Vận động viên (VĐV) Quách Thị Lan là đại diện duy nhất của điền kinh Đông Nam Á lọt vào bán kết một cự ly tại Olympic Tokyo 2020, tuy nhiên, khi giải đấu tại Nhật Bản đã khép lại thì giờ là lúc điền kinh Việt Nam cần tính tới bài toán chuẩn bị chuyên môn ở đấu trường cận kề.
Chuẩn bị cho các giải đấu lớn
“Theo kế hoạch, tuyển thủ một số tổ sẽ được tới Khu liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình tập huấn từ ngày 15-8. Trong nhóm này, VĐV Quách Thị Lan cũng có mặt. Đây là cơ hội tốt để các VĐV có sự tăng cường chuyên môn khi tiếp cận cơ sở vật chất là đường chạy trong sân vận động (SVĐ) quốc gia Mỹ Đình đủ tiêu chuẩn quốc tế”, Tổng Thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng (đồng thời là phụ trách bộ môn điền kinh của Tổng cục Thể dục Thể thao) cho biết.
Quách Thị Lan và một số tuyển thủ sẽ chuyển đến tập huấn ở sân Mỹ Đình. |
Ông Hùng cho biết, dựa trên báo cáo của Ban quản lý khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình thì tại đây có 2 lớp bảo vệ để đảm bảo an ninh cho VĐV, về dinh dưỡng sẽ có tổ bếp của Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia (HLTTQG) Hà Nội đến nấu và có khu hồi phục thể lực tại Bệnh viện Thể thao Việt Nam gần đấy cùng nơi tập của CLB bóng đá Hà Nội cũng như phòng ở cho VĐV được khép kín. Lãnh đạo bộ môn điền kinh và Liên đoàn đã trực tiếp xuống kiểm tra cơ sở vật chất để nắm rõ.
Việc chuyển từ Trung tâm HLTTQG Hà Nội về SVĐ quốc gia Mỹ Đình tập huấn gồm 45 thành viên của tuyển điền kinh (gồm HLV, VĐV, chuyên gia) trong các tổ 400m, trung bình dài. “Mặt đường nhựa trên SVĐ Mỹ Đình đủ tiêu chuẩn quốc tế và chúng ta được tập huấn làm quen chính là lợi thế cho từng tuyển thủ để chuẩn bị cho các giải quốc tế quan trọng”, ông Hùng nói thêm. Qua tìm hiểu, khi tập trên SVĐ quốc gia Mỹ Đình, các tuyển thủ vào tập hàng ngày mà không bị giới hạn số ngày trong tuần.
Guồng quay không thể chậm trễ
“Tôi đã nỗ lực thi đấu tại Tokyo (Nhật Bản) và có kết quả tốt thứ 2 trong sự nghiệp. Dù chưa đạt được mục tiêu đề ra là phải vượt chỉ số chuyên môn tốt nhất nhưng từ thi đấu Olympic, tôi thấy mình cần nỗ lực hơn nhất là về thể lực và kỹ thuật. Chạy cùng các VĐV mạnh cho mình một kinh nghiệm quý từ chuyên môn đến việc ổn định tâm lý. Nếu không bị ảnh hưởng của COVID-19, tôi và đồng đội ở tuyển điền kinh đều chờ một cơ hội tập huấn để rèn luyện tốt thêm”, tuyển thủ Quách Thị Lan bày tỏ.
Không ngoài quan điểm việc chuẩn bị là để dành cho các giải đấu quan trọng, chuyên gia điền kinh Dương Đức Thủy nhiều lần phân tích với quan điểm yếu tố tập huấn chiếm 50% sự thành công cho VĐV và 50% còn lại là nỗ lực bản thân phải đặt ra để vượt chỉ số, không được hài lòng với kết quả đã có. Tuyển thủ Quách Thị Lan đang là một trong những VĐV tốt nhất của châu Á tại đường đua 400m và 400m rào nhưng từ Olympic 2020 để hướng đến ASIAN Games 2022, điền kinh Việt Nam sẽ chuẩn bị rất nhiều.
“Nhóm VĐV của Bahrain chính là đối thủ mà Quách Thị Lan sẽ gặp tại ASIAN Games năm sau. Họ rất mạnh trên đường chạy 400m và ở Tokyo Aminat Jamal chỉ đạt 55”90 không vào bán kết nhưng quốc gia này luôn mở rộng chính sách nhập tịch để VĐV thi đấu nên chúng tôi cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng”, ông Hùng phân tích.
Về cơ bản, việc chuyển từ Trung tâm HLTTQG Hà Nội đến SVĐ quốc gia Mỹ Đình là chương trình tập huấn định kỳ các Trung tâm thực hiện với từng đội tuyển. Do ảnh hưởng của COVID-19, điền kinh Việt Nam chưa có cơ hội tập huấn, thi đấu quốc tế trong năm 2021. Nếu tình hình khả quan, Liên đoàn Điền kinh Việt Nam đã xây dựng xong kế hoạch tập huấn tại Trung Quốc vào 2 tháng cuối năm cho tổ 400m. Tuy vậy, tất cả vẫn chỉ là dự kiến ở thời điểm này./.
Minh Chiến