Thể thao Việt Nam đã kết thúc thi đấu tại Olympic Tokyo 2020 và nhìn vào tổng thể, nền thể thao của chúng ta đã bị tụt lại về thành tích trước những quốc gia cùng trong khu vực Đông Nam Á. Trưởng đoàn thể thao Việt Nam - ông Trần Đức Phấn đã bày tỏ, sau Olympic Tokyo 2020 ngành sẽ cần nhiều điều chỉnh cả về chuyên môn và kế hoạch thực hiện.
Đoàn thể thao Việt Nam khép lại các nội dung thi đấu của mình vào tối 2-8 (theo giờ địa phương) tại Tokyo (Nhật Bản) với kết quả cuối cùng là vị trí hạng 18/24 VĐV sau lượt bán kết của Quách Thị Lan tại nội dung 400m rào nữ đồng thời chúng ta rời Olympic Tokyo mà không có tấm huy chương nào.
Nguyễn Thuỳ Linh là điểm sáng hiếm hoi của thể thao Việt Nam ở Tokyo 2020. |
18 tuyển thủ Việt Nam thi đấu tại 11 môn gồm judo, taekwondo, boxing, bắn súng, bơi lội, điền kinh, cầu lông, cử tạ, đua thuyền rowing, bắn cung, thể dục dụng cụ đã không đạt được huy chương nên so với 2 kỳ gần nhất trước đó là Olympic London (Anh) 2012 và Olympic Rio de Janeiro (Brazil) 2016 thì rõ ràng thể thao Việt Nam thất bại đáng kể. Olympic năm 2012, Việt Nam giành 1 HCĐ; Olympic năm 2016, chúng ta có 1 HCV, 1 HCB.
Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT đồng thời là Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo 2020 Trần Đức Phấn đã trả lời truyền thông sau khi chúng ta khép lại tranh tài ở Tokyo rằng, “giải pháp đầu tư trọng điểm cho thể thao rất quan trọng. Hiện tại, thể thao chúng ta đang trong giai đoạn đầu tư còn nhiều vấn đề cũng như liên quan đến công tác chuẩn bị có nhiều hạn chế, thiếu sót và chúng tôi tiếp thu để điều chỉnh”.
Tại Olympic Tokyo 2020, tính đến ngày 2-8, các nền thể thao trong khu vực Đông Nam Á gồm Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia đã giành được huy chương. Trong đó, Thái Lan có 1 HCV, Malaysia là 1 HCĐ, Philippines có 1 HCV, Indonesia giành 1 HCV, 1 HCB, 3 HCĐ. Hai nền thể thao Việt Nam và Singapore không có huy chương nào. 5 năm trước tại Brazil, nền thể thao chúng ta rất tự hào khi đạt 1 HCV, 1 HCB (bắn súng, Hoàng Xuân Vinh) và Singapore có 1 HCV (bơi lội, Joseph Schooling) nhưng bây giờ điều này không thành hiện thực. Bắn súng Việt Nam với xạ thủ Hoàng Xuân Vinh thất bại hoàn toàn tại Tokyo trong khi cử tạ, bơi lội (với Ánh Viên), taekwondo có thành tích thiếu thuyết phục.
Trong cả chuỗi đầu tư và phát triển thể thao với mục tiêu cho Olympic, các quốc gia như Thái Lan, Malaysia, Indonesia thường trực có huy chương Olympic chứ không bất chợt giành kết quả tại một thời điểm cụ thể. Ở Olympic năm 2012, Thái Lan có 2 HCB, 2 HCĐ, Indonesia đạt 2 HCB, 1 HCĐ, Malaysia đạt 1 HCB, 1 HCĐ và Singapore có 2 HCĐ trong khi chúng ta phải nhờ kết quả “vớt” do VĐV đối thủ bị tước kết quả vì doping và nhận 1 HCĐ môn cử tạ. Đến Olympic 2016, các quốc gia trên tiếp tục gặt hái thành công: Thái Lan (2 HCV, 2 HCB, 2 HCĐ), Indonesia (1 HCV, 2 HCB), Malaysia (4 HCB, 1 HCĐ), Philippines (1 HCB), Singapore (1 HCV).
Trên phương diện khác, dù thể thao Việt Nam luôn đứng đầu trên các bảng xếp hạng đại hội thể thao khu vực là SEA Games nhưng chúng ta lại đang thiếu VĐV đủ thiện chiến có tầm tranh thành tích với VĐV thế giới. Những quốc gia như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines... đang làm tốt hơn Việt Nam.
Đơn cử, võ sĩ Wongpattankit (taekwondo, 49kg nữ) của tuyển Thái Lan đã thăng tiến vượt bậc khi chỉ đạt HCĐ nội dung ở Olympic năm 2016 nhưng đến Olympic năm 2020 đã vươn lên đạt HCV. Hay VĐV Hidilyn Diaz của thể thao Philippines (cử tạ, 55kg) giành HCB tại Olympic năm 2016 nhưng đến Olympic Tokyo 2020 đã vươn lên đoạt HCV. Ngoài ra, cầu lông Indonesia tiếp tục khẳng định thế mạnh nội dung đôi và đoạt HCV các kỳ 2016, 2020.
Thể thao Việt Nam đủ sức tranh huy chương Olympic ở môn cử tạ trong hạng cân nhỏ nhưng chúng ta luôn thiếu quyết đoán ở 2 kỳ liên tiếp Olympic năm 2016, Olympic 2020 để tạo thành công./.
Theo Báo SGGP