Ông Hoàng Vĩnh Giang (1946 - 2021) được đánh giá là một trong những nhà chiến lược thể thao biết nhìn xa trông rộng và “kiến trúc sư trưởng” của thể thao Việt Nam. Ông có công gây dựng lại những môn thể thao một thời gian dài bị cấm, mang về những môn mới và nâng tầm nhiều môn khác cho thể thao Việt Nam.
Trong hơn 30 năm qua, có lẽ không nhiều nhà lãnh đạo thể thao lại hội tụ cả tài uy lẫn tâm huyết như ông Hoàng Vĩnh Giang. Dù không sở hữu bộ nhiều huy chương của nhà vô địch, ngoài kỷ lục nhảy cao quốc gia trong suốt 32 năm (1964 - 1996), nhưng ông lại sở hữu danh sách nhiều nhà vô địch do ông chăm lo, đào tạo. Thể thao Việt Nam giành được vị thế vượt bậc trong 20 năm (1990 - 2010) có phần đóng góp rất lớn của ông.
Ảnh: Vietnamplus |
Thời trẻ, ông Hoàng Vĩnh Giang từng du học tại Học viện Thể thao Kiev (Cộng hòa Ukraine, thuộc Liên Xô trước đây) chuyên ngành quản lý thể thao.
Ông từng chia sẻ: 5 năm dùi mài kinh sử cộng thêm ba năm nghiên cứu sinh, khi về nước, tôi đã tự nhủ trong lòng phải thiết kế lại thể thao Hà Nội nói riêng và cũng là giúp thể thao Việt Nam nói chung lộ trình tiến ra khu vực và châu lục. Hành trang mà ông mang về nước là mấy container, nhưng không phải hàng hóa mà các dụng cụ luyện tập võ thuật như lưỡi kiếm, mặt nạ, hình nộm, trang phục chuyên dụng và rất nhiều tài liệu, lý thuyết để giảng dạy các môn võ, vật, điền kinh, đấu kiếm, judo, boxing..., góp phần quan trọng cho sự phát triển của thể thao đỉnh cao Việt Nam sau này.
Trong quá trình thể thao nước nhà hội nhập lại với thể thao Đông Nam Á, chủ trương của ông Hoàng Vĩnh Giang là “đi tắt, đón đầu, bằng cách nhanh nhất để đạt thành tích cao nhất”.
Thời gian làm Giám đốc Sở Thể dục, Thể thao Hà Nội, ông đã giúp thể thao Hà Nội và Việt Nam đào tạo nên thế hệ vận động viên (VĐV) có bước nhảy vọt thành tích, giành vị trí nhất toàn đoàn ở SEA Games 22 năm 2003 tổ chức trên sân nhà. Đây là cột mốc mới của thể thao Việt Nam, từ nhóm dưới đã vươn lên và từ đó chưa bao giờ rớt khỏi tốp ba của thể thao khu vực. Thành công đó có phần từ những tính toán và cách làm bài bản, căn cơ và chiến lược hoạch định dài hơi trước đó của ông Hoàng Vĩnh Giang.
“Kiến trúc sư trưởng” Hoàng Vĩnh Giang đã góp phần đưa nhiều VĐV đi tập huấn ở Trung Quốc và nước ngoài, góp phần tạo nên sức bật cho nhiều môn thể thao điển hình như các môn võ thuật và nhiều môn mũi nhọn khác: điền kinh, cầu lông, bắn súng, thể dục dụng cụ, đấu kiếm, wushu, taekwondo, judo, vật... Nhiều thế hệ thể thao với hàng trăm VĐV đã thành danh nhờ chiến lược này như: Phương Lan, Thúy Hiền, Duy Kiếm, Thanh Xuân (wushu); Nguyễn Thị Tĩnh, Lan Anh, Chí Đông (điền kinh); Ngân Thương (thể dục)... Nhiều địa phương trong nước cũng đã học theo cách làm thể thao này của Hà Nội.
Trong vai trò Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic châu Á và Phó Chủ tịch Hội đồng Thể thao châu Á, ông Hoàng Vĩnh Giang có đóng góp rất lớn cho thể thao Việt Nam khi là nhà lãnh đạo tinh thông ba ngoại ngữ Nga, Trung, Anh, hoạt động trên nền tảng vững chắc của văn hóa giao tiếp với nhiều yếu nhân của thể thao quốc tế. Việc đưa một số đại hội thể thao về Việt Nam như: SEA Games 2003, Đại hội thể thao châu Á trong nhà 2009, Đại hội thể thao bãi biển châu Á 2016... có sự đóng góp rất lớn của ông.
Năm 2006, ông Hoàng Vĩnh Giang vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Sáu năm sau, ông được Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) trao tặng giải thưởng quốc tế vì có nhiều đóng góp vào sự phát triển của phong trào Olympic Việt Nam và phong trào Olympic quốc tế.
Ông yêu võ thuật, dâng hiến nhiều thời gian và tâm lực cho võ thuật. Ông tập trung xây dựng wushu, kiếm thuật, karatedo, taekwondo, pencak silat... nhưng không bỏ rơi bất cứ bộ môn thể thao hứa hẹn nào khác. Khi làm Giám đốc Sở Thể dục, Thể thao Hà Nội, đồng thời là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam ông đã góp phần tích cực thúc đẩy thể thao phát triển ở mọi tỉnh, thành phố. Ở cương vị nào, ông cũng đều để lại dấu ấn với sự quyết đoán và những quyết định mang lại hiệu quả cao.
Giống như nhiều tài năng lớn, trời phú cho ông Hoàng Vĩnh Giang sự hào hoa phong nhã, cơ thể tràn trề năng lượng, một trí tuệ đáng nể và một trái tim đầy yêu thương. Ngoài đời, ông khá cởi mở, sẵn sàng trao đổi với các đồng nghiệp, huấn luyện viên, VĐV và báo giới.
“Tôi luôn mong mỏi thể thao nước nhà vững ở tốp đầu khu vực Đông Nam Á; còn trước hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á thì chúng ta cũng không bao giờ thua kém. Khi SEA Games quay trở lại Việt Nam, tôi tin chúng ta một lần nữa khiến bạn bè quốc tế biết được thể thao của mình phát triển và mạnh mẽ như thế nào” - ông từng chia sẻ.
Một đời tài hoa khép lại, để lại dấu ấn đậm nét với thể thao Việt Nam./.
Theo Báo Nhân Dân