Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, trong ngày thi đấu chính thức thứ 6 của Paralympic Tokyo 2020, đoàn thể thao Ủy ban Paralympic Nga (RPC) đã chiếm lại vị trí thứ 3 từ đoàn thể thao Mỹ, trong khi Trung Quốc vẫn vững chắc ở ngôi đầu.
Ngày 30-8, đoàn thể thao Trung Quốc giành được 15 huy chương, nâng tổng số huy chương của mình lên con số 119, trong đó có 54 HCV, 35 HCB và 30 HCĐ, nhiều hơn 28 HCV so với Vương quốc Anh - đoàn đang đứng ở vị trí thứ 2 trên bảng tổng sắp. Trong khi đó, đoàn thể thao RPC đã tái chiếm lại vị trí thứ 3 khi giành thêm 4 HCV, 2 HCB và 3 HCĐ, trong khi Mỹ chỉ giành thêm được 2 HCV, 3 HCB và 3 HCĐ, tạm đứng ở vị trí thứ 4.
VĐV Trung Quốc Dai Yunqiang tranh tài ở chung kết nội dung đua xe lăn 400m nam, hạng T54, tại Paralympic Tokyo 2020, Nhật Bản, ngày 29/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN |
Đối với đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam, các vận động viên bơi lội vẫn thất bại trong nỗ lực kiếm tìm huy chương. Kình ngư Trịnh Thị Bích Như đấu loại ở nội dung 50m bơi bướm nữ, hạng thương tật S6. Mặc dù đã cố gắng hết sức nhưng Bích Như vẫn về cuối với thành tích 42,60 giây, nhiều hơn 5,76 giây so với người về nhất ở lượt đấu này. Chung cuộc, Bích Như xếp ở vị trí thứ 14 trong số 15 vận động viên tham dự đấu loại.
Cùng ngày, kình ngư Võ Thanh Tùng thi đấu vòng loại nội dung 50m bơi ngửa nam, hạng thương tật S5. Thanh Tùng thi đấu ở lượt 2, làn số 2, cùng với 7 vận động viên khác. Anh kết thúc lượt đấu với thành tích 40,07 giây, nhiều hơn 5 giây so với người về nhất ở lượt đấu này. Với thành tích đó, anh chỉ xếp thứ 12/13 vận động viên.
Tính đến ngày 30-8, đã có 78 đoàn giành được ít nhất một huy chương, trong đó khu vực Đông Nam Á có 5 đoàn, trong đó Thái Lan có 1 HCV, 1 HCB, 3 HCĐ, tạm xếp ở vị trí thứ 32; Malaysia có 1 HCV, 1 HCB, xếp ở vị trí thứ 43; Singapore có 1 HCV, vị trí thứ 60; Indonesia có 1 HCB, 2 HCĐ, xếp ở vị trí thứ 48; và Việt Nam có 1 HCB, xếp ở vị trí thứ 63./.
Theo TTXVN