Nghe thì có vẻ ngược đời bởi thông thường, futsal Việt Nam phải cất cánh tới World Cup từ bệ phóng là hệ thống đào tạo, các giải đấu chuyên nghiệp, cơ sở vật chất trong nước… Nhưng với futsal Việt Nam, điều đó lại là sự thật bởi sự phát triển của futsal trong nước có vẻ như chưa tương xứng với thành tích của đội tuyển.
Cần phát triển phong trào rộng khắp
Phân tích về vấn đề này, bình luận viên Ngô Quang Tùng cho biết, chúng ta thiếu quá nhiều yếu tố để có một nền futsal mạnh, làm sức bật cho đội tuyển. Cái chúng ta thiếu trước tiên là phong trào futsal không đủ rộng nên lực lượng luôn mỏng. Do không có phong trào, không có một hệ thống đào tạo trẻ cơ bản nên hầu hết các cầu thủ trong đội tuyển đều đến với futsal khá muộn hoặc chuyển từ bóng đá 11 người sang. Nếu các cầu thủ được tiếp cận futsal ngay từ khi bắt đầu chơi bóng, sớm hơn khoảng 5 năm thì sự tích luỹ và thích nghi của cơ thể với môn thể thao này đã khác.
Đồng quan điểm rằng phong trào futsal ở nước ta còn chưa phát triển, chưa làm chân đế vững chắc cho giải vô địch quốc gia, Tiến sĩ Quản lý thể thao về bóng đá chuyên nghiệp ở Việt Nam và Thái Lan Huỳnh Trí Thiện cho rằng, nếu muốn có giải vô địch quốc gia mạnh thì phong trào futsal phải rộng khắp. “Tại Thái Lan, phong trào futsal phát triển rất mạnh. Khi đi trên đường phố, bạn có thể dễ dàng quan sát thấy phía dưới các cầu vượt sẽ là sân thi đấu dành cho các môn thể thao như futsal hoặc Muay Thái. Đặc biệt cách phát triển môn futsal của người Thái không hề tốn kém. Sân chơi futsal ở Thái không phải là sân cỏ nhân tạo như ở nước ta mà là sân bằng xi măng rất rẻ và tiện dụng. Tại các trường học, hệ thống sân cũng rất nhiều và học sinh có thể ở lại chơi vào buổi chiều sau khi kết thúc giờ học chứ không phải dùng sân để kinh doanh sau giờ học như một số trường có sân ở Việt Nam. Chính vì thế trẻ em ở Thái Lan được tiếp cận với futsal rất dễ dàng đơn giản, ngay từ bé và vì thế phong trào futsal ở Thái Lan phát triển rất rộng, làm bệ phóng cho các giải đấu trong nước cũng như việc tìm kiếm tài năng”, TS Thiện phân tích.
Cũng theo TS Thiện, việc đầu tư của Thái Lan cho sự phát triển của phong trào futsal sẽ ít tốn kém hơn việc đầu tư cho sân bóng 11 người. Thêm một yếu tố nữa là chỉ cần một đôi giày bata, trẻ em, người lớn đã có thể chơi futsal chứ không cần phải dùng giày chuyên dụng như giày đinh của sân bóng 11 người. “Vấn đề chỉ là các địa phương, các CLB có xác định được là có đầu tư cho môn futsal hay không mà thôi. Dù việc đầu tư không tốn kém nhưng chơi futsal khá khó về kỹ thuật nên lại cần một đội ngũ HLV để phổ biến, hướng dẫn phong trào. Hy vọng rằng sau cú hích mang tên World Cup này phong trào futsal ở nước ta sẽ phát triển mạnh hơn để từ đó chúng ta có một hệ thống giải quốc gia chuyên nghiệp, đủ mạnh, làm chân đế cho đội tuyển quốc gia vươn tới đấu trường World Cup trong 5-10 năm tới”, TS Thiện chia sẻ.
Tạo bệ phóng từ việc nâng cấpgiải vô địch quốc gia
Giải vô địch quốc gia futsal Việt Nam hiện có 12 đội tham dự, nhưng không thi đấu theo thể thức League (đá sân nhà - sân khách, vòng tròn 2 lượt tính điểm) như ở các nước phát triển. Mỗi mùa giải vô địch quốc gia futsal Việt Nam thường chỉ kéo dài trong 3, 4 tháng, được chia làm 2 giai đoạn và các đội bóng thi đấu tập trung ở một địa điểm. Với thể thức hiện tại, một mùa giải vô địch quốc gia futsal Việt Nam sẽ có tổng cộng 90 trận đấu. Mỗi đội được thi đấu 18 trận mỗi mùa. Đây là một con số rất hạn chế. Trong khi đó, nếu tổ chức theo thể thức League, mỗi đội có thể được thi đấu 22 trận mỗi mùa.
Vì thế bình luận viên Ngô Quang Tùng cho rằng muốn futsal Việt Nam phát triển, bên cạnh việc phát triển phong trào rộng khắp, chúng ta cần phải nâng cấp hệ thống giải đấu trong nước, nhất là giải vô địch quốc gia. từ việc nâng cấp giải vô địch quốc gia thì các CLB futsal cũng phải dần tiến theo mô hình chuyên nghiệp, tức là có hệ thống đào tạo trẻ. Bên cạnh đó các cầu thủ cũng cần phải được thi đấu, cọ xát quốc tế nhiều hơn nữa. “Việc thi đấu cọ xát có thể đến từ 2 cách, hoặc là cho các cầu thủ ra nước ngoài thi đấu, tập huấn nhiều hơn hoặc nâng cấp giải vô địch quốc gia để mở cửa đón nhận các cầu thủ nước ngoài vào thi đấu”, bình luận viên Ngô Quang Tùng nói.
Một điều nữa là giải vô địch quốc gia cũng phải nâng cao tính cạnh tranh, bởi nếu cuộc chiến tranh ngôi vô địch chỉ quanh đi quẩn lại ở một hai đội thì sẽ bớt thú vị, khó lôi kéo người xem và khó phát triển phong trào rộng ở các địa phương khác. Khi các giải đấu được nâng cấp ở trong nước rồi được ra nước ngoài thi đấu, các cầu thủ sẽ sớm được cọ xát nhiều hơn và khi ấy, khoảng 5-10 năm nữa, đội tuyển của chúng ta sẽ đến với World Cup bằng gương mặt mới, lối chơi mới.
Nói đến những thành công của futsal Việt Nam trong thời gian qua, giới chuyên môn không ai là không nhắc đến vai trò của ông Trần Anh Tú, Chủ tịch HĐQT Công ty VPF. Ông Tú là người đã dày công xây dựng futsal và hiện đang sở hữu 2 đội bóng là Thái Sơn Nam và Thái Sơn Bắc. Tuy nhiên, muốn futsal Việt Nam phát triển mạnh hơn thì cần sự chung tay của nhiều nhà tài trợ. Ngay sau thành tích vẻ vang của đội tuyển futsal, ông Tú hy vọng sẽ có nhiều nguồn lực đến đầu tư cho futsal và cùng chung tay với VFF để cho nhiều CLB futsal mạnh hơn. Điều đó mới góp phần cho futsal phát triển bền vững và lâu dài./.
Theo baovanhoa.com.vn