Có lẽ mọi điều tô vẽ đều không còn cần thiết dành cho V-League lúc này. Tính hấp dẫn của nó đã nói lên tất cả trước khi giải đấu bước vào loạt trận đấu cuối cùng của giai đoạn một, vẫn còn đến 6 đội chưa biết mình thuộc về nhóm nào, đua vô địch hay đấu trụ hạng.
Tất nhiên việc chia 2 nhóm đấu ở mùa giải năm nay là một thể thức thi đấu có phần nghiệt ngã. Lịch sử V-League đã chứng minh, ở các mùa giải 2004 và 2009, những đội bóng đứng trong nhóm cuối lượt đi như trường hợp của Đồng Tâm Long An hay Hà Nội T&T vẫn có thể quật khởi ở lượt về để cuối mùa đứng trong tốp 4 đội mạnh nhất. Nhưng khi chia thành 2 nhóm, cơ hội ấy sẽ không còn. Ở góc độ nào đó, cũng có phần “bất công” với các đội nếu chẳng may có khó khăn về lực lượng trong giai đoạn đầu mùa nhưng không có cơ hội để “làm lại”.
Nói đi cũng phải nói lại, nhờ thể thức thi đấu 2 giai đoạn, chia 2 nhóm mà bóng đá Việt Nam mới tìm ra câu trả lời về cách thức tạo nên chất lượng của V-League. Khi bị “đẩy” vào việc phải tranh đấu qua từng trận một để tìm chỗ đứng cho mình, các đội bóng cũng thể hiện được năng lực thật sự, phần nào đó khai phá những tiềm năng mà với thể thức thi đấu “đá trụ hạng cho xong”, họ đã không nhìn thấy. Lấy ví dụ như tân binh Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, nhiều điểm yếu, nhưng sau 12 vòng đấu hiện đã có 15 điểm sau khi đánh bại đội bóng giàu truyền thống, nhiều ngôi sao như Thanh Hóa ngay trên sân khách cuối tuần qua. Như vậy, nếu thắng luôn Quảng Nam trong trận đấu ở vòng 13 này, Hà Tĩnh sẽ vào nhóm tranh vô địch, tức là trụ hạng sớm đến nửa mùa giải. Đây là điều không phải tân binh nào cũng có thể làm được.
Việc thi đấu không khoan nhượng còn giúp cho những yếu tố chuyên môn quan trọng được phát huy, trong đó có vấn đề đấu pháp, chiến thuật. Lấy trường hợp của Sài Gòn FC, đội bóng được xem là một bản sao của Đồng Tâm Long An trước đây, sử dụng phòng ngự - phản công làm nền tảng thành công. Mặc dù mới để thua trận đầu tiên trong mùa giải trước Viettel, nhưng nếu thầy trò HLV Vũ Tiến Thành kiên định với lối chơi của mình, họ đủ sức theo đuổi cuộc đua vô địch đến giờ cuối. Một gợi ý đáng giá cho nhiều đội bóng có thực lực yếu.
Bóng đá Việt Nam luôn được đánh giá là có tiềm năng, con người thông minh lại đam mê bóng đá. Điều này được chứng minh bằng những thành công ở cấp độ đội tuyển quốc gia trong 3 năm qua. Thế nhưng, do nhiều vấn đề, các khía cạnh tốt đẹp thường không được phát huy. Chiến thuật nghèo nàn, tinh thần kém, các sáng tạo trong thi đấu cũng như hoạt động kinh doanh rất hạn chế, khiến cho việc phát triển chuyên nghiệp rất chậm. Sự mới mẻ quá ít, khán giả cũng vì thế mà ít tăng lên dù lượng người hâm mộ không thiếu. Người ta thích đi xem bóng đá không chỉ vì chiến thắng của đội nhà, mà còn muốn thưởng thức lối chơi, sự quyết liệt, tinh thần màu cờ sắc áo của cầu thủ./.
Theo SGGP