Tập luyện thể dục thể thao (TDTT) không chỉ nâng cao sức khỏe, mang lại vóc dáng đẹp mà còn là giải pháp quan trọng để con người tìm lại sự cân bằng về tinh thần, giải tỏa những căng thẳng, mệt mỏi trước tác động của nhịp sống hiện đại ngày nay. Các địa phương trong tỉnh đã chú trọng đầu tư điều kiện thúc đẩy các hình thức tập luyện TDTT ngoài trời phù hợp với từng lứa tuổi, giới tính đã khích lệ phát triển phong trào thể thao quần chúng, thiết thực hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.
Phong trào bóng chuyền phát triển mạnh ở xã Hải Phúc (Hải Hậu). |
Tại thành phố Nam Định, các địa điểm ngoài trời là các công viên có không gian rộng rãi, thoáng mát, rợp bóng cây xanh; đặc biệt các vùng ven sông, hồ là nơi hoạt động TDTT lý tưởng cho mọi tầng lớp nhân dân. Đã từ lâu, công viên Vị Xuyên trở thành điểm tập thể dục của người dân Thành Nam. Sáng sớm mỗi ngày, dù mùa đông hay mùa hè, nhiều người có thói quen ra hồ Vị Xuyên tập luyện. Mỗi người chọn cho mình một môn thể thao phù hợp. Thanh niên chọn các môn nhanh, mạnh như: chạy, đá cầu, cầu lông, người già chọn các môn thư thái nhẹ nhàng như: đi bộ, dưỡng sinh. Bà Trần Thị Vân, 75 tuổi ở phường Quang Trung cho biết: “Vì tuổi cao, tôi chọn môn đi bộ để vận động nhẹ. Tôi thường đi bộ chừng 30 phút quanh hồ Vị Xuyên đều đặn vào mỗi buổi sáng. Dù bị tiểu đường, cao huyết áp nhưng sức khỏe của tôi vẫn khá ổn định. Tôi rất mừng khi công viên Vị Xuyên lắp đặt dụng cụ thể thao thông dụng, đơn giản và thích hợp với mọi đối tượng. Người dân có thêm nhiều sự lựa chọn hình thức tập luyện TDTT ngoài trời”. Ông Lê Văn Tuấn, 62 tuổi, ở phường Năng Tĩnh cho biết: “Mỗi ngày tôi đạp xe dọc đường đê sông Đào từ 30-45 phút. Đạp xe, hít thở không khí trong lành, tôi cảm thấy thư thái và nhẹ nhàng”. Thuận lợi của thành phố Nam Định trong phát triển phong trào TDTT là ngoài hệ thống cơ sở dịch vụ phòng tập thể thao trong nhà thì thành phố đã làm tốt công tác xã hội hóa huy động các nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng các sân chơi, mô hình thể thao ngoài trời. Đến nay, thành phố đã triển khai lắp đặt hệ thống thiết bị tập luyện TDTT ngoài trời tại 7 địa điểm trong các công viên, vườn hoa trải đều trên địa bàn, gồm: công viên Vị Xuyên (3 điểm), hồ Truyền thống (1 điểm), công viên Prato (1 điểm), vườn hoa Điện Biên (1 điểm), công viên khu đô thị Dệt (1 điểm). Mỗi điểm được lắp đặt các bộ dụng cụ: xà đơn, xà kép, xe đạp tựa lưng, tập lưng eo, tập tay vai, tập toàn thân, đi bộ trên không và tập lưng bụng. Bên cạnh đó, thành phố có 15 sân bóng đá cỏ nhân tạo tập trung ở các phường: Hạ Long, Cửa Nam, Lộc Hạ, Phan Đình Phùng, Khu công nghiệp Hòa Xá, các xã: Nam Vân, Nam Phong; gần 20 sân quần vợt, hàng chục sân cầu lông, đáp ứng nhu cầu tập luyện TDTT của nhân dân. Phong trào TDTT ở thành phố ngày càng phát triển với số lượng người tập luyện, số gia đình thể thao năm sau cao hơn năm trước. Nhiều CLB thể thao đa môn, đơn môn, các nhóm, điểm tập luyện TDTT ra đời; các hoạt động TDTT như: đi bộ, chạy, đá cầu, cầu lông, quần vợt, bóng bàn, bóng đá… ngày càng thu hút đông người dân tham gia tập luyện.
