Điểm yếu cố hữu của thể thao Việt Nam tại Olympic

08:07, 30/07/2021

Các tuyển thủ Việt Nam bước ra đấu trường quốc tế, nhất là đỉnh cao diệu vợi Olympic luôn bị bất ổn tâm lý. Tại Thế vận hội Tokyo 2020, lực sĩ cử tạ Thạch Kim Tuấn đã không còn là chính mình khi mắc lại sai lầm tai hại ở Olympic Rio de Janeiro 2016.

Bước vào Olympic Tokyo 2020, hãng thông tấn AP ngầm chỉ ra Thạch Kim Tuấn có cơ hội giành huy chương đồng ở hạng cân 61kg. Người hâm mộ cũng có cơ sở tin vào nhận định của AP khi những đô cử tên tuổi người Colombia, CHDCND Triều Tiên đã vắng mặt ở hạng cân 61kg.

Nhưng xem Thạch Kim Tuấn thi đấu, người hâm mộ và giới chuyên môn đã thất vọng. Ở nội dung cử giật, trong lần cử đầu tiên, Thạch Kim Tuấn thực hiện không thành công ở mức tạ 126kg. Anh thành công ở lần cử thứ hai vẫn với 126kg, nhưng thất bại ở lần cử thứ ba với 130kg. Lúc này, không chỉ Li Fabin (Trung Quốc, 141kg), Irawan Eko Yuli (Indonesia, 137kg) mà còn nhiều đô cử khác vượt xa Thạch Kim Tuấn ở nội dung cử giật.

Thạch Kim Tuấn thất bại trong phần thi cử đẩy tại Thế vận hội Tokyo 2020.  Ảnh: AFP

Thạch Kim Tuấn thất bại trong phần thi cử đẩy tại Thế vận hội Tokyo 2020.

Ảnh: AFP

Sang đến cử đẩy, người hâm mộ đã sốc thật sự khi Thạch Kim Tuấn thất bại trong cả 3 lần cử với mức tạ lần lượt là 150kg (lần 1 và 2), 153kg cho lần cử cuối cùng. Ở lần cử cuối cùng, dù anh nâng được tạ nhưng có 2/3 trọng tài bấm đèn đỏ (báo hiệu vận động viên phạm quy, mắc lỗi) do Tuấn loạng choạng và tay giữ tạ không thẳng đủ thời gian. Như vậy, Thạch Kim Tuấn 3 lần liên tiếp không thực hiện thành công ở nội dung cử đẩy, qua đó không được xét thành tích tổng cử.

Thất bại ở Olympic Tokyo 2020 giống hệt thất bại của chính Tuấn 5 năm trước tại Thế vận hội Rio de Janeiro 2016. Khác chăng ngày đó, anh thi ở hạng 56kg. Ở nội dung cử giật, Thạch Kim Tuấn đăng ký mức tạ khởi điểm 130kg, nhưng phải đến lần cử thứ hai mới thành công, sau đó thất bại ở lần cử thứ ba với mức 133kg. Anh cũng thất bại ở cả 3 lần cử đẩy, không được tính thành tích tổng cử. Ngày đó, Trưởng bộ môn cử tạ (Tổng cục Thể dục thể thao) Đỗ Đình Kháng đã phải thốt lên: “Đây là thất bại kinh hoàng của cử tạ Việt Nam”, đồng thời nhận mọi trách nhiệm về cá nhân mình.

5 năm sau, Thạch Kim Tuấn tự tin đến với Olympic Tokyo 2020 nhưng vào thi đấu, lập tức anh lại gặp vấn đề cũ: Bất ổn tâm lý. Phải biết rằng trong cuộc sống cá nhân, Tuấn là người có cá tính mạnh. Anh lớn lên trong môi trường xung quanh có nhiều tệ nạn nhưng đã dũng cảm, bản lĩnh vượt qua mọi trở ngại, được thầy Huỳnh Hữu Chí phát hiện và dày công huấn luyện cho đến tận ngày nay. Đúng ra tâm lý phải là thế mạnh của Thạch Kim Tuấn nhưng đáng tiếc, thực tế lại không phải như vậy.

Tay vợt cầu lông Nguyễn Tiến Minh cũng đã có 4 kỳ liên tiếp tham dự Thế vận hội. Hai lần đầu dự tranh (Olympic Bắc Kinh 2008, Olympic London 2012), Tiến Minh thậm chí còn không biết mình làm gì trong lúc thi đấu. “Cảm giác căng cứng, đơ người, đập cầu không nổi”. Nên nhớ ở Thế vận hội London 2012, Tiến Minh đang xếp hạng 11 thế giới. Cũng tại Olympic Bắc Kinh 2008, “hoàng tử ếch” Nguyễn Hữu Việt cho hay: “Khi xuống nước, tôi không thể bơi như bình thường”.

Choáng ngợp, choáng váng, tâm lý bất ổn đã khiến hàng loạt tuyển thủ hàng đầu của thể thao Việt Nam không còn là chính mình ở đấu trường Olympic. Nhìn Thạch Kim Tuấn bước ra thi đấu với khuôn mặt rạng ngời mà nhiều người lo lại thêm lo. Và rồi, điều lo sợ đã đổ ập xuống khi một lần nữa, Tuấn không còn là chính mình.

Sau thất bại của niềm hy vọng Hoàng Xuân Vinh, Thạch Kim Tuấn hay Nguyễn Tiến Minh, cảm giác hụt hẫng, thất vọng là điều không tránh khỏi với nhiều người yêu thể thao Việt Nam. Song cách đón nhận thất bại của một bộ phận cổ động viên gây bức xúc cho VĐV, gia đình và đơn vị chủ quản. Những lời nói kém văn hóa ấy còn âm thầm phá hoại tinh thần đoàn kết và giá trị nhân văn trong thể thao. 

Không đổ lỗi cho thất bại nhưng bản thân Xuân Vinh, Tiến Minh, Kim Tuấn khẳng định họ đã thi đấu hết mình. Họ là những người khát khao chiến thắng hơn ai hết, mong muốn được mang vinh quang về cho Tổ quốc nhất. Nhưng đấu trường Olympic là một tầm cao không chỉ riêng TTVN mà còn với nhiều nền thể thao khác trên thế giới. Đến được với Olympic đã khó, giành được một trận thắng hay một thứ hạng tại đấu trường Thế vận hội lại càng khó hơn. Nhìn lại lịch sử 41 năm tham dự Olympic, TTVN đã gặt hái được trọn bộ huy chương với 1 huy chương vàng, 3 huy chương bạc và 1 huy chương đồng. Không ngủ quên trên chiến thắng là phương châm tối thượng để phát triển thể thao đỉnh cao, nhưng để tạo ra được một VĐV đủ sức cạnh tranh huy chương Olympic là một chặng đường gian nan. Trong thể thao, khoảng cách về trình độ không dễ để san lấp, thậm chí phải tính bằng cả vài thế hệ. Hôm nay ta tiến bộ thì bạn cũng không tụt lùi. Kỳ này ta thành công nhưng kỳ sau lại thất bại là chuyện thường tình.

Ý nghĩa cao thượng của thể thao, của đấu trường đỉnh cao Olympic là gắn kết con người. Dù chiến tranh hay thiên tai, dịch bệnh, nhân loại trên khắp hành tinh đều nỗ lực tề tựu để nuôi dưỡng khát khao gắn kết. Những tấm huy chương chính là tô đẹp thêm giá trị nhân văn đó.

Có bản lĩnh để đón nhận thất bại mới là cách ứng xử có văn hóa./.

Khoa Minh Hữu Trưởng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com