Năm 2021, ngành thể thao lao đao vì dịch COVID-19. Bù lại, những bài học kinh nghiệm rút ra từ việc phòng, chống dịch COVID-19 chắc chắn sẽ có ích cho năm tới, khi thể thao nước nhà có nhiều sự kiện quan trọng, từ tổ chức SEA Games lần thứ 31 (SEA Games 31), dự ASIAD ở Hàng Châu (Trung Quốc), cho tới Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX...
Năm nay, việc V-League bị hủy giữa chừng là điều đáng suy ngẫm nhất. Thời điểm hủy giải vào tháng 8, V-League mới diễn ra được 12 vòng (84 trận đấu), giải hạng nhất mới qua 7 vòng (41 trận đấu). Giải đấu quan trọng nhất của bóng đá Việt Nam bị hủy giữa chừng ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của các cầu thủ, các đội bóng/câu lạc bộ (CLB). Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã nỗ lực đàm phán với các đối tác tài trợ nhằm đạt được thỏa thuận theo điều khoản bất khả kháng của hợp đồng. Dịch COVID-19 khiến đời sống thể thao nước nhà liêu xiêu. Thậm chí có CLB phải tạm ngừng hoạt động, như CLB Bóng đá Than Quảng Ninh. Hàng chục nghìn doanh nghiệp giải thể trong năm 2021, kéo theo việc xã hội hóa, đầu tư, tài trợ cho thể thao cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều đội bóng, CLB phải cắt giảm lương của vận động viên (VĐV) từ 20% đến 70%. Lương ít, nhiều cầu thủ phải đi làm thuê kiếm sống, từ chạy grab, bán hàng online cho đến phụ gia đình gom giấy vụn, chế biến hải sản...
Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), các hiệp hội, liên đoàn khác, rồi cả lãnh đạo Tổng cục TDTT, Ủy ban Olympic Việt Nam lo mất ăn, mất ngủ khi dịch chồng dịch, hàng loạt giải đấu bị hủy, hoãn. Tuy nhiên, điều ngành thể thao lo lắng chính là việc chỉ còn hơn 5 tháng nữa là đến ngày khai mạc SEA Games 31 nhưng tới nay, kinh phí tổ chức đại hội khoảng 1.000 tỷ đồng chưa được phân bổ. Trong lúc chờ phân bổ kinh phí phục vụ công tác tổ chức SEA Games 31, với phương châm “vượt khó an toàn về đích”, ngành thể thao tự tin tổ chức hàng loạt giải đấu vô địch quốc gia trong hai tháng cuối năm. Ông Trần Đức Phấn, Phó tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục TDTT cho hay: “Ngành thể thao căn cứ Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ để tổ chức các giải đấu cho phù hợp với quy định chung. Mục tiêu đặt ra là cố gắng tổ chức hết các giải đấu để đánh giá phong độ và thành tích chuyên môn của các VĐV do những tác động của dịch COVID-19. Ngành thể thao mong muốn các địa phương cùng chung tay tháo gỡ khó khăn và tìm phương án hiệu quả để đạt được mục đích chung”.
Thể thao Việt Nam thiếu hụt lực lượng ở tuyến kế cận, chưa nhìn thấy ai đủ sức thay thế Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Ánh Viên (bơi), Tiến Minh (cầu lông). Hiện nay, mức lương trung bình của một VĐV đội tuyển quốc gia khoảng 7 triệu đồng/tháng. Lương như vậy, muốn VĐV “sống-chết” với nghề thì quả là khó. Muốn có nguồn lực tài chính để phát triển mạnh mẽ, theo đuổi những chiến lược đầu tư khoa học, ngành thể thao buộc phải tìm kiếm, trông chờ vào việc xã hội hóa thông qua Ủy ban Olympic Việt Nam, Tổng cục TDTT, các liên đoàn, hiệp hội. Ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 1, phân tích: “Thể thao Việt Nam chưa bám sát chiến lược, đường lối phát triển ngành đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2010, cũng như chưa nghiêm túc thực hiện tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đầu tư cho TDTT, đặc biệt thể thao thành tích cao để xây dựng nguồn lực”.
Ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của ngành thể thao thời gian qua, tại Đại hội đại biểu Ủy ban Olympic Việt Nam khóa VI (nhiệm kỳ 2021-2026), Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiêm Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Nguyễn Văn Hùng, khẳng định: “Thời gian tới, chiến lược phát triển TDTT phải có bước tiến hài hòa cùng các lĩnh vực văn hóa, du lịch... tạo thành sức mạnh tổng hợp, thúc đẩy, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Trong đó, TDTT phải đóng vai trò chủ đạo đối với sự nghiệp bảo vệ, nâng cao sức khỏe, tạo dựng nhân cách và lối sống lành mạnh của các thế hệ người Việt Nam”. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng hạ quyết tâm: “Sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với ngành giáo dục để phát triển thể thao học đường, phải xây dựng chân đế của thể thao đủ mạnh bằng việc đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng thế hệ kế thừa, quan tâm đến chế độ. Bên cạnh đó, phải chuẩn bị thật tốt cho việc đăng cai SEA Games 31 vào tháng 5-2022”.
Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng trong năm 2021, ngành thể thao đã linh hoạt tổ chức các giải đấu, với đích nhắm đến cao nhất là tạo sân chơi, giúp VĐV, tuyển thủ quốc gia duy trì được phong độ. Cho dù đội tuyển bóng đá nam nước nhà thua 6 trận liên tiếp ở vòng loại cuối cùng World Cup 2022 khu vực châu Á, nhưng phải ghi nhận đây là lần đầu tiên bóng đá Việt Nam tiến xa đến vậy. Những trận thua sẽ giúp huấn luyện viên Park Hang-seo biết rõ thực lực của bóng đá nước nhà so với các nền bóng đá hàng đầu châu lục; qua đó có sự chuẩn bị tốt hơn cho những giải đấu trong tương lai./.
Theo Báo QĐND