Trong ngày thi đấu thứ chín tại Olympic Tokyo 2020, đội tuyển Mỹ đã kết thúc những nội dung cuối cùng của môn bơi và giữ vững ngôi vị số 1 khi giành được tổng cộng 11 Huy chương vàng (HCV), 10 Huy chương bạc (HCB) và chín Huy chương đồng (HCĐ) tại Thế vận hội lần này. Đồng thời vươn lên vị trí thứ hai trên bảng xếp hạng thành tích, đoàn Trung Quốc vẫn dẫn đầu với hai HCV được bổ sung trong hôm qua. Ngày thi đấu hôm qua cũng ghi nhận sáu kỷ lục Olympic và hai kỷ lục thế giới được xác lập.
Trong năm nội dung thi đấu cuối cùng ở môn bơi diễn ra ngày 1/8, đã có một kỷ lục thế giới và bốn kỷ lục Olympic được xác lập. Đội tuyển bơi Mỹ khép lại một kỳ Olympic thành công khi đoạt HCV bơi 4x100 m hỗn hợp nam với thành tích 3 phút 26 giây 78, phá kỷ lục Olympic, đồng thời phá luôn kỷ lục thế giới do chính các vận động viên (VĐV) đồng hương của họ xác lập từ năm 2009.
“Kình ngư” Caeleb Dressel giành ba HCV cá nhân, hai HCV đồng đội cùng đội tuyển bơi Mỹ tại Olympic năm nay. Ảnh: JAPAN TIMES |
Với việc đoạt 11 HCV tại kỳ Thế vận hội lần này, đoàn Mỹ khẳng định vị trí dẫn đầu môn bơi, trong đó “kình ngư” Caeleb Dressel thi đấu xuất sắc, giành ba HCV cá nhân, hai HCV đồng đội và cả năm lần đều phá kỷ lục Olympic, hai lần phá kỷ lục thế giới. Trước đó, ngay ở đợt thi chung kết 50 m tự do nam hôm qua, Caeleb Dressel đã giành HCV, phá kỷ lục Olympic với thành tích mới 21 giây 07, phá kỷ lục cũ 21 giây 30 do VĐV Cielo Cesar của Brazil lập tại Olympic Bắc Kinh 2008.
Đội tuyển bơi Australia cũng đã khép lại một kỳ thế vận hội thành công sau khi giành thêm hai HCV, phá hai kỷ lục Olympic. Trong đó, VĐV Mckeon Emma vô địch nội dung bơi 50 m tự do nữ sau 23 giây 81, xác lập kỷ lục Olympic mới, đội bơi 4x100 m hỗn hợp nữ cũng giành HCV cuối cùng cho đội nhà, lập thêm kỷ lục Thế vận hội mới để khép lại bảng thành tích giành chín HCV của đội tuyển bơi Australia tại Nhật Bản.
Trên sân điền kinh, nội dung nhảy ba bước nữ, ngay ở lần nhảy đầu tiên của mình, VĐV Rojas Yulimar của Venezuela đã đạt thành tích ấn tượng 15 m 41, phá kỷ lục Olympic lập năm 2008 là 15 m 39. Tưởng như sẽ giành HCV và chỉ phá kỷ lục Olympic thì ở lần nhảy cuối cùng (lần thứ sáu), Yulimar đã xuất sắc đạt thành tích nhảy xa tới 15 m 67, đồng thời phá luôn một trong những kỷ lục thế giới tồn tại lâu nhất 26 năm từ năm 1995, trùng với năm sinh của chị, do VĐV người Ukraine là Kravest Inessa lập tại Thụy Điển là 15 m 50. Thành tích này giúp VĐV cao 1 m 92 thâu tóm cả hai kỷ lục thế giới về nhảy ba bước nữ. Trước đó, chị từng lập kỷ lục nhảy ba bước nữ thế giới trong nhà là 15 m 43.
