Đội tuyển điền kinh Việt Nam gần như đã hết giải quốc tế ở quãng thời gian còn lại trong năm và lúc này chỉ là việc tập duy trì dù một số nội dung có nhắm tới mục tiêu sẽ tìm cơ hội tranh suất Olympic Paris (Pháp) 2024.
Quách Thị Lan đã dự Olympic 2020 tại Nhật Bản còn Nguyễn Thị Huyền dự Olympic 2016 tại Brazil nhưng khả năng họ có thể đạt chuẩn Olympic dự giải Olympic 2024 tại Pháp còn bỏ ngỏ. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG |
Ít giải cọ xát
Quách Thị Lan có thể là tuyển thủ cuối cùng của đội tuyển điền kinh Việt Nam thi đấu một giải điền kinh chính thức trong thời gian còn lại của năm. Cô và chuyên gia Simeonov vừa tham dự giải vô địch thế giới 2022, cả 2 đã trở về Việt Nam. “Theo lịch hoạt động, các giải quốc tế chính thức đã không còn nằm trong lịch thi đấu của đội điền kinh Việt Nam. Trước mắt các tổ nội dung vẫn tập duy trì chuyên môn. Có thể xem, mục tiêu hướng tới với các VĐV là giải vô địch quốc gia đồng thời nằm trong chương trình thi đấu Đại hội thể thao toàn quốc 2022”, Tổng thư ký Liên đoàn điền kinh Việt Nam đồng thời là phụ trách bộ môn điền kinh (Tổng cục TDTT) Nguyễn Mạnh Hùng trao đổi ngày 25-7.
Lẽ ra, điền kinh Việt Nam có thể có cơ hội dự giải vô địch châu Á tuy nhiên Liên đoàn điền kinh châu Á đã kết hợp giải đấu vào chương trình ASIA 19-2022 nên dù năm nay ASIAD 19-2022 không diễn ra thì giải vô địch châu Á cũng không tổ chức. Chưa kể, hệ thống giải Asian Grand Prix vốn tổ chức 3 vòng của Liên đoàn điền kinh châu Á bây giờ cũng đã bị bỏ.
“Muốn thi đấu thêm giải ngoài khu vực châu Á thì chỉ có thể đăng ký các giải tại khu vực châu Âu hoặc ở Mỹ nhưng để cử VĐV đi thì chi phí rất lớn. Chúng ta không có nguồn kinh phí mạnh nên không thể chi trả vài trăm triệu đồng cho mỗi lượt VĐV đi dự giải ở châu Âu”, ông Hùng chia sẻ thêm.
Chờ chuẩn
Vào lúc này, Liên đoàn điền kinh thế giới (IAAF) chưa công bố chính thức chuẩn dành cho các nội dung sẽ diễn ra vòng loại Olympic để các quốc gia tìm cơ hội dự Olymipc Paris (Pháp) 2024. Điền kinh Việt Nam cũng đặt mục tiêu tìm suất chính thức dự kỳ Olympic tại Pháp sau đây 2 năm nhưng cơ hội vẫn còn mong manh. Chúng ta từng có các suất chính thức ở các kỳ gần nhất là Olympic London (Anh) 2012 và Olympic Rio de Janeiro (Brazil) 2016 trong các nội dung đi bộ, nhảy cao, 400m.
Quách Thị Lan (400m, 400m rào) và Bùi Thị Thu Thảo (nhảy xa) đang là các nhà vô địch châu Á trong nội dung mà điền kinh Việt Nam sở hữu. Tuy nhiên, giới chuyên môn vẫn bỏ ngỏ khả năng họ có đủ sức tranh được suất chính thức đi Pháp thi đấu Olympic năm 2024 hay không. Quách Thị Lan từng dự Olympic Tokyo (Nhật Bản) và vô địch thế giới 2022 nhưng đều bằng suất mời.
“Hệ thống tính suất Olympic của điền kinh thế giới đang ngày càng khó bởi IAAF đưa ra những quy định cụ thể về suất cho VĐV có thứ hạng ở bảng xếp hạng thế giới như thế nào rồi VĐV vượt chuẩn ra sao. Quan trọng hơn, IAAF đang ngày càng khuyến khích VĐV của các quốc gia phải dự nhiều giải từ đó có cơ hội được tích điểm cũng như nhận suất Olympic có như thế phong trào thi đấu điền kinh mới phát triển”, ông Hùng nói tiếp. VĐV của Việt Nam ít cơ hội thi đấu giải quốc tế.
Năm 2023, các giải đấu được IAAF công nhận đủ tiêu chuẩn xét kết quả làm điều kiện tính chuẩn Olympic chính thức bắt đầu. Với điền kinh Việt Nam sẽ có 3 giải quan trọng không bỏ qua là SEA Games 32, ASIAD 19-2022 và giải vô địch thế giới nên thi đấu quốc tế rất bận rộn. Nằm trong nhóm những môn trọng điểm của thể thao Việt Nam, điền kinh vẫn được Tổng cục TDTT tạo điều kiện tối đa dự các giải quốc tế trong khả năng nguồn lực cho phép nhưng yếu tố con người quan trọng nhất vì không mãi vẫn chờ đợi ở Lan hay Thảo.
Đội điền kinh Việt Nam với một số tổ nội dung đang tập huấn tại Thái Lan và sẽ về Việt Nam vào ngày 3-8. Chuyến tập huấn là dịp thay đổi môi trường cho VĐV và mang ý nghĩa tập luyện chứ không thi đấu./.
Theo SGGP