Olympic Tokyo 2020 khép lại sau ngày tranh tài 8-8 và tất cả các nền thể thao chỉ có 3 năm chuẩn bị tiếp theo hướng tới Olympic Paris (Pháp) 2024. Không phải thể thao Việt Nam thiếu niềm hy vọng cho tương lai, nhưng ai trong số đó trưởng thành thật sự sau giai đoạn là VĐV trẻ tiềm năm mới quan trọng.
Tay vợt cầu lông tiềm năng Nguyễn Hải Đăng. |
Không thiếu “của để dành”
Ủy ban Olympic thế giới (IOC) đã đưa vào tranh tài Olympic trẻ chính là một cơ hội để các nền thể thao có sự thử nghiệm và kiểm chứng chuyên môn cho VĐV trẻ tài năng của mình trước khi thi đấu Olympic đỉnh cao danh giá.
Trong lịch sử, Việt Nam đã có huy chương tại Olympic trẻ thế giới với Thạch Kim Tuấn (HCV, cử tạ), Nguyễn Thanh Thảo (HCB, taekwondo), Nguyễn Quốc Cường (HCĐ, taekwondo), Vũ Thị Trang (HCĐ, cầu lông) ở lần đầu tổ chức năm 2010 (Singapore).
Kỳ Olympic trẻ lần thứ 2, năm 2014 tại Trung Quốc, chúng ta tiếp tục giành huy chương nhờ nỗ lực của Nguyễn Thị Ánh Viên (HCV, bơi lội), Nguyễn Trần Anh Tuấn (HCB, cử tạ) và tại kỳ Olympic trẻ lần 3-2018 ở Argentina, thế thao Việt Nam đạt kết quả ấn tượng bằng HCV của Nguyễn Huy Hoàng (bơi), Ngô Sơn Đỉnh (cử tạ) và HCB của Nguyễn Thị Thu Trang (cử tạ). Vào năm sau 2022, thêm một lần nữa thể thao Việt Nam tiếp tục tìm suất dự Olympic trẻ thế giới và kỳ vọng tiếp tục giành thành tích cao.
Trải qua 3 kỳ Olympic trẻ thế giới, chỉ qua kết quả huy chương, thể thao Việt Nam không hề kém trước các nền thể thao khác ở châu Á nói riêng và đáng tự hào. Tuy nhiên, bước từ thi đấu trẻ sang thể thao chuyên nghiệp trong các đấu trường là cả câu chuyện và chỉ người thật sự nỗ lực, tố chất mới thành công.
Những tuyển thủ đã góp mặt tại Olympic trẻ thế giới 2018 của thể thao Việt Nam như Nguyễn Huy Hoàng, Ngô Sơn Đỉnh, Nguyễn Thị Thu Trang, Nguyễn Hải Đăng, Vũ Thị Anh Thư (cầu lông), Hồ Thị Kim Ngân (taekwondo), Nguyễn Văn Khánh Phong, Phạm Như Phương (TDDC)... nếu phát triển tốt thì không khó để trở thành những niềm hy vọng giành suất Olympic cho Việt Nam tại Olympic Paris 2024.
Giữa trẻ và già
Suốt 3 kỳ Olympic trẻ thế giới, thể thao Việt Nam đã có các tuyển thủ từng góp mặt rồi trưởng thành, thành danh được người hâm mộ biết đến như Kim Tuấn, Quý Phước, Ánh Viên, Vũ Thị Trang, Mỹ Thảo, Duy Khôi, Cao Cường... Tuy nhiên, không ít VĐV trong số đó sau khi dự Olympic trẻ thế giới rồi nhưng không thể vượt hẳn lên ở chuyên môn như Thanh Thảo, Quốc Cường (taekwondo), Thiện Quốc (cử tạ), Ngọc Dương (bắn súng), Trần Đình Vương (TDDC), Thu Thủy (taekwondo)...
Rất nhiều chuyên gia và nguyên quản lý ngành thể thao đưa phân tích và lý giải việc thất bại của thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo 2020 đồng thời không ít gợi ý về hướng đầu tư dài hạn cho tài năng thể thao phải ra sao được đưa ra. Lãnh đạo Tổng cục TDTT bầy tỏ rằng đã tiếp thu ý kiến đóng góp để có sự điều chỉnh tốt nhất về công tác đào tạo, đầu tư của ngành.
Dù thế, chưa một lời lý giải nào được đưa ra ở việc sau những kỳ Olympic trẻ thế giới, vì sao nhiều VĐV của Việt Nam không thể phát triển tốt mà chỉ còn giữ được chuyên môn làng nhàng không nổi bật. Ít nhất, thể thao Việt Nam có 6 năm chuẩn bị đối với những tuyển thủ từng dự Olympic trẻ thế giới 2018 để trau dồi nâng tầm chuyên môn dự tranh các lượt vòng loại tìm vé dự Olympic Paris 2024.
Sau thất bại của cử tạ tại Tokyo (Nhật Bản), lực sĩ trẻ Ngô Sơn Đỉnh là một trong những niềm hy vọng thay thế các đàn anh. Từ năm 2019, lực sĩ người Tiền Giang đã được vào danh sách đầu tư trọng điểm của ngành thể thao nhưng tất cả đều phải chờ sự thể hiện của tuyển thủ trong đấu trường quan trọng mới đủ thuyết phục./.
Theo Báo SGGP