Ở huyện Hải Hậu, thực hiện Đề án “Xây dựng thí điểm NTM kiểu mẫu sáng - xanh - sạch - đẹp để phát triển bền vững giai đoạn 2019-2025” của UBND huyện, với quan điểm chỉ đạo về văn hóa: “Tiếp tục đầu tư nâng cấp các thiết chế văn hóa khu dân cư”, các xã, thị trấn đã lắp đặt các thiết bị TDTT ngoài trời ở các địa điểm công cộng như: nhà văn hóa, vườn hoa, công viên, nơi công cộng… đáp ứng nhu cầu tập luyện, nâng cao sức khỏe của người dân. Toàn huyện hiện có 183 khu thể thao thôn, xóm, tổ dân phố lắp đặt hơn 1.200 dụng cụ, trang thiết bị TDTT ngoài trời với tổng kinh phí trên 10 tỷ đồng, trong đó một phần từ nguồn ngân sách, 90% huy động nguồn xã hội hóa. Nhiều địa phương làm tốt việc huy động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ủng hộ, tài trợ kinh phí lắp đặt các dụng cụ tập luyện cho người dân. Trên các thiết bị TDTT đều ghi rõ chức năng, công dụng và chỉ dẫn chi tiết cách thức tập luyện để người dân tập đúng phương pháp, mang lại hiệu quả cao cho sức khỏe. Hiện tại trên địa bàn huyện đã cơ bản phủ khắp các bộ dụng cụ ngoài trời tại các khu dân cư và nhận được nhiều phản ánh tích cực từ phía người dân. Từ khi các thiết bị dụng cụ tập luyện TDTT ngoài trời được đưa vào sử dụng đến nay, mỗi ngày, các địa điểm công cộng trên địa bàn huyện đều thu hút đông đảo người dân đến tham gia tập luyện.
Ở các huyện: Xuân Trường, Ý Yên, Trực Ninh, Nam Trực, việc tập luyện thể thao của người dân cũng phát triển mạnh. Nhiều năm nay, khu vực công viên tượng đài Trường Chinh, thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường) luôn là điểm tập luyện các môn đi bộ, chạy, thể dục dưỡng sinh của nhiều người dân thị trấn và các xã lân cận. Trên tuyến đê biển các huyện: Hải Hậu, Giao Thủy, hàng ngày có đông người dân chạy việt dã, đi bộ, đạp xe. Trong SVĐ trung tâm huyện Ý Yên vào mỗi dịp hè luôn diễn ra các hoạt động giao lưu bóng đá trên 2 sân đất nện ngoài trời; CLB Teakwondo cho trẻ em với 50 võ sinh nhí tập luyện. Ở khắp 226 xã, phường, thị trấn trong tỉnh, số lượng sân TDTT ngoài trời ngày càng nhiều. Các địa phương đã xây dựng khu thể thao trung tâm xã, liên thôn, xóm với diện tích hàng trăm, hàng nghìn m2 để nhân dân tập luyện. Một số địa phương còn khó khăn về cơ sở vật chất thì người dân tận dụng sân của HTX nông nghiệp, sân trụ sở Đảng ủy, UBND xã, sân của gia đình để tập luyện. Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đến năm 2020, quỹ đất dành cho các hoạt động TDTT bình quân 2,5m2/người. Hệ thống các SVĐ, sân thể thao mini, bể bơi, các điểm, nhóm tập luyện ngoài trời… của các ngành, địa phương đã đáp ứng nhu cầu tập luyện, thi đấu TDTT và tổ chức các giải thể thao các cấp với gần 30 bể bơi các loại, gần 800 SVĐ có khán đài, gần 3.000 sân bóng chuyền, bóng rổ, quần vợt, cầu lông ngoài trời… Năm 2021, toàn tỉnh có 1.670 CLB TDTT các cấp; tỷ lệ người dân tập luyện TDTT thường xuyên chiếm 36,6% tổng dân số; tỷ lệ gia đình thể thao đạt 19,5% so với tổng số hộ.
Mặc dù phát triển mạnh nhưng các trang thiết bị, dụng cụ tập luyện TDTT ngoài trời vẫn thiếu so với nhu cầu tập luyện của người dân, nhất là ở các khu vực đô thị. Ở khu vực nông thôn, việc huy động đầu tư trang thiết bị tập luyện còn hạn chế, chỉ tập trung ở một số địa phương có phong trào TDTT phát triển. Nhiều sân thể thao ngoài trời còn khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện xuống cấp, thiếu hệ thống điện chiếu sáng... gây khó khăn cho người tập. Hoạt động thể thao ngoài trời hầu hết là tự phát nên có nơi còn lộn xộn, ảnh hưởng đến trật tự đô thị, an toàn giao thông. Đó là những vấn đề cần được ngành Văn hóa và các địa phương quan tâm, phối hợp tìm giải pháp khắc phục.
Sự phát triển của phong trào TDTT quần chúng với đa dạng các hình thức tập luyện đã đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, nâng cao sức khỏe, tạo ra sức đề kháng, “lá chắn” quan trọng cho mỗi người, mỗi nhà trong phòng, chống dịch bệnh góp phần đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng