Nhìn vào thành tích của thể thao Việt Nam tại SEA Games 31 đến thời điểm này, chắc nhiều người vẫn nghĩ về một thời “ao làng” như đã thành thông lệ khi đoàn thể thao các nước đăng cai tổ chức đều dẫn đầu bảng xếp hạng thành tích huy chương. Và thực tế đáng buồn trước đó là có thật khi Ban Tổ chức dành những ưu tiên, thiên vị cho vận động viên nước chủ nhà, thậm chí làm mọi cách để có được càng nhiều huy chương càng tốt. Nếu chỉ dựa vào số lượng huy chương và theo cách nghĩ đó, chúng ta cũng sẽ có những nghi ngại. Nhưng, nếu soi rọi dưới góc nhìn thực chất có thể thấy hoàn toàn không như vậy.
Đây là đại hội mà lãnh đạo Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ban Tổ chức SEA Games 31 từng khẳng định sẽ có những đổi mới, tổ chức công bằng, khách quan hay nói một cách đơn giản như dân thể thao là “chơi đẹp”. Nước chủ nhà SEA Games 31 đã không tận dụng vị trí của mình để đưa vào “môn lạ” hoặc loại bỏ các nội dung thế mạnh của các đoàn khác để kiếm huy chương. Điều này có thể thấy qua số lượng 40 môn thể thao và 524 nội dung thi đấu, phần lớn là các môn trong hệ thống thi đấu Olympic và ASIAD. Những đổi mới này mang tính bước ngoặt so với nhiều kỳ đại hội trước, nâng cao hơn chất lượng chuyên môn, sự công bằng, khách quan và đua tranh lành mạnh. Hơn tất cả, nước chủ nhà đã và đang muốn thông qua đại hội lần này để mang lại những thay đổi thực chất, góp phần giúp thể thao khu vực thoát khỏi vùng trũng của thể thao, từng bước vươn tầm đến châu lục và thế giới.
Chuẩn bị cho một kỳ SEA Games thực chất như chỉ đạo của Chính phủ và mục tiêu đề ra, trong hai năm qua, cho dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch COVID-19, bên cạnh việc nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành thể thao Việt Nam là đầu tư chuẩn bị lực lượng không chỉ cho kỳ đại hội này mà còn nhìn xa hơn đến đấu trường châu lục và thế giới. Chúng ta đã có những đầu tư trọng tâm, trọng điểm cho các môn thi đấu cơ bản của Olympic và ASIAD, có cơ chế, chính sách đầu tư tập trung, đãi ngộ, bồi dưỡng với các vận động viên thể thao đỉnh cao chủ lực và cả lứa tài năng trẻ có nhiều triển vọng.
Có thể nói, sự quan tâm và một chiến lược đào tạo trẻ bài bản đã giúp chúng ta từng bước xây dựng nền thể thao phát triển ổn định và bền vững khi liên tục lọt vào tốp ba đoàn dẫn đầu ở các kỳ SEA Games. Tuy chủ yếu phải tập luyện trong nước chuẩn bị cho SEA Games 31 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, một số đội tuyển và vận động viên ở các môn thể thao trọng điểm vẫn được tạo điều kiện tối đa để tập huấn ở nước ngoài hoặc được thuê các chuyên gia, huấn luyện viên nước ngoài có trình độ giỏi hướng dẫn chuyên môn. Đó là một trong những nỗ lực đã làm nên thành công hôm nay mà chúng ta không thể phủ nhận.
Cùng với các cố gắng trong công tác quản lý phải kể tới quyết tâm của đội ngũ lãnh đạo, huấn luyện viên, vận động viên. Có những đội tuyển đã phải “cấm trại” nhiều tháng ở các trung tâm, có những huấn luyện viên, vận động viên phải xa nhà cả năm qua để chuyên tâm tập luyện, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh vì một mục tiêu hướng tới SEA Games 31. Hình ảnh xúc động nhất khi nữ võ sĩ kurash Tô Thị Trang, người giành Huy chương Vàng đầu tiên cho thể thao Việt Nam ở kỳ SEA Games này đã bật khóc khi nghe tin cha cô qua đời vì trọng bệnh. Hay như nữ kiếm thủ Bùi Thị Thu Hà phải dứt lòng xa con nhỏ mới sinh để trở lại sàn tập và đoạt Huy chương Vàng... Còn nhiều nữa những tấm gương vượt khó như thế ở các đội tuyển để theo đuổi đam mê, khao khát chinh phục những đỉnh cao thể thao, mang vinh quang về cho Tổ quốc.
Những chuẩn bị chu đáo và kỹ lưỡng, đi vào thực chất với tầm nhìn rộng mở cùng quyết tâm cao đã và đang giúp thể thao Việt Nam gặt hái một mùa bội thu. SEA Games này sẽ là bước tạo đà hứng khởi cho tương lai khi lứa vận động viên vàng của đại hội hôm nay bước đến những đấu trường châu lục và thế giới phía trước./.
Theo Báo Nhân Dân