Giải chạy siêu đường mòn Sa Pa mang tên Vietnam Mountain Marathon (VMM) 2022 sẽ diễn ra vào tháng 9 tới, đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng chạy phong trào Việt Nam. Năm nay, lần đầu tiên ban tổ chức giải đưa vào cự ly khủng 160km.
Giải chạy VMM thu hút rất nhiều runner trong và ngoài nước tham dự. Ảnh: VMM |
Trước đây, cự ly chạy địa hình dài nhất được đưa vào thi đấu ở Việt Nam là 100km, đây cũng là cự ly mới chỉ có rất ít người hoàn thành tại Việt Nam; và đây cũng là một trong những điều kiện để các chân chạy được phép đăng ký cự ly 160km năm nay. Đáng chú ý, ban tổ chức cho phép vận động viên (VĐV) được phép sử dụng người dẫn tốc (pacer). Pacer vốn đã khá quen thuộc ở những cuộc thi chạy đường bằng, trong tập luyện và thi đấu, nhưng ở những cự ly chạy địa hình siêu dài thì vẫn chưa phổ biến ở Việt Nam.
Theo quy định của Ban tổ chức VMM 2022, pacer chỉ được phép bắt đầu việc dẫn tốc cho 70km cuối, trong phần thi 160km. Pacer phải hoàn thành ít nhất một cự ly marathon đường núi tại giải chạy chính thức để được công nhận quyền tham dự VMM 2022. Đặc biệt, pacer không được phép mang đồ chạy, đồ ăn hay nước uống giúp VĐV, chỉ được ở bên cạnh để động viên, hỗ trợ tinh thần cho VĐV. Những người được VĐV đăng ký với ban tổ chức là pacer sẽ được cung cấp số cặp với VĐV. Pacer phải tự sắp xếp phương tiện di chuyển tới trạm tiếp sức, phải mang đầy đủ đồ dùng bắt buộc như những VĐV chạy cự ly 70km.
Trần Duy Quang, nhà vô địch VMM 2017 cự ly 100km, đang thông báo tuyển pacer 70km để thực hiện tham vọng giành thành tích cao ở lần đầu chạy 160km tại Việt Nam. Trước đây, Trần Duy Quang từng tham dự một số giải chạy ở nước ngoài, với quãng đường hơn 200km.
Hoàng Xuân Vân Anh, chân chạy nữ có tiếng trong làng runner cũng tìm kiếm pacer để giúp mình trong quãng đường 70km: “Tôi thiết tha cần tìm hai pacer cho cự ly 70km giải VMM. Quyền lợi tạm thời: Được tặng bib miễn phí, ngắm khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Điều kiện là cần hoàn thành ít nhất một cự ly marathon 42km đường núi”. Hoàng Xuân Vân Anh tuyển hai pacer vì Ban tổ chức VMM 2022 cho phép VĐV sử dụng nhiều hơn một pacer trong quãng đường 70km nhưng chỉ có duy nhất một pacer được đồng hành với VĐV. Nếu cần, VĐV có thể thay pacer khác, nhưng phải ở một điểm dừng theo quy định của ban tổ chức chứ không phải một điểm bất kỳ trên đường đua.
Trần Duy Quang tuyển một pacer vì anh khá tự tin vào năng lực của mình. Năm 2019, chân chạy người Bình Định này từng hoàn thành phần thi chạy 246km ở giải Spartathlon (Hy Lạp), sau 31 giờ 10 phút 37 giây. Thành tích giúp runner sinh năm 1989 này đứng thứ 40 chung cuộc trong tổng số 196 VĐV hoàn thành phần thi ở Spartathlon 2019. Spartathlon là một trong những giải chạy siêu đường dài địa hình khắc nghiệt nhất thế giới. Các VĐV dự giải phải chạy không quá 36 giờ cho quãng đường xuyên đất nước Hy Lạp, xuất phát từ Thủ đô Athens và về đích dưới chân bức tượng Leonidas, tại Sparta.
Với Trần Duy Quang, cự ly 160km ở VMM 2022 không hẳn dễ chinh phục, bởi đường chạy ở Sa Pa có độ khó cao. Ban tổ chức VMM 2022 thông tin: Cung đường chạy cho cự ly 160km rất đẹp nhưng lại vô cùng khó khăn, hiểm trở, sẽ là thử thách lớn cho các runner đăng ký tham dự nội dung này./.
Theo QĐND