Hôm nay, đại diện duy nhất của điền kinh Việt Nam dự Thế vận hội là Quách Thị Lan sẽ tranh tài ở nội dung chạy 400 m vượt rào nữ. Thành tích để vào bán kết của Quách Thị Lan là 55 giây 71, thấp nhất trong số 24 chân chạy cự ly này. 24 VĐV dự bán kết sẽ được chia làm ba đợt chạy, mỗi đợt chạy lấy hai VĐV có thành tích tốt nhất và hai VĐV xếp thứ ba có thành tích tốt nhất vào chung kết. Nếu muốn vào chung kết, Quách Thị Lan sẽ phải phá rất sâu kỷ lục quốc gia 55 giây 30 của chính mình bởi kỷ lục này chỉ hơn thành tích 55 giây 54 của duy nhất VĐV người Italia lập ở vòng loại nội dung này, nhưng khả năng này là rất nhỏ.
Chiều nay (2/8), đội tuyển nữ Mỹ sẽ đối đầu đội tuyển nữ Canada trong trận bán kết thứ nhất bóng đá nữ Olympic Tokyo 2020. Đây là trận derby Bắc Mỹ được đánh giá “cân tài, cân sức” qua những gì hai đội bóng đã thể hiện ở vòng bảng và vòng tứ kết. Đội Mỹ có phong độ không thật ổn định và có phần sa sút so với khi họ vô địch World Cup 2019. Họ chỉ có một chiến thắng đậm 6-1 trước đội bóng yếu New Zealand, hòa không bàn thắng trước Australia và thua cách biệt 0-3 trước Thụy Điển ở vòng bảng, xếp thứ nhì bảng G, nhưng lại thắng đội bóng mạnh Hà Lan ở tứ kết trên chấm đá phạt luân lưu 11 m sau 120 phút thi đấu hòa 2-2. Nếu đánh giá đúng, chiến thắng của họ trước Hà Lan có phần may mắn và chắc chắn họ sẽ phải rất vất vả trước Canada ở trận bán kết này và không dễ đánh bại đối thủ trong hai hiệp đấu chính thức.
Về phía đội nữ Canada, thành tích của họ cũng không mấy thuyết phục khi ở vòng bảng chỉ có một trận thắng với tỷ số sít sao và hai trận hòa không vượt quá một bàn thắng trước các đội tuyển nữ ngang sức là: Chile, Anh, Nhật Bản và thắng đội bóng mạnh của Nam Mỹ là Brazil ở vòng tứ kết bằng loạt đá luân lưu 11 m sau khi hòa 0-0 sau 120 phút thi đấu. Điều đáng nói là trên hành trình vào bán kết, Canada không để thua trận nào và có thể họ sẽ làm nên chuyện trước đội Mỹ. Tuy lịch sử có vẻ đang nghiêng về phía đội Mỹ qua bốn lần đụng độ với Canada từ năm 2017 đến nay khi đội Mỹ có hai chiến thắng với tỷ số cách biệt hai bàn, một trận thắng 1-0 và chỉ có một trận hòa 1-1, nhưng nhìn chung, giới chuyên môn vẫn đặt niềm tin vào Canada, nếu họ tiếp tục chơi phòng ngự chắc chắn và hàng công dứt điểm hiệu quả hơn.
Ở trận bán kết còn lại tối nay, đội tuyển nữ Thuỵ Điển sẽ gặp lại đối thủ ở vòng bảng là đội tuyển nữ Australia. Hiện tại, Thụy Điển đang là ứng cử viên sáng giá nhất cho ngôi vô địch sau loạt trận toàn thắng ở vòng bảng và tứ kết trước các đội bóng mạnh như Mỹ, Nhật Bản với cách biệt hai bàn trở lên. Đội bóng của Bắc Âu đã thắng cách biệt Australia 4-2 ở vòng bảng bằng một cuộc “lội ngược dòng” ngoạn mục khi bị đối thủ dẫn trước tới 2-1 trong suốt hiệp một và đầu hiệp hai. Trong khi đó, phong độ của Australia khá thất thường. Họ chỉ có một trận thắng, một trận hòa và một trận thua ở vòng bảng trước các đối thủ: New Zealand, Mỹ và Thụy Điển, còn ở tứ kết Australia phải rất chật vật mới vượt qua Anh trên chấm đá phạt luân lưu 11 m sau khi hòa 2-2 ở 120 phút thi đấu. Trong sáu trận gần đây nhất, Thụy Điển thắng Australia bốn trận và chỉ hòa hai trận. Đánh giá tổng thể, Australia rất khó để có thể giành chiến thắng trước đội bóng của Bắc Âu có sức mạnh vượt trội về mọi mặt./.
Theo Báo Nhân Dân