Giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2022 đã khép lại sau nửa tháng thi đấu. Chiến thắng cuối cùng thuộc về các nhà vô địch xứng đáng. Nhìn tổng thể, ban tổ chức đã có một số thay đổi mang lại tính tích cực cho giải đấu.
Việc Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam lần đầu tiên vận hành hệ thống các máy quay ghi hình (video challenge eyes, còn gọi là các “mắt thần”) tại nhà thi đấu đã giúp 22 đội bóng có sự thoải mái và không xảy ra nhiều tình huống tranh cãi với trọng tài. Tiếc một chút, hệ thống “mắt thần” đưa vào phục vụ giải đấu từ vòng tứ kết, nếu thiết bị có mặt sớm tại Việt Nam, được vận hành ngay từ đầu thì một số trận tại vòng bảng (diễn ra ở Vĩnh Phúc, Ninh Bình) đã không xảy ra tranh cãi về công tác điều hành của trọng tài.
“Hệ thống các camera gồm 21 chiếc lắp tại mỗi nhà thi đấu được vận hành tốt, có chuyên gia Thái Lan đến chuyển giao công nghệ cho cán bộ của ban tổ chức, giúp các trận đấu từ lượt tứ kết thêm phần hấp dẫn”, ông Lê Trí Trường, Tổng thư ký Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam, khẳng định.
Rất nhiều ý kiến đưa ra trước khi Ban tổ chức Giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2022 và Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam xem xét nên hay không nên lắp hệ thống “mắt thần”. Thực tế, sau khi có các máy quay “mắt thần”, huấn luyện viên các đội đã sử dụng triệt để quyền khiếu nại sau những tình huống cho rằng trọng tài quyết định lỗi chưa chính xác, hay không theo kịp pha bóng nhanh.
Song hành với nét mới về công nghệ, việc Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam cho cầu thủ ngoại trở lại thi đấu cũng là sự thay đổi tích cực. Các địa điểm tranh tài sôi động hơn, khán giả tại Vĩnh Phúc và Ninh Bình vào sân cổ vũ đông đảo, để được tận mắt xem các ngoại binh chơi bóng. Trường hợp chủ công Polina Rahimova của đội vô địch nữ Geleximco Thái Bình là minh chứng của việc bỏ tiền thuê ngoại binh hiệu quả, đáng đồng tiền bát gạo. Sau những trận ban đầu chưa quen với bóng chuyền Việt Nam, càng về sau, Polina Rahimova chơi càng tốt. Mỗi khi tay đập này phát bóng, bật nhảy đập bóng tấn công thì các hàng chắn đối phương đa phần đều bất lực chống đỡ. Điều này dễ hiểu bởi chủ công này cao 1,98m, có lực đánh bóng không khác các đồng nghiệp nam. Danh hiệu “Cầu thủ tấn công xuất sắc nhất giải” được ban tổ chức trao cho Polina Rahimova là hoàn toàn xứng đáng.
Bên cạnh đó, vẫn có ngoại binh chưa thể hiện được tốt khả năng chuyên môn, như trường hợp của Katerina Zhikova (đội nữ Vĩnh Phúc) hay Philip James Freere (đội nam Sanest Khánh Hòa). Tựu trung, ngoại binh vẫn là một trong những điểm tích cực để giải đấu có sự cạnh tranh quyết liệt hơn, nhiều pha bóng tấn công mạnh mẽ, đẹp mắt, làm nức lòng người hâm mộ. Thể thức thi đấu ở Giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2022 có thêm lượt tứ kết đã mang đến nhiều bất ngờ về chuyên môn.
Đội bóng mạnh tại vòng bảng chưa chắc đã là đội lọt vào bán kết. Việc đội bóng chuyền nữ Bộ tư lệnh Thông tin thua Geleximco Thái Bình tại tứ kết, mất cơ hội lọt vào nhóm 4 đội bóng xuất sắc nhất là bất ngờ lớn. Không ai nghĩ đội nữ bóng chuyền Bộ tư lệnh Thông tin lại thua trận. Tuy nhiên, đối thủ Geleximco Thái Bình cũng phải vất vả trải qua 5 ván đấu mới vượt qua thầy trò huấn luyện viên Phạm Minh Dũng (Bộ tư lệnh Thông tin) trên đường giành cúp vô địch.
Năm nay, hai đội nam Thể Công và Biên phòng cũng không lọt vào bán kết do thua trận tại tứ kết. Chắc chắn, khi đã có đầy đủ ngoại binh và mùa giải năm sau trở lại với cách thi đấu 2 vòng như thông lệ, thì các đội bóng sẽ có thêm nhiều điều chỉnh chuyên môn tích cực, mang tới cho khán giả nhiều trận đấu đỉnh cao./.
Theo QĐND