếu bóng. Bên cạnh đó, sự chuyển đổi công nghệ chiếu phim hiện nay đã làm toàn bộ hệ thống máy chiếu và trang thiết bị kỹ thuật của rạp trở nên lạc hậu, cũ kỹ, không còn nguồn phim để chiếu. Sở VH, TT và DL đã đề nghị UBND tỉnh tạo điều kiện về cơ chế, hành lang pháp lý để chỉ đạo Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh và Triển lãm tỉnh kêu gọi vốn đầu tư, liên doanh, liên kết xây dựng, nâng cấp các rạp chiếu bóng, đặc biệt là cải tạo Trung tâm Điện ảnh Sinh viên thành cụm rạp hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc gia, đầu tư máy chiếu phim kỹ thuật số phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa ngày càng cao của nhân dân. Các công trình Nhà thi đấu Trần Quốc Toản và Bể bơi Trần Khánh Dư qua hơn 20 năm khai thác, sử dụng, hiện đang xuống cấp, trang thiết bị phục vụ tập luyện, thi đấu thiếu, không đảm bảo dẫn đến hiệu quả hoạt động của các thiết chế này chưa cao.
Trong bối cảnh hiện nay, sự bùng nổ công nghệ thông tin và sự phát triển nhanh như vũ bão các thiết bị ứng dụng công nghệ số hiện đại dẫn tới việc người dân có thể dễ dàng tiếp cận hầu như mọi nơi, mọi lúc để thưởng thức các sản phẩm văn hóa nghệ thuật đa dạng được phổ biến rộng rãi trên internet. Đây chính là rào cản lớn của việc khai thác, sử dụng phát huy hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Một bộ phận người dân không còn thích đến nhà văn hóa thôn, xóm, tổ dân phố để tham gia các sinh hoạt cộng đồng hoặc thưởng thức các chương trình văn hóa văn nghệ. Tại một số địa phương, các thiết chế văn hóa, thể thao qua quá trình khai thác đã xuống cấp, trang thiết bị sơ sài, không bảo đảm theo quy định song kinh phí đầu tư cho các hoạt động chuyên môn; sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các thiết chế văn hóa, thể thao còn hạn hẹp.
Thành phố Nam Định là địa bàn đông dân cư nên việc quy hoạch quỹ đất dành cho xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn; kinh phí hỗ trợ hoạt động tại các nhà văn hóa tổ dân phố còn hạn chế, chưa đáp ứng được các nhiệm vụ tuyên truyền chính trị, tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, TDTT quần chúng. Đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên biến động; công chức văn hóa, xã hội ở cấp xã kiêm nhiệm nhiều công việc, chưa thực sự chú trọng đến phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao cơ sở…
Để hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao phát huy hiệu quả hoạt động, hàng năm, Sở VH, TT và DL đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, công chức văn hóa cơ sở. Phòng Văn hóa - Thông tin, Trung tâm Văn hóa thông tin và Thể thao các huyện, thành phố cử cán bộ chuyên môn hướng dẫn cán bộ văn hóa xã, phường, thị trấn về công tác quản lý, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT. Năm 2021, toàn tỉnh đã tổ chức 158 lớp tập huấn bằng các hình thức phù hợp về nghiệp vụ công tác văn hóa, thể thao cơ sở với tổng số 1.169 cán bộ, chuyên viên tham gia.
Thời gian tới, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác quy hoạch quỹ đất, bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách và huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao các cấp; trọng tâm là thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa và tạo điều kiện để các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất, hạ tầng văn hóa, thể thao, bổ sung trang thiết bị phục vụ các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT, vui chơi, giải trí. Phát huy hiệu quả hoạt động của các nhà văn hóa, sân thể thao thôn, xóm, tổ dân phố qua việc đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ, TDTT; tổ chức các hội thi, hội diễn nghệ thuật, giao lưu, thi đấu thể thao mang tính cộng đồng để người dân có ý thức hơn trong việc bảo vệ, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa của địa phương. Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở thành lập các mô hình câu lạc bộ, tổ chức các hoạt động phù hợp với từng tổ chức đoàn thể, khu dân cư, từng nhóm đối tượng, lứa tuổi; thường xuyên đổi mới nội dung, đa dạng hình thức sinh hoạt các câu lạc bộ, tạo sự mới mẻ, hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân tham gia; đồng thời lồng ghép việc giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, bảo đảm phát triển văn hóa toàn diện, bền vững, hài hòa và gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Thường xuyên bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao ở cơ sở; phát huy vai trò "chủ thể" của người dân trong tham gia đóng góp xây dựng, quản lý các thiết chế văn hóa, thể thao tại địa bàn. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và truyền thông trực tiếp bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú, để người dân, các cấp, các ngành và toàn xã hội hiểu tầm quan trọng của việc phát triển văn hóa, thể thao trong đời sống cộng đồng./